Nữ DJ cầu cứu bác sĩ vì mông bị toác rộng sau đặt túi độn

Mong muốn có vòng 3 căng tròn, to đẹp, nữ DJ quyết định đi đặt túi độn mông. Tuy nhiên sau đó, vết khâu không liền mà toác rộng hở cả một mảng lớn.

Làm DJ, Thanh rất chú trọng đến ngoại hình của mình. Vì thế, thấy mông lép mặc quần áo xấu, không tự tin, cô gái trẻ quyết định đi độn mông bằng cách đặt túi. 

Tuy nhiên, đẹp đâu chưa thấy, cô chỉ thấy khổ thêm vì sau một thời gian mông toác hở cả mảng lớn. Suốt thời gian qua, cô phải nằm sấp, chịu đau chỉ mong vết thương sớm liền nhưng tình trạng không cải thiện. 

Sau đó, cô được giới thiệu đến gặp Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). 

Theo TS Hải, sau khi được đặt túi độn, bệnh nhân bị chậm liền vết mổ lâu ngày dẫn đến toác rộng, hở cả một mảng lớn ở mông. Với trường hợp này, bác sĩ xử lý bằng cách ghép da để giúp da liền lại trong khi vẫn giữ được túi độn mông.

Sau 6 tháng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật chuyển vạt nếu sẹo xấu (cắt ổ sẹo xấu, chuyển vạt 2 bên để khâu lại).

Nữ DJ cầu cứu bác sĩ vì mông bị toác rộng sau đặt túi độn-1
Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) (Ảnh: N.H). 

Độn mông tưởng chừng dễ nhưng rất khó do đó là vị trí ngồi. Việc xử lý sau mổ không tốt, không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến vết thương bị dịch, chậm liền hoặc túi chạy. 

Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng về thẩm mỹ như lệch túi, lộn túi, đặt túi thấp quá, cao quá không cân xứng... 

"Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng sớm khác như chảy máu gây tụ máu (phải phẫu thuật cầm máu, lấy máu tụ), viêm nhiễm khuẩn (phải tháo túi), vết mổ bị toác, không liền (do đường mổ ở phía sau vùng xương cùng cụt nên khi phẫu thuật, vị trí này dễ bị thiểu dưỡng)...", TS Hải nói. 

Ngoài ra, một số trường hợp bị chậm liền vết mổ, có thể kéo dài tới vài tháng. Khi đó, bác sĩ có thể phải phẫu thuật tháo túi độn mông hoặc phẫu thuật chuyển vạt, ghép da để che phủ nếu vết khâu bị toác rộng. Một số trường hợp đặt túi quá thấp chèn dây thần kinh hông to gây tê bì đau tức chân, khi đó bắt buộc phải tháo túi.

Do đó, các bác sĩ cần được cập nhật kiến thức thường xuyên để giảm thiểu các biến chứng và cách khắc phục. 

Sau khi được đặt túi, bệnh nhân cần được cho nằm sấp và theo dõi sát lượng dịch, quá trình liền vết thương hằng ngày. Có những trường hợp đặt biệt, bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật hút áp lực âm để chủ động hút dịch hoặc tăng tuần hoàn giúp vết khâu nhanh liền. 

Kỹ thuật hút áp lực âm là phương pháp giúp quá trình liền vết thương nhanh, loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện dòng máu đến mô. Phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các vết thương mạn tính, khó lành.

Bác sĩ khuyên, khi có nhu cầu làm đẹp chị em cần tìm hiểu thông tin kỹ càng về kỹ thuật làm, biến chứng có thể xảy ra, lựa chọn những cơ sở uy tín, bác sĩ có tay nghề…

Đặc biệt, không nghe theo lời quảng cáo tiêm filler với số lượng lớn để nâng ngực, độn mông. Tiêm filler chỉ nên áp dụng cho những vùng tiêm nhỏ như gốc mũi, môi, thái dương và cằm…

* Tên nhân vật đã được thay đổi. 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/nu-dj-cau-cuu-bac-si-vi-mong-bi-toac-rong-sau-dat-tui-don-20231002155303573.htm?fbclid=IwAR1ffMgEjvU-vDKaDeQxH4O4mDcElQHLk7lhUIacmnub4H03Tzdv97ACVl0

Phẫu thuật thẩm mỹ

Tin tức mới nhất