Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Kim Dung (SN 1988; trú tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) về hành vi Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Dấu hiệu bất thường trong bệnh viện
Theo tài liệu của Công an quận Đống Đa, đầu tháng 6/2019, đơn vị tiếp nhận tin báo của người dân về việc phát hiện trường hợp có dấu hiệu tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tại Bệnh viện Bảo Sơn, ở phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa.
Đối tượng Phạm Thị Kim Dung
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Ban chỉ huy Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp chủ trì xác lập chuyên án, phối hợp với Đội Hướng dẫn, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố và Công an phường Láng Thượng tổ chức điều tra, làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định, đối tượng chính trong đường dây tổ chức “đẻ thuê” này là Phạm Thị Kim Dung, có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và hiện đang mang thai.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa đã bắt giữ Phạm Thị Kim Dung. Tại cơ quan công an, đối tượng liên tục quanh co chối tội. Tuy nhiên, bằng các tài liệu, chứng cứ xác thực, Dung đã nhận tội và khai nhận toàn bộ vụ việc.
Dung thường xuyên loanh quanh ở khu vực cổng các bệnh viện phụ sản, phòng khám hiếm muộn, nên đối tượng biết nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc sinh sản và có nhu cầu tìm người mang thai hộ.
Dung đã vào các trang mạng xã hội, đăng vào các hội nhóm để tìm người nhận “đẻ thuê”. Những người phụ nữ được Dung chọn phải có sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc và thường là người ở các vùng sâu, vùng xa.
Tháng 4/2018, một người phụ nữ tên H. (là Việt kiều Đức), gặp khó khăn trong việc sinh con, nên đã liên hệ với Dung tìm người mang thai hộ. Dung đồng ý và ra giá 400 triệu đồng. Trong đó, Dung chi trả cho người mang thai hộ 200 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng dùng để chi cho việc khám, nuôi dưỡng người mang thai và hưởng lợi.
Hai bên nhất trí với thỏa thuận và đến tháng 7/2018, Dung nhận phôi thai của vợ chồng chị H. đến một bệnh viện thực hiện việc cấy phôi vào tử cung của người nhận “đẻ thuê”. Sau đó, Dung đưa người phụ nữ này về chăm sóc đến khi sinh nở và bàn giao đứa trẻ cho chị H.
Tuy nhiên, trong quá trình đến bệnh viện Bảo Sơn để làm các thủ tục rút hồ sơ sinh đẻ, phục vụ cho việc đưa con về Đức, chị H bị phát hiện... Từ đầu mối này, cơ quan công an nhanh chóng lần ra đối tượng chính trong vụ việc chính là Dung.
Ngoài vụ môi giới “đẻ thuê” này, Dung khai còn tổ chức mang thai hộ để hưởng lợi cho 5 trường hợp khác. Tổng số tiền Dung hưởng lợi từ việc chức mang thai hộ khoảng 70 triệu đồng.
Cần tuân thủ pháp luật
Theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đống Đa, vụ việc trên cho thấy, diễn biến hoạt động của loại tội phạm môi giới đẻ thuê luôn tiềm ẩn phức tạp.
Các đối tượng nắm được nhiều gia đình hiếm muộn, có nhu cầu mang thai hộ. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho phép việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Lợi dụng những yếu tố này, các đường dây môi giới và tổ chức đẻ thuê đã được hình thành một cách tinh vi, dưới vỏ bọc là những "bộ hồ sơ hợp pháp".
Tuy nhiên, hành vi của đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tự nhiên của dân số, gây hệ lụy lâu dài đến nòi giống, huyết thống, ảnh hưởng đến sức khỏe người mang thai, trẻ sơ sinh và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế.
Chính vì vậy, thông qua vụ việc này, cơ quan công an khuyến cáo những gia đình có nhu cầu chính đáng về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo, cần tìm đến cơ sở uy tín được cấp phép, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Theo An Ninh Thủ Đô