Liên quan đến vụ chủ shop quần áo hành hạ, đòi tiền bồi thường rồi tung clip lên mạng sau khi phát hiện cô gái ăn trộm váy gây xôn xao dư luận, hiện Công an TP. Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường (SN 1992, trú tại phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa về tội Làm nhục người khác và tội Cưỡng đoạt tài sản.

Cơ quan công an vẫn chưa áp dụng Lệnh bắt tạm giam với trường hợp của Hường.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh (SN 1990, chồng của Hường) về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Vậy tại sao Hường không bị áp dụng Lệnh tạm giam?

Lý giải về quy định này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Tạm giam là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội trong thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi.

Nữ sinh ăn trộm bị làm nhục: Không tạm giam chủ shop Mai Hường?-1
Hiện Trịnh Đình Anh bị áp dụng Lệnh tạm giam

Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp như: Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra hoặc tiếp tục phạm tội.

Ngoài ra với bị can là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, có nhân thân, địa chỉ rõ ràng nên Cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị can Hường có thể thuộc trường hợp này nên không cần áp dụng tạm giam.

Nữ sinh ăn trộm bị làm nhục: Không tạm giam chủ shop Mai Hường?-2
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Việc tạm giam phải có lệnh của người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Lệnh tạm giam của Trưởng công an, Phó Trưởng Công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong quân đội nhân dân phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Lệnh tạm giam phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ, tên, chức vụ của người ra lệnh; họ, tên, địa chỉ của người bị tạm giam; lí do tạm giam, thời hạn tạm giam và giao cho người bị tạm giam một bản.

Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyển xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.

Thời hạn tạm giam do pháp luật quy định. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị