Nữ sinh bị lừa tình: Nỗi đau và sự trả giá

Chỉ vì vội tin vào những tình cảm mới chớm mà nhiều sinh viên đã bị rơi vào những khoảng thời gian khủng hoảng nặng nề, ảnh hưởng đến việc học tập và phải trả giá bằng cả tương lai của mình.

Niềm tin đặt nhầm chỗ

Hạnh Dung (22 tuổi) đã lãng phí 2 năm tuổi thanh xuân của mình để yêu một người đàn ông hơn mình 15 tuổi, từng ly dị vợ một lần. Trong quãng thời gian hạnh phúc bên nhau, anh ta luôn thể hiện sự yêu thương, chiều chuộng Dung và thậm chí còn từng về ra mắt bố mẹ bạn gái. Không những vậy, hai người cũng đã từng gần gũi với nhau nữa.

Tuy nhiên, Dung chưa bao giờ kể việc anh ta đã từng có một đời vợ với bố mẹ mình cả. Đối với một gia đình ở làng quê nghèo khó như gia đình Dung, việc có chồng tương lai là người thành phố lại giàu có, lịch lãm là điều khiến họ hàng đều thấy tự hào và muốn khoe với làng xóm.

Nhưng những tưởng mọi chuyện sẽ đẹp mãi, sau một năm anh ta đi công tác ở nước ngoài, Dung mất dần liên lạc. Bán tín bán nghi, cô đi hỏi khắp bạn bè, đồng nghiệp của anh ta thì mới hay trong 1 năm qua hắn đã đăng ký kết hôn với một người phụ nữ Malaysia và hiện đang sống và làm việc luôn tại đó.

Thất vọng và xấu hổ với gia đình, Dung chỉ biết tự trách mình đã quá nhẹ dạ để cho người ta lừa gạt. Mất gần 3 tháng trong trạng thái khủng hoảng và tuyệt vọng, Dung không dám về nhà vì sợ họ hàng, láng giềng hỏi han, Dung giam mình trong phòng và tránh xa mọi cuộc vui chơi với bạn bè.

Đã từng nhiều lần nghĩ đến việc tự tử và một lần cầm lọ thuốc ngủ trong tay nhưng Dung không dám. Có lẽ bởi những lúc đó cô đã nghĩ tới bố mẹ mình, về sự kỳ vọng của gia đình khi cho cô lên Hà Nội học ĐH và cũng bởi cô biết yêu lấy chính tương lai của mình.
 

Chỉ vì dại khờ, quá tin tưởng để người yêu lợi dụng,
nhiều cô gái đành ngậm trái đắng về mình trong sự
dè bỉu của người khác. (ảnh minh họa)

Không may mắn như Dung khi chưa để lại hậu quả khó gỡ nào, Jenny Vân – nick name của một cô gái 19 tuổi được bạn bè đặt cho đã phải trả giá bằng cả tương lai của mình sau khi quen một chàng thiếu gia đất Mỏ.

“Năm ngoái mình mới lững thững chân ướt chân ráo vào trường đại học. Học hết học kỳ một, mọi thứ đến với mình rất tốt, mình còn được học bổng. Từ học kỳ hai mình quen dần với các bạn rồi có nhiều mối quan hệ ở bên ngoài, hay đi dã ngoại với bạn bè hơn”, Vân (SV ĐH Văn Hóa – HN) mở lời tâm sự.

Sau khi kết thúc năm học đầu, Vân không ở kí túc mà chuyển ra ngoài trọ học. Cũng từ đó vì muốn được thay đổi thật nhanh cho hợp phong cách thành thị, từ một cô bé nhà quê giản dị, tóc dài, ăn mặc kín đáo, chẳng biết thế nào là quán cà phê… nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Vân đã làm cho bạn bè đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

“Lúc được bạn bè trầm trồ, mình thấy tự hào lắm. Rồi mình có biệt danh Jenny Vân, sành điệu với mái tóc nhuộm ánh tím đỏ, khuôn mặt trang điểm như người mẫu, quần áo hợp mốt”.

Quá mê muội trong những lời khen có cánh, Vân thấy mình như một hotgirl giữa các cuộc hẹn hò, đàn đúm với “dân chơi”. Ngoài những buổi tiệc tùng linh đình, cà phê sang trọng, những chốn ăn chơi khác như bar, vũ trường cũng dần trở thành quen đối với Vân.

Từ đây Vân lọt vào mắt xanh của một “công tử” con nhà giàu, lắm tiền. Đồng ý làm người yêu của chàng, Vân ngây ngất với những chuyến du hí khắp Sapa, Hạ Long đến Nha Trang, Phan Thiết…

Không những vậy, Vân còn tự hào khoe những món đồ hàng hiệu được bạn trai mua cho. Mặc cho những lời cảnh báo của bạn bè về một mối quan hệ mà bề nổi nhiều hơn cái cốt lõi của một tình yêu chân thành, Jenny Vân vẫn không ngừng mê say bên chàng “công tử” của mình.

Sau đó nửa năm, khi phát hiện mình có bầu, Vân gọi điện cho người yêu thông báo thì được nhận những lời động viên ngọt ngào: “Em có thai thì cứ để đẻ đi. Nhà anh mặt phố, bố làm to thiếu gì tiền cho em nuôi con. Rồi kiểu gì bố mẹ anh cũng chăm sóc cho con cháu thôi…”.

Vân nghẹn ngào kể tiếp: “Khoảng ba tháng tiếp đó, mức độ gặp nhau của mình và người yêu ngày càng ít dần đi. Tìm hiểu thì mình mới bàng hoàng vỡ lẽ, anh ấy có bồ mới rồi. Mình cũng cố gắng tìm cách để ràng buộc tình yêu nhưng anh ấy ngày càng rời xa. Thai nhi đã lớn nên mình không nỡ bỏ nó đi.

Mình dại quá, sao mình lại tin một người như thế !? Mình không hề biết chút gì về bố mẹ anh ấy cả, chưa một lần về thăm nhà anh ấy nữa. Anh ấy bảo nhà ở Quảng Ninh nhưng bố mẹ khắt khe nên chưa dám đưa mình về, đợi hết chuyện này đến chuyện khác”.

Cuộc sống hiện tại của Vân rất vất vả vì không có ai bên cạnh dù đã mang thai ở tháng thứ 7. Suốt nửa năm nay Vân không về nhà, chỉ nhận tiền từ mẹ và anh chị em gửi cho. Bố đã từ mặt cô, chỉ có mẹ dấm dúi thi thoảng lén ra thăm mấy ngày. Và từ giờ đến khi sinh con, Vân cũng chưa biết phải làm gì để nuôi nó, việc học ở trường thì Vân đã xin bảo lưu nhưng không biết đến khi nào mới có thể tiếp tục được.

Có rất nhiều các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất mới lên thành phố học tập cũng đã mắc phải những trường hợp tương tự. Một số bạn được phỏng vấn đã gần như không còn đủ lòng tin để yêu thêm lần nào nữa bởi các bạn không biết liệu mình có thể tin tưởng được ai nữa hay không?

“Bây giờ mình chỉ muốn tập trung vào công việc mà thôi, mình không còn thấy mặn mà với việc yêu đương như trước. Mình không nghĩ rằng tình yêu sẽ không bao giờ đến nữa nhưng thực sự thì mình không kỳ vọng lắm”, Hạnh Dung chia sẻ quan điểm sống hiện tại của mình.

Tự bảo vệ chính mình

Gần đây, còn xuất hiện nhiều vụ việc sinh viên sập bẫy lừa tình như việc nữ sinh bị người yêu đặt máy quay lén rồi gạ cởi đồ, sau đó đăng tải lên các trang web đen hay thậm chí còn nguy hiểm hơn như việc bạn trai rủ đi chơi sang Trung Quốc rồi bán cho các ổ mại dâm.

Rất nhiều các bẫy tình ái luôn được giăng đầy ngoài kia nhưng chẳng phải ai cũng đủ tỉnh tảo để nhận ra chúng. Cũng như không phải cô gái nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua những cú sốc đó trong cuộc đời mình.

Chẳng thế mà đã có những trường hợp nữ sinh tự tử vì bị bạn trai phụ tình hay thậm chí là tìm cách quay lại trả thủ bạn trai, tạo thêm nghiệp chướng và thế là tương lai cũng khép lại đằng sau những tấm song sắt.

Cách tốt nhất để không trở thành nạn nhân của những bẫy lừa tình đó chính là các bạn phải biết tự bảo vệ lấy chính mình, không cho kẻ khác có cơ hội lợi dụng mình

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý trường ĐH Sư Phạm TP HCM, đồng thời là tác giả của cuốn sách, bộ phim “Bộ luật tình yêu” chia sẻ “Trong một xã hội thì luôn có cả người tốt lẫn kẻ xấu. Vì thế bạn cần phải biết phân biệt, tỉnh táo khi tiếp xúc với người lạ.

Làm sao các bạn lại có thể tin tưởng được người mà mình chưa nắm rõ thông tin cá nhân, chưa biết anh ta ở đâu, nguồn gốc thế nào mà dám dâng hiến mọi thứ như thế? Vậy thì cách tốt nhất để không trở thành nạn nhân chính là phải luôn tự bảo vệ mình vì chỉ có mình mới yêu thương bản thân mình nhất mà thôi.

Còn trường hợp không may mắc phải rồi thì bạn cũng hãy thật sự bình tĩnh để tìm cách ứng xử hợp lý nhất, không được phép đánh mất chính mình, đánh mất tương lai của mình”.

Điều thứ 7 trong “Bộ luật tình yêu”, thầy giáo Khắc Hiếu cũng nhấn mạnh rằng, để có được một tình yêu đẹp và lâu bền, chúng ta cần “Biết tìm hiểu đúng cách. Bạn không thể thích một quyển sách nếu như bạn chưa bao giờ đọc, bạn cũng không thể yêu sâu sắc một người nếu như chưa thực sự hiểu về người ấy.

Đừng tìm hiểu nhau qua... bói tử vi, xem cung hoàng đạo. Hãy tìm hiểu bằng cách quan sát điều người đó nói, cách người đó làm, hành vi người đó cư xử. Ngoài ra còn phải tìm hiểu thông qua bạn bè và người thân xung quanh nữa”.

 Theo Tiền Phong

Tin tức mới nhất