Bệnh nhân là cô nữ sinh cấp 3 N.T.A.H. (17 tuổi). H. được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cấp cứu vào rạng sáng trong tình trạng nói khó và liệt hoàn toàn nửa người phải, méo miệng.
Bệnh nhân được điều trị tại khoa Thần Kinh với chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 3.
Điều đáng nói ở đây là bệnh nhân chỉ đang ở độ tuổi cắp sách tới trường, tuổi nhỏ hơn so với tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân (≥18 tuổi) để được thực hiện chỉ định thuốc tiêu sợi huyế,t kèm theo tình trạng mất máu sinh lý do em đang trong thời gian kinh nguyệt.
Chỉ sau 15 phút dùng thuốc tiêu sợi huyết, cơ lực của bệnh nhân đã được cải thiện tốt.
Nếu không được can thiệp, chắc chắn em sẽ phải chịu những di chứng nặng nề về vận động, ngôn ngữ, cả cuộc đời có thể phải gắn liền với xe lăn. Vì thế, bác sĩ đứng trước việc lựa chọn một bên là tính mạng, sự hồi phục của bệnh nhân, một bên là những nguyên tắc nên hay không nên dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Ngay trong đêm lãnh đạo khoa Thần kinh, các y bác sĩ đã hội chẩn, cân nhắc kỹ càng, thống nhất quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết. Đặc biệt không thể để chậm trễ mất đi cơ hội "giờ vàng" tái thông mạch não khiến di chứng thêm nặng nề hơn.
Điều đáng mừng là chỉ sau 15 phút dùng thuốc, cơ lực của bệnh nhân đã được cải thiện tốt, có thể cử động được nửa người phải. Khoảng thời gian sau đó các triệu chứng được cải thiện tốt dần, H có thể đứng, tập đi lại và không gặp biến chứng nào.
Gia tăng đột quỵ não ở người trẻ
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng.
Mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác,…
Trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động.
Mặc dù đột quỵ là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng có thể phòng ngừa và điều trị được nếu chúng ta có thói quen sống tích cực, lành mạnh, kiểm soát tốt các bệnh lý nền, yếu tố nguy cơ; phát hiện triệu chứng và nhanh chóng kịp thời đến các trung tâm y tế có khả năng điều trị.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đột quỵ não: gồm chảy máu não (chảy máu nội sọ, chảy máu não thất và chảy máu khoang dưới nhện) và thiếu máu não (nhồi máu não, cơn tai biến mạch máu não thoáng qua).
Các triệu chứng gợi ý đột quỵ gồm bệnh nhân đột ngột yếu hoặc tê mặt, tay hoặc chân, đặc biệt một bên cơ thể; rối loạn ý thức; có bất thường về lời nói hoặc sự hiểu biết; bất thường về nhìn ở một hoặc cả hai bên mắt; mất thăng bằng, chóng mặt hoặc phối hợp động tác; đau đầu dữ dội mà không rõ căn nguyên.
Các chuyên gia cảnh báo, số bệnh nhân đột quỵ tại nước ta gia tăng hàng năm, đặc biệt khoảng 1/3 số ca bệnh xảy ra ở độ tuổi trẻ 40-45 tuổi, gọi là đột quỵ sớm.
Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi.
Nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ não ở người trẻ tuổi là do có các bất thường mạch máu não (dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não…).
Bên cạnh đó còn phải kể đến một số nguyên nhân khác như thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, giảm vận động, làm việc căng thẳng, chế độ ăn không phù hợp, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống rượu bia… Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa thành mạch, từ đó dẫn đến đột quỵ.
Theo Dân Trí