Những ngày qua, mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ nhiều hình ảnh đẹp về tinh thần làm việc của các y, bác sĩ chống chọi lại dịch virus corona gây viêm phổi cấp. Trong đó, câu chuyện về nữ y tá tên Jin Li, công tác tại Bệnh viện Đại học Dương Châu được nhiều người khen ngợi.

Kể từ khi dịch bùng phát, Jin Li và đồng nghiệp bắt đầu làm việc theo ca trực, mỗi ca 12 tiếng/ngày để giúp chăm sóc lượng bệnh nhân ngày một đông.

"Jin Li luôn chân luôn tay khi làm việc mà không hề phàn nàn. Khi làm việc chung một ca trực, tôi thấy cô ấy từng không ăn uống, không đi vệ sinh suốt 12 tiếng để làm việc", bác sĩ Yang Ming, đồng nghiệp Jin Li nói với The Paper.

Vì mỗi ca trực chỉ có một bác sĩ, một y tá, ngoài chăm sóc bệnh nhân, họ phải làm nhiều việc không tên như: tư vấn người bệnh, chuyển mẫu bệnh phẩm, chuẩn bị phòng CT, thí nghiệm hay thậm chí lau dọn phòng bệnh.

Nữ y tá không ăn uống, không đi vệ sinh suốt 12 tiếng để chống dịch-1
Y tá Jin Li không ăn uống, không đi vệ sinh suốt 12 tiếng để làm việc.

Ngày 26/1 (mùng 2 Tết Nguyên đán) cũng là ngày sinh nhật Jin Li. Hôm đó, nữ y tá trực ca 7h đến 19h và dường như quên mất ngày kỷ niệm. Cha mẹ cô đã lái xe từ quê nhà An Huy đến Dương Châu để mừng sinh nhật con gái.

"Họ đến nơi từ 16h nhưng đợi ở ngoài cổng bệnh viện mà không gọi điện để tránh làm phiền tôi. Bàn giao ca trực, thay đồ bảo hộ và bước ra cổng bệnh viện lúc hơn 20h, tôi đã bật khóc vì cảm động khi nhìn thấy bố mẹ", Jin Li nói.

Theo Jin Li, vì số lượng quần áo bảo hộ hạn chế, thiết bị chật và rất khó mặc cũng như cởi ra, các nhân viên y tế luôn cố gắng thay đồ ít lần nhất có thể để tiết kiệm thời gian, tập trung làm việc.

Bên cạnh đó, để tránh đi vệ sinh nhiều lần, họ cũng ăn ít, ăn đồ khô và hạn chế uống nước.

"Có lần trực từ 7h, tôi ăn một ít bánh mì vào lúc hơn 6h rồi sau đó không dám ăn gì thêm. Đối với tôi, đói là chuyện nhỏ, tôi nghĩ đồng nghiệp của mình đều vậy. Giữa thời điểm khó khăn này, không chỉ riêng tôi, các y bác sĩ ai cũng đều vất vả", Jin Li bày tỏ.

Nữ y tá không ăn uống, không đi vệ sinh suốt 12 tiếng để chống dịch-2
Bộ đồ bảo hộ mất nhiều thời gian để mặc và không thể sử dụng nhiều lần nên các y bác sĩ phải tiết kiệm nhất có thể.

Vốn làm việc ở khoa sản và được chuyển tới hỗ trợ điều trị bệnh nhân vùng dịch không lâu, y tá Jin Li được nhiều đồng nghiệp nhận xét làm quen với công việc nhanh, luôn tràn đầy năng lượng dù làm việc nhiều tiếng một ngày.

Không chỉ Jin Li, trong thời điểm dịch viêm phổi cấp diễn biến phức tạp, những hình ảnh xúc động về sự nỗ lực cứu chữa bệnh nhân của các y, bác sĩ hay làm việc trong điều kiện khó khăn cũng được nhiều trang mạng Trung Quốc chia sẻ.

Đó là y tá tên Đơn Hà cạo trọc đầu trước khi vào ca làm việc để tiện mặc đồ bảo hộ cũng như phòng virus bám vào tóc gây lây lan bệnh hay đôi tay sưng đỏ, nhăn nheo vì liên tục chà rửa hóa chất của các bác sĩ ở Vũ Hán.

Tính đến hết ngày 3/2, số người chết vì virus corona ở Trung Quốc tăng lên 425 người với 3.235 ca nhiễm mới. Trên thế giới, tổng số ca nhiễm virus này là 20.625 ca, trừ một trường hợp chết ở Philippines (công dân Trung Quốc tới từ Vũ Hán), tất cả ca tử vong tới giờ đều là ở Trung Quốc đại lục.

Theo Zing