Đại tá, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) trả lời trên Vietnamnet rằng, nước dừa có khả năng giải nhiệt và cung cấp năng lượng cho cơ thể trong thời tiết nóng bức. Thức uống này chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, natri, canxi, magie và vitamin C, giúp tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống nước dừa thoải mái mà tùy tình trạng sức khỏe, cần cân nhắc thời gian và liều lượng sử dụng.

Dưới đây là một số nhóm người được khuyến cáo không nên uống nước dừa:

Người mắc bệnh về thận

Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang The Indian Express cho biết, nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Thông thường, kali được bài tiết qua nước tiểu nếu nồng độ kali trong máu quá cao, nhưng nếu thận không hoạt động bình thường, quá trình bài tiết kali qua nước tiểu sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, người bị bệnh thận mạn tính hoặc đang dùng thuốc nên thận trọng.

Người bị hội chứng ruột kích thích

Nước dừa cũng chứa nhiều carbohydrate có thể gây ra hoặc làm trầm trọng các triệu chứng tiêu hóa ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

Người bị xơ nang

Theo Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ), xơ nang là bệnh di truyền gây tổn thương nghiêm trọng đến phổi, hệ tiêu hóa và các cơ quan khác trong cơ thể.

Xơ nang có thể làm giảm nồng độ muối trong cơ thể. Một số người bị xơ nang cần uống nước hoặc thuốc để tăng lượng muối (natri). Nước dừa chứa lượng natri còn thấp hơn nước lọc, nhưng lại chứa quá nhiều kali có thể làm giảm hơn nữa lượng muối vốn đã rất thiếu ở người bị xơ nang.

Thể trạng âm hàn

Báo VnExpress dẫn lời TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 cho biết, nước dừa không phải là sự lựa chọn tốt với người có thể trạng âm hàn (tay chân dễ bị lạnh).

Lý do, nước dừa tính mát, uống quá nhiều sẽ gây mất cân bằng "âm dương" của các hoạt động trao đổi chất, làm suy nhược cơ thể và đuối sức.

Mang thai ba tháng đầu

Ba tháng đầu thai kỳ, bào thai thường chưa bám chắc vào thành tử cung của mẹ. Do đó, thai phụ uống nước dừa có tính hàn sẽ làm lạnh cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ sảy thai.

Hội chứng ốm nghén trong giai đoạn này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi uống nước dừa thường xuyên sẽ gây đầy bụng và rối loạn tiêu hóa.

Nước dừa giải nhiệt tốt nhưng lại đại kỵ với 6 nhóm người sau-1
Nước dừa tốt nhưng không phải ai cũng uống được.

Vừa đi nắng về

Sau khi hoạt động hay làm việc ngoài trời nắng trở vào nhà, không nên uống ngay nước dừa. Tốt nhất hãy ngồi nghỉ, để thân nhiệt ổn định trở lại rồi mới uống với liều lượng vừa phải, tránh uống "ừng ực" cho đã khát.

Trên đây là những nhóm người được khuyến cáo không nên uống nước dừa. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa nước dừa nhé.

Theo VTC