Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau muống cũng là một loại thuốc rất tốt cho sức khỏe, nhất là giúp cơ thể nhuận tràng, cải thiện táo bón và thải độc cơ thể, làm sạch ruột do hàm lượng chất xơ trong loại rau này cao.
Đối với những người bị thiếu sắt, được các chuyên gia khuyên nên ăn thường xuyên vì rau muống có nhiều vitamin nhóm B. Loại vitamin này có vai trò rất quan trọng tạo ra các tế bào máu cho cơ thể.
Phụ nữ đang mang thai, người mới ốm, trẻ nhỏ nên thường xuyên ăn rau muống để bổ sung thêm sắt từ loại rau này.
Nước rau muống luộc có lúc màu vàng, để nguội chuyển sang màu xanh đen do trong nước có dư lượng canxi và magie nên có tính kiềm. Ảnh minh họa
Nước luộc rau muống màu xanh sẫm có nên ăn?
Bàn vệ độ an toàn của rau muống, có ý kiến cho rằng, việc phát hiện rau muống bị nhiễm hóa chất hay không rất đơn giản, chỉ cần vắt chanh vào nước luộc, nếu nước luộc chuyển sang màu vàng nhạt hay màu đỏ chứng tỏ rau an toàn. Còn rau bị nhiễm hóa chất khi vắt chanh sẽ ít bị chuyển màu.
Ngoài ra, không ít người cho rằng rau muống bị tồn dư chất kích thích, phân bón hóa học khi luộc xong, nước rau mới chuyển màu đen hay xanh đậm.
Tuy nhiên, theo giải thích của các chuyên gia nếu chỉ dựa vào những nhận biết trên thì thiếu chính xác bởi những đặc điển sau:
- Nước rau muống luộc có lúc màu vàng, để nguội chuyển sang màu xanh đen do trong nước có dư lượng canxi và magie nên có tính kiềm, điều này không có gì đáng ngại, để khắc phục tình trạng đó, bà nội trợ chỉ cần cho 1 chút muối ăn hoặc sau khi luộc chỉ cần vắt một chút nước cốt chanh vào bát nước rau.
- Việc luộc rau có màu xanh mướt hay không còn tùy thuộc vào giống rau. Nếu rau muống mà ngắn, màu hơi nâu, luộc lên kể cả cho đồ chua như chanh, sấu, lá me … nước cũng không trong được mà ngả qua màu vàng vàng.
- Rau muống mới luộc xong xanh mà để một lúc bị thâm, nhiều khi cũng do chưa đủ lửa (chưa chín hẳn), chứ không phải do rau bị nhiễm hóa chất.
Vì vậy, không nên nghe theo những thông tin thiếu căn cứ trên mà làm mất đi giá trị món ăn nhiều dinh dưỡng này.
Lưu ý: Để rau ngon và đảm bảo an toàn, khi luộc bạn nên đậy nắp vung, để nước ngập phần rau. Khi rau chín tới phải vớt ra ngay, vừa bảo toàn vitamin trong rau lại không làm mất màu xanh.
Hãy thưởng thức rau luộc càng sớm càng tốt để món ăn được ngon miệng và tận dụng được nhiều dinh dưỡng.
Cách nhận biết rau muống an toàn và nhiễm hóa chất
Khi thấy nước rau muống có màu xanh sẫm hoặc nâu đen, người dùng không nên lo lắng quá. Bởi hiện tượng này chưa hẳn là chứa thuốc trừ sâu hay hóa chất. Bạn cần làm các phép thử và nhận diện độ an toàn như sau.
Nếu vắt chanh, dầm sấu vào nước luộc rau đang màu xanh sẫm hoặc nâu đen mà chuyển sang màu trong, hanh vàng hoặc hơi ngả đỏ nhẹ là an toàn, sử dụng bình thường.
Nếu vắt chanh hoặc thêm chất chua vào mà nước vẫn không thay đổi màu, vẫn xanh sẫm hoặc nâu đen thì khả năng có thể rau bị nhiễm dư lượng nitrat cao (phân bón lá) hoặc nhiễm chì.
Thêm vào đó, nước rau có mùi lạ, nổi váng ở bề mặt. Khi gặp trường hợp này, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất không nên sử dụng.
Ai không nên ăn rau muống
- Không ăn khi bị đau xương khớp vì nó sẽ khiến cho chỗ đau càng thêm khó chịu, nhức nhối.
- Không ăn khi bị bệnh gout vì rau muống chứa lượng đạm cao.
- Không ăn khi bị sỏi thận vì hàm lượng oxalate trong rau muống cao, khi đi vào cơ thể dễ tạo thành kết tủa ở thận, tạo sỏi thận.
- Ăn rau muống khi đang dùng thuốc Đông y sẽ gây giã thuốc, mất tác dụng của thuốc.
Theo Người đưa tin