Đến bây giờ, cưới và ở nhà vợ gần 4 năm nhưng anh Đ.H.P (29 tuổi; quận 7, TP HCM) chưa bao giờ đề cập chuyện gia đình với bạn bè. Cũng không dám mời họ đến chơi nhà vì ngại.
Nỗi lòng con rể
Anh P. sinh ra và lớn lên ở một tỉnh phía Bắc, còn vợ anh là con một, nhà ở TP HCM. Sau đám cưới cuối năm 2019, anh thuê một căn chung cư cho vợ chồng tiện sinh hoạt. Được 2 tháng, ba mẹ vợ xót con, đề nghị anh ở rể. Dù không muốn nhưng với đồng lương hơn 15 triệu đồng/tháng thì không biết bao giờ mua được nhà nên anh đồng ý.
Chuyện không đơn giản như anh nghĩ, "chạn vương" là từ anh nghe nhiều nhất từ ngày về ở rể. Cứ sau vài ba chén, kiểu gì cũng có người đem chuyện anh ở rể ra bàn tán.
"Họ nói tôi sướng, chuột sa hũ nếp, vừa được vợ đẹp vừa có nhà, mà giỏi nhất là chọn được ba vợ. Gần 4 năm sống ở đây, tôi vẫn còn cảm giác ngại ngùng. Ngay cả họ hàng ở quê cũng xem thường, mỉa mai, nói đàn ông đừng sống bám nhà vợ, làm mất mặt dòng tộc" - anh P. kể.
Anh N.M.H (32 tuổi; TP Thủ Đức, TP HCM) từ Đồng Tháp lên thành phố lập nghiệp, kết hôn. Vợ anh có chị gái nhưng đã đi lấy chồng, ba mẹ vợ lớn tuổi nên yêu cầu anh ở rể mới được cưới.
"Ở rể không dễ dàng. Mỗi lần say vì tiếp khách, đi chơi về muộn, trang trí nhà cửa hay thậm chí dạy con cũng phải nhìn "sắc mặt" ba mẹ vợ. Vợ chồng tôi cũng đã nhiều lần tranh luận về chuyện ra ở riêng. Đôi lúc tôi thấy mình không còn là mình nữa vì lời nói không có trọng lượng" - anh H. tâm sự.
Minh họa: KHỀU
Chưa kể, nếu anh H. mải ra ngoài mà quên thông báo không ăn cơm nhà là ba mẹ vợ ngồi chờ cơm, vợ anh mặt nặng mày nhẹ. Ở nhà vợ, vợ chồng anh có tranh cãi gì thì cũng ráng nhịn, không thì ba mẹ vợ ở dưới lầu lại có ý kiến.
Trong khi đó, dù ở rể đã nhiều năm nhưng anh T.D.K (36 tuổi; quận Bình Thạnh, TP HCM) lại thấy không có vấn đề gì. Dư khả năng mua nhà nhưng vì vợ là con một, ba vợ đã mất nên vợ chồng anh về ở cùng mẹ vợ để tiện bề chăm sóc.
"Mẹ vợ cũng là mẹ mình. Ở quê, ba mẹ tôi đã được em út phụng dưỡng nên tôi cũng an tâm phần nào. Tôi thấy không gì phải sĩ diện mà để mẹ vợ thui thủi một mình, điều quan trọng là vun đắp hạnh phúc gia đình. Sống hết lòng, biết quan tâm, tôn trọng người lớn, lo lắng, chăm sóc ngôi nhà chung như nhà mình thì sống ở đâu cũng không thành vấn đề" - anh K. chia sẻ.
Biết thích nghi, hòa đồng
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight, thông thường từ trước đến nay, sau ngày kết hôn, con dâu về nhà chồng, nên đàn ông thường sợ ở rể. Cũng vì vậy mà đàn ông ở rể có thể đã sống không đúng với tính cách, mong muốn của mình, nên một số chàng rể luôn căng thẳng, cảm thấy khó hòa nhập, sợ mọi người phán xét.
Dù vậy, chuyện chàng rể sống cùng ba mẹ vợ cũng không phải chuyện lạ, nhất là khi nhà vợ chỉ có một cô con gái, vợ chồng kết hôn chưa có nhà riêng...
Thực tế, không ít ba mẹ vợ xem con rể như con trai trong nhà. Họ quý trọng con rể vì đã sẵn sàng ở nhà mình, cố gắng để con rể thấy dễ chịu nhất có thể. Nhiều con rể cũng sống rất trách nhiệm, luôn xem mình như con ruột khi sống ở nhà vợ.
"Hiện nay, nhiều gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con nên phụng dưỡng ba mẹ là trách nhiệm của cả con rể và con dâu. Thế nên, cần phân định đâu là điều tốt nhất để lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh. Khi con rể sống chung nhà, mọi người trong gia đình cần chú ý cách cư xử và sinh hoạt để người ở rể không ngại, người ngoài đánh giá không hay" - bà Nguyễn Thị Phương Trang phân tích.
Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên cũng cho rằng chuyện người chồng buồn bực và tự ti khi sống ở nhà vợ là chuyện dễ hiểu. Đặt tình huống người vợ ở vị trí của chồng, hiểu rằng đi làm dâu hay ở rể là chuyện không hề dễ dàng ở môi trường sống mới với những thành viên khác.
Theo ông Trần Trung Kiên, nhiều người quan niệm chưa đúng về chuyện ở rể. Họ áp đặt rằng dựa dẫm gia đình vợ là không đáng mặt đàn ông. Định kiến này vô tình khiến người đàn ông đang ở rể bị áp lực.
"Chàng rể cần phân định rằng ai là người quan trọng nhất với mình; liệu mình có nhạy cảm; người bạn đời có quan tâm, lo lắng cho suy nghĩ của mình không; có đáng vì lời nói của người ngoài mà đặt áp lực lên mình không? Người làm chủ được mình là người biết thích nghi, hòa đồng được với môi trường mới và vun đắp cho gia đình dù ở hoàn cảnh nào. Im lặng không phải là cách giải quyết tiêu cực. Người đàn ông ở rể nếu cảm thấy áp lực thì nên nói thẳng suy nghĩ cho vợ mình biết, vì người vợ là cầu nối để giảm áp lực và hiểu được chồng’’ - ông Trần Trung Kiên nói.
Ngoài ra, theo ông Trần Trung Kiên, người vợ cũng cần hiểu chồng và cho anh ấy biết rằng mình là người quan trọng trong gia đình này. "Vợ chồng trẻ ở riêng là môi trường tốt để tình cảm vợ chồng nảy nở. Nếu vì điều kiện nào đó phải ở chung với đại gia đình, cần có kinh tế riêng và phải học cách ứng xử. Ví dụ, hỏi ý kiến những việc liên quan đến mỗi người trong gia đình. Vị trí trụ cột gia đình vẫn sẽ vững chắc nếu ứng xử có tình, có lý, làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha…" - ông Trần Trung Kiên nhận định.
Theo Người lao động