Có thể nói ở rể là một trong những điều không người đàn ông nào muốn làm, nhất là ở Việt Nam và các nước Á đông. Theo tục lệ, sau khi kết hôn, người con gái phải theo về nhà chồng, phụng dưỡng và hưởng phúc phần theo nhà chồng.
Những người ở rể thường phải đối mặt với những định kiến không hay
Thế nhưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để tuân theo quy luật đó. Vì thế nhiều chàng trai phải "theo vợ về làm rể" và sống luôn cùng bố mẹ vợ. Hoàn cảnh đó đã dẫn đến không ít mâu thuẫn, thậm chí là bi kịch.
Lý do mà đàn ông sợ ở rể nhất chính là định kiến xã hội. Con gái theo chồng được mặc định là điều hiển nhiên. Bởi vậy nếu một người đàn ông phải ở rể, hình tượng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Sợ nhất là nghe những lời bàn ra tán vào của hàng xóm. Nào là thằng này sướng được nhờ nhà vợ, nào là chuột sa chĩnh gạo, một bước lên tiên, vừa được vợ vừa được nhà. Tôi đã lấy vợ được 3 năm nhưng đến giờ chủ đề tôi ở rể vẫn chưa có hồi kết", anh Nam (33 tuổi) chia sẻ.
Câu chuyện của anh Nam là một trong rất nhiều hoàn cảnh trong xã hội. Thế nhưng, không phải người đàn ông nào cũng muốn ở rể mà do hoàn cảnh bắt buộc, trường hợp của anh Nam kể trên là một ví dụ.
"Bố mẹ vợ không có con trai, hai cụ lại lớn tuổi nên yêu cầu tôi ở rể. Tôi ở tỉnh và không có nhà riêng trên thành phố nhưng thực tâm tôi không muốn ở nhà vợ. Nhưng thương vợ và nghĩ mình phải có trách nhiệm nên tôi đồng ý.
Thế nhưng mọi người lại không hiểu chuyện, hoặc cố tình không hiểu để có chủ đề tán chuyện. Sống ở nhà vợ đã 3 năm nên tôi đã không còn cảm giác ngại ngùng, mất tự nhiên. Thế nhưng tôi vẫn sợ nhất định kiến của xã hội, cho rằng tôi lợi dụng, lấy vợ chỉ vì ngôi nhà", anh Nam buồn rầu.
Anh Minh (28 tuổi) cũng phải ở rể vì không có điều kiện ở riêng và trong 4 năm yêu nhau đã quá quen với cách sinh hoạt của gia đình vợ. Cuộc sống bên nhà vợ không quá khó khăn như những thêu dệt về chuyện ở rể hay đọc trên mạng, anh Minh được tôn trọng và sống rất tự nhiên.
Thế nhưng khi bước chân ra khỏi cửa là một viễn cảnh hoàn toàn khác. Từ bạn bè, đồng nghiệp đều có những nhận xét không đúng mực. Trong mắt nhiều người, anh Minh là gã đàn ông thất bại, thậm chí "bám váy vợ".
"Trước đây khi đi nhậu cùng anh em trong cơ quan, tôi bị cà khịa rất nhiều. Sau vài ba chén là kiểu gì cũng có người khơi chuyện ở rể ra để châm chọc. Họ nói tôi chuyên gia trong lĩnh vực... chọn bố vợ và còn đòi truyền đạt kinh nghiệm. Lúc đầu tôi cũng tức và mấy lần suýt đánh nhau. Nhưng sau này tôi không còn chơi với hội đó nữa.
Không chỉ bạn bè mà ngay cả những người thân ở quê cũng coi thường tôi. Mỗi lần về quê là mỗi lần tôi phải chịu đựng những lời đay nghiến, nói mỉa mai của các cụ trong họ. Họ bảo tôi hèn kém, phải sống bám vào nhà vợ, làm mất mặt dòng họ", anh Minh chia sẻ.
Ở rể không phải vấn đề quá nghiêm trọng trong xã hội hiện đại. Thời buổi văn minh, các gia đình đều có ít con nên việc phụng dưỡng song thân phụ mẫu là trách nhiệm của cả con rể và con dâu. Bởi vậy nếu ở rể là phương án tốt nhất để tiện bề chăm sóc gia đình, tiết kiệm kinh tế thì cũng là việc làm cần thiết.
Theo Dân Việt