Đã 6 ngày trôi qua, niềm hạnh phúc, vui mừng vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của chị S.H. M (34 tuổi, trú tỉnh Gia Lai) khi được trở về quê hương sau hơn 2 năm xa xứ.

Dù được đoàn tụ cùng gia đình, được ôm 2 đứa con thơ vào lòng, được tự tay chăm sóc người mẹ già yếu nhưng chị M. vẫn cứ nghĩ đó chỉ là một giấc mơ. 

Ký ức về những tháng ngày làm ô sin trên đất nước Ả Rập khiến người phụ nữ này vẫn rùng mình sợ hãi. Chị không nghĩ mình còn cơ hội được trở về.

"Ác mộng Ả Rập"

Chị kể, 4 năm trước, hôn nhân không hạnh phúc, chị M. quyết định ly hôn, một mình nuôi 2 con nhỏ. Không nhà cửa, không việc làm ổn định, chị đưa 2 đứa con về nương nhờ người mẹ già.

Ô sin Ả Rập đi dễ khó về qua lời kể của người bước qua ác mộng-1
Chị M. đăng tải clip mẹ già bệnh tật ở quê và nhờ giúp đỡ để được về nước

"Hơn 2 năm trước, lướt mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm, tôi đọc được thông tin tuyển lao động nữ qua giúp việc tại Ả rập.

Qua lời giới thiệu, tôi thấy công việc cũng nhàn nhã, mức lương cũng ổn định trong khi chi phí đi trọn gói chỉ có 5 triệu đồng.

Không suy nghĩ nhiều, tôi quyết định vay mượn số tiền trên để qua Ả rập làm ô sin với hi vọng cuộc sống của mẹ con đỡ vất vả hơn.

Tháng 10/2019 tôi xuất cảnh. Qua Ả rập, tôi làm ô sin cho một gia đình trung tuổi với mức lương 9 triệu đồng/ tháng.

Nhà này có một đứa con mắc bệnh tâm thần. Việc nhiều, làm quần quật suốt ngày, vừa trông giữ đứa trẻ bị tâm thần, la hét, đập phá suốt ngày đêm khiến tôi không có thời gian nghỉ ngơi. 

Thời gian đầu tôi cũng có ý định phá hợp đồng để quay về nhưng không có tiền về. Phá hợp đồng thì mất hẳn số tiền 5 triệu đã nộp trước đó nên tôi đành cắn răng chấp nhận.

Cuộc sống bên đó không dễ dàng như những gì tôi từng nghĩ, không đơn giản như những gì bên môi giới từng giới thiệu", chị M. chia sẻ.

Ô sin Ả Rập đi dễ khó về qua lời kể của người bước qua ác mộng-2
Chị M. kể lại những tháng ngày làm ô sin ở Ả rập.

Đi dễ khó về

Cũng theo chị M., sau khi hết hợp đồng 2 năm, chị xin về nước theo thoả thuận trong hợp đồng nhưng nhà chủ không cho về, còn giữ lương lại để giữ người.

Một tháng rồi 2 tháng, 5 tháng, nhà chủ lấy lí do dịch bệnh, không mua được vé máy bay, chị M. chưa tiêm vắc-xin Covid-19 nên không thể về nước.

"Nhiều lần tôi xin họ đưa đi tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 nhưng họ không cho tôi đi tiêm. Trước Tết nhận được tin mẹ già ở quê bị bệnh nặng, không thể đi lại nên tôi xin bà chủ cho tôi về chăm mẹ già nhưng họ không chịu.

Tôi không biết làm gì, đành cầu cứu cộng đồng mạng nhờ giúp đỡ. Tôi còn nhịn ăn suốt đến ngất xỉu với hi vọng họ sẽ cho tôi về.

Rồi tôi may mắn được một công ty ở Việt Nam giúp đỡ đưa về nước với chi phí là 45 triệu đồng. Số tiền này nhà chủ không chi trả cho một đồng nào mà tôi phải tự lo. Tính ra, tôi phải làm việc không công suốt 8 tháng liền mới có đủ số tiền về nước", chị M. chia sẻ thêm.

Ô sin Ả Rập đi dễ khó về qua lời kể của người bước qua ác mộng-3
Mùng 4 Tết, chị M. may mắn được trở về quê hương, đoàn tụ với con gái.

Ngày mùng 4 Tết, hạnh phúc vỡ oà khi chị M. được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, kết thúc những tháng ngày sống trong lo lắng, sợ hãi. Hỏi về dự định trong nay mai, chị M. ôm con thở dài.

"Tôi về quê cuốc cỏ thuê, bắt cua bắt ốc thôi, dù khó khăn nhưng được ở bên cạnh con cái, người thân, không phải tủi thân, cô quạnh nơi đất khách. Qua bên đó mới hiểu, thật ra viễn cảnh họ vẽ ra khác xa với thực tế rất nhiều, đi dễ khó về nữa. Tôi đã vỡ mộng và sẽ không bao giờ đi như thế nữa", chị M. chia sẻ.

Theo tìm hiểu, sau Tết Nguyên đán 2022 rất nhiều thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động qua nước ngoài được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội.

Đặc biệt là tuyển nữ giúp việc cho người nước ngoài, miễn phí thủ tục xuất cảnh 100% với mức lương từ 14 đến 18 triệu đồng/ tháng đang thu hút cộng đồng mạng.

Theo Nhịp sống Việt