OK thực sự bắt nguồn từ mốt viết tắt có chủ ý viết sai chính tả vào những năm 1830. Những “trí thức” trẻ tuổi ở Boston đã gửi những thông điệp được mã hóa kiểu thời thượng như KC, hay “knuff ced”, KY, “know yuse” và OW, “oll wright”, OK, hay “oll korreg”.
Đến ngày 23/3/1839, cụm từ "OK" chính thức được công nhận trên mặt báo của tờ Boston Morning Post. Bắt đầu từ đó, hàng loạt tờ báo bắt đầu sử dụng "OK" và chúng trở nên phổ biến trên toàn nước Mỹ.
Thậm chí, Tổng thống thứ 8 của Mỹ là Martin Van Buren cũng đã dùng từ "OK" làm khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử lần 2 của mình vào năm 1841. Do sinh ra tại thị trấn Kinderhook thuộc New York nên Tổng thống Buren đã dùng khẩu hiệu: "Old Kinderhook was ‘oll korrect’".
Trong khi những từ viết tắt khác của tầng lớp tinh anh Boston dần biến mất theo thời gian thì "OK" lại phát triển mạnh, nhất là sau khi máy điện tín ra đời vào năm 1844, chỉ 5 năm sau khi báo chí sử dụng từ "OK".
Nó truyền các tin nhắn ngắn dưới dạng xung điện, với sự kết hợp của các dấu chấm và dấu gạch ngang tượng trưng cho các chữ cái trong bảng chữ cái.
Đây là thời điểm OK tỏa sáng. Hai chữ cái rất dễ gõ ra và rất khó có thể xuất hiện nhầm lẫn với bất cứ điều gì khác. Thậm chí trong bản hướng dẫn điện tín phát hành năm 1865 còn quy định “không có thông điệp nào được coi là đã được truyền đi cho đến khi văn phòng nhận nó đưa ra thông báo OK”.
Ngoài ra còn có lý do OK được phổ biến đó là nhờ hình dáng và âm thanh của chữ K. Chữ K trong tiếng Anh thực sự không phổ biến - nó đứng thứ 22 trong bảng chữ cái.
Sự hiếm có đó đã thúc đẩy phong trào “Kraze for K” trong quảng cáo và in ấn, nơi các công ty thay thế chữ C cứng bằng chữ K để thu hút sự chú ý, như Krispy-Kreme và Kool-Aid. Chính chữ K khiến nó trở nên đáng nhớ.
Theo Tiền Phong