Một lãnh đạo Phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết qua tra soát trên hệ thống dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh của trường Gateway có học sinh tử vong trên xe thuộc sở hữu của ông Doãn Quý Phiến (ông Phiến cũng là người điều khiển xe hôm xảy ra vụ việc đau lòng). Xe này vẫn còn thời hạn đăng kiểm.
Cũng theo vị này, các xe chở học sinh hiện nay nhà trường đều hợp đồng với phụ huynh và có thu thêm tiền đưa đón, nên thuộc diện xe hợp đồng chở khách, phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 86. Tuy nhiên, kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy chiếc xe trên chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát đối với lái xe cũng như phương tiện.
Ngày 7-8, nhiều phụ huynh chọn đưa con tới trường thay vì dùng xe đưa đón của nhà trường - Ảnh: Yến Anh
Năm học 2019-2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe. Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Trong danh sách 17 trường không có Trường Gateway.
Trước đó, làm việc với cơ quan điều tra, ông Phiến khai 6 giờ ngày 6-8 điều khiển ôtô Ford Transit biển 29B-069.56 tới đón bà Nguyễn Bích Quy, bắt đầu việc vận chuyển học sinh của trường Gateway. Em L.H.L. được đón tại tòa nhà Trung Yên Plaza (số 1 Trung Hòa), đi tới trường cùng 12 bạn khác.
Đến 7 giờ 25 phút, khi bà Quy đưa các bé vào trường qua cổng phụ, tài xế đưa xe về bãi gửi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cách trường 1,1 km. Đây là khoảng sân rộng gần sân bóng chuyền và khu ký túc xá dành cho nữ sinh. Nơi này vào giờ lên lớp của sinh viên và buổi trưa rất vắng vẻ, cách phòng bảo vệ khoảng 200 m nhưng bị ngăn cách bởi một dãy nhà.
Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, ông Phiến lái xe tới trường đón các bé để đưa về nhà. Còn bà Quy khai mở cửa xe vào buổi chiều đã phát hiện em L. bất tỉnh dưới sàn sau ghế lái. Cơ quan chức năng xác định bé trai đã chết trước khi đưa vào Bệnh viện E cấp cứu.
Theo Nld