Kỹ năng không thể học kiểu "copy - paste"
Có thể nói pha thoát hiểm bằng bao cao su của bà chủ shop quần áo ở Vĩnh Phúc là cách thức xử lý trước nguy cơ bị xâm hại tình dục xưa nay chưa từng thấy, xứng đáng "đi vào huyền thoại".
Chân yếu tay mềm vốn được coi là đặc điểm, cũng là điểm yếu của nữ giới mà bà chủ shop linh hoạt, nhanh trí biến thành thế mạnh để dẫn dắt thủ phạm là gã đàn ông to cao lại còn cầm con dao sắc nhọn trên tay.
Không dùng đến sức lực đấm đá, không gào thét hoảng loạn, chị biết khai thác sự chính sự mềm mỏng đó để cứu mình lúc nguy cấp.
Bà chủ shop ở Vĩnh Phúc bình tĩnh khi bị kẻ xấu tấn công tình dục (Ảnh cắt từ clip).
Bà chủ shop không chống cự, phản kháng quyết liệt mà tỏ vẻ như chấp thuận, hợp tác để tránh kích động thủ phạm có hành động bộc phát nguy hiểm. Chị còn đích thân chỉ chỗ, đi lấy bao cao su và trực tiếp đeo cho hắn... Người phụ nữ đã biết khai thác sự mềm mỏng tưởng như có phần yếu đuối đó để cứu mình lúc nguy cấp.
Trong tình thế này, thủ phạm đang là đối tượng tấn công tình dục lại được nạn nhân "thuận tình", tâm lý khác nào "chuột sa hũ nếp". Hí hửng, xao nhãng, đối tượng liền buông con dao, bỏ tâm thế tấn công và đó cũng là lúc sa bẫy của nạn nhân.
Nể phục cách xử lý cực bình tĩnh của người phụ nữ trong clip nhưng nhiều người cũng đặt vấn đề có nên phổ biến "chiêu" thức này trong phòng chống xâm hại hay không? Vì thực tế thì "chiêu này bị lộ không dùng được lâu", khi mọi người biết rõ thì những kẻ xấu cũng đã nắm được mánh khóe, lần sau không dễ gì dính "bẫy".
Ông Nguyễn Lê Dũng, chuyên gia tâm lý ở TPHCM lưu ý, sự việc người phụ nữ tại Vĩnh Phúc tự giải cứu bản thân ngoạn mục là cách xử lý trong tình huống đó, mang lại hiệu quả trong tình huống đó. Cũng là người phụ nữ này, trong bối cảnh, tình huống khác, chưa chắc cách này đã mang lại kết quả như ý.
Theo ông Dũng, nói vậy để mọi người hiểu kỹ năng là thứ không phải để sao chép lại, cứ nhìn người khác rồi áp dụng cho mình là có kết quả.
Ông Nguyễn Lê Dũng cho biết, có rất nhiều bí quyết, chiêu thức về cách thoát thân khi bị tấn công tình dục mà trước đây các chuyên gia thường chỉ trao đổi trong nhóm nhỏ. Họ không muốn phổ biến rộng rãi để tránh việc "bí mật bị bật mí", nạn nhân biết thì thủ phạm cũng... thuộc bài.
Tuy nhiên, sau này, các cuộc tranh luận bật ra quan điểm ngược lại là nên phổ biến, thông tin một cách cụ thể các kỹ năng, chiêu thức xử lý trong từng tình huống.
Ông Dũng nhấn mạnh, khi dạy hay học bất cứ kỹ năng nào, người dạy và người học phải hiểu cách xử lý là để tham khảo, để sẵn sàng tinh thần bình tĩnh, làm chủ, tìm phương án tốt nhất trong tình huống thực tế chứ không phải để sao chép.
Có thể trong cùng bối cảnh sử dụng cách thức xử lý nhưng có người thoát thân, có người có thể phải trả giá.
Theo ông Dũng, sự việc này chính là dịp để mỗi gia đình trao đổi với con cái về nguy cơ bị tấn công tình dục, về cách xử lý tình huống, trang bị các kỹ năng phòng chống, xử lý...
Cũng là một người bố, ông Dũng nói chuyện với các con về clip ở Vĩnh Phúc nhưng trước hết ông nhấn mạnh đến khía cạnh làm sao phòng tránh để không rơi vào bối cảnh, tình huống nguy hiểm như vậy.
Tình trạng đàn ông xâm hại đến thân thể phụ nữ không hiếm gặp (Ảnh cắt từ clip chồng đánh đập vợ ở Hà Nội).
"Trong giáo dục phòng chống xâm hại, luôn phải ưu tiên việc phòng tránh lên hàng đầu. Mỗi người cần biết tránh những bối cảnh, không gian và cả những mối quan hệ có thể gây nguy hiểm cho mình. Khi đã tránh mà vẫn không được thì cần phải cố giữ bình tĩnh để làm sao mình ít tổn thương nhất có thể", ông Dũng cho hay.
Giáo dục giới tính không chỉ là chiếc bao cao su
Chị Lê Thanh Hiền, ở Gò Vấp, TPHCM kể đã tranh luận cùng con về cách xử lý tình huống của bà chủ shop quần áo ở Vĩnh Phúc để có thêm bài học, kinh nghiệm. Người mẹ và con gái thống nhất, phải tùy tình huống để có cách xử lý linh hoạt vì không có gì mà cứ làm y như nhau là ra kết quả giống nhau.
Là một người cởi mở nhưng cũng lo xa, chị Hiền tiết lộ đã trang bị bao cao su cho con gái từ năm cháu học lớp 8. Chị hướng dẫn con mang bao cao su trong túi, hướng dẫn con cách sử dụng.
Người mẹ thẳng thắn, chị không chỉ phòng tình huống con mình bị tấn công, ép buộc mà còn cho cả tình thế khi con mình chủ động hoặc tự nguyện tham gia "trò chơi người lớn".
Việc phụ huynh trang bị cho con bao cao su từ sớm lâu nay luôn vẫn nhận những ý kiến, tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, quan điểm của chị Hiền luôn mong con đón nhận mọi việc, kể cả tình huống xấu nhất trong tâm thế có sự chuẩn bị.
Ngoài ra, nguyên tắc chị đặt ra là trong mọi hoàn cảnh, phải đặt sự an toàn, tính mạng của bản thân lên hàng đầu.
Có một khía cạnh trong vấn đề giáo dục chống xâm hại tình dục ít được đề cập, theo Thạc sĩ giáo dục Lê Thu Hoa, ở TPHCM ít được chú ý là dạy trẻ việc tôn trọng thân thể người khác, không được xâm hại người khác.
Trên thực tế, chuyện đàn ông xâm phạm đến thân thể phụ nữ xảy ra phải nói là phổ biến, có thể thấy ngay trong mối quan hệ gia đình, vợ chồng.
Theo bà Hoa, giáo dục giới tính lâu nay vẫn vận hành theo cách một chiều, phụ huynh ai cũng nhìn con mình ở góc độ nạn nhân, lo dạy con phòng tránh mà quên mất khía cạnh mỗi người có thể thành thủ phạm.
Giáo dục giới tính không chỉ là chuyện chiếc bao cao su mà quan trọng hơn là cách hành xử, lối sống lành mạnh (Ảnh minh họa).
Điều người lớn cần làm là dạy dỗ cẩn thận con trẻ về lối sống lành mạnh, hành vi đúng mực trong ứng xử với người khác. Đặc biệt các bé trai cần hiểu rõ về quyền của nữ giới, phải hiểu rằng nam giới không có quyền với thân thể của người phụ nữ.
"Mỗi người hành xử đúng giới tính của mình trong mối quan hệ với người khác, một bé gái tự chủ, một bé trai chuẩn mực, văn minh trong cư xử chính là yếu tố quan trọng nhất của giáo dục giới tính chứ việc này không chỉ đơn thuần là chuyện chiếc bao cao su", bà Lê Thu Hoa nêu quan điểm.
Theo Dân Trí