Phải làm gì khi bản thân nghĩ mình đi đúng luật nhưng cảnh sát giao thông cứ bảo mắc lỗi?

Thời gian qua, nhiều người thắc mắc nếu bản thân nghĩ mình tham gia giao thông đúng pháp luật nhưng cảnh sát giao thông dừng xe và bảo mắc lỗi thì phải làm sao.

Bởi vậy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp mọi người đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình. Sau đây là toàn văn chia sẻ của Luật sư về vấn đề này.

Thứ nhất, nếu bản thân bạn nghĩ rằng mình đi đúng luật nhưng cảnh sát giao thông cứ cho rằng bạn mắc lỗi thì có thể một trong hai bên đang "hiểu nhầm". Do đó, trước tiên, bạn và cảnh sát giao thông cần hợp tác với nhau để cùng giải tỏa sự "hiểu nhầm" này, tránh trường hợp phản ứng tiêu cực.

Phải làm gì khi bản thân nghĩ mình đi đúng luật nhưng cảnh sát giao thông cứ bảo mắc lỗi?-1
Không vi phạm, CSGT vẫn có quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ (Ảnh minh họa)

Thứ hai, căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Như vậy, cảnh sát giao thông phải có nghĩa vụ chứng minh bạn vi phạm thì mới được lập biên bản xử phạt.

Nếu cảnh sát giao thông không chứng minh được bạn vi phạm mà vẫn quyết định lập biên bản xử phạt thì bạn hoàn toàn có quyền ghi ý kiến của bạn vào trong biên bản; đây là cơ sở để bạn có thể khiếu nại về sau (nếu có).

Đối với trường hợp bạn không chấp nhận mình có lỗi và không chịu ký vào biên bản vi phạm nhưng cảnh sát giao thông vẫn quyết định lập biên bản để làm cơ sở xử phạt thì cảnh sát giao thông phải cần có 02 người làm chứng theo khoản 9 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Thứ ba, nếu bạn bị xử phạt mà không đồng ý với quyết định xử phạt đó thì bạn thực hiện quyền của mình theo khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại 2011.

Điều 7. Trình tự khiếu nại

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Thông qua đây, tôi mong rằng cơ quan có thẩm quyền nên trang bị đầy đủ thiết bị ghi hình, ghi âm cho lực lượng cảnh sát giao thông để đảm bảo khi xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông thì họ "tâm phục, khẩu phục", cũng như giúp cảnh sát giao thông tránh được sai sót trong việc xác định vi phạm giao thông.

Theo Nhịp sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/phai-lam-gi-khi-ban-than-nghi-minh-di-dung-luat-nhung-canh-sat-giao-thong-cu-bao-mac-loi-220202657024933.htm

vi phạm giao thông CSGT

Tin tức mới nhất