Đầu xuân 1973, Ủy ban Cách mạng thành phố Hợp Phì ra thông báo dời khu mộ Bao Công tại HTX Đại Hưng để xưởng luyện thép Hợp Phì số hai xây lò nung vôi. Thông báo được đăng trên An Huy nhật báo ghi rõ: Từ ngày 12/3/1973 đến trước ngày 31/3/1973, khu mộ này phải di dời xong, quá hạn sẽ xử lý theo dạng mộ phần vô chủ.
Truyền thuyết quanh ngôi mộ cổ
Theo truyền thống Trung Hoa, việc khai quật tổ phần là đại kỵ nhưng trong tình thế lúc này thì không gì có thể cản trở việc xây dựng lò vôi.
Tiểu tổ chỉ huy khai quật xử lý mộ Bao Công nhanh chóng được thành lập với hơn 30 thành viên với thành phần: Viện Bảo tàng tỉnh An Huy, Cục Văn hóa thành phố Hợp Phì, Cục Công an Hợp Phì, Công xưởng luyện thép Hợp Phì, HTX Đại Hưng cùng Bao Nghĩa Húc - hậu duệ đời thứ 33 - và Bao Tôn Nguyên - hậu duệ đời thứ 34 của Bao Công.
Bao Công thời Tống
Cũng may là lúc ấy người nắm giữ quyền đảng - chính tỉnh An Huy là Lý Đức Sinh rất quan tâm việc này, yêu cầu xử lý cẩn thận, không vì áp lực thời gian di dời mà làm ẩu, lại cấp cho 30.000 nhân dân tệ để việc thực hiện được chu đáo.
Cũng như mộ Tào Tháo, rất nhiều truyền thuyết quanh mộ Bao Công, như khi phát tang thì có 21 quan tài giống nhau đưa ra từ 3 cửa thành Lư Châu; hầm trong mộ có hai cửa đặt máy bắn tên (ám tiễn), thủy ngân và ba “máy chém” long - hổ - cẩu đầu đao… nhằm ngăn bọn xấu trả thù.
Ngoài ra, còn có một ngôi mộ Bao Công khác ở khu Hoàng lăng triều Tống, huyện Củng, tỉnh Hà Nam. Vì thế, thông tin về việc khai quật phần mộ Bao Công đã khiến hàng ngàn người dân sớm tối vây kín hiện trường khiến tổ khai quật phải nhờ Cục Công an Hợp Phì can thiệp.
Bí mật được hé lộ
Khi khai quật mộ Bao Công, các nhà khoa học cẩn trọng không khai quật ngay ngôi mộ lớn nhất được cho là ngôi hợp táng của Bao Công mà bắt đầu từ ngôi mộ nhỏ, lẻ loi ở phía ngoài cùng. Cách làm này nhằm từng bước nắm bắt được quy chế, cách thức lập mộ phần đời Tống.
Ngôi mộ nhỏ này đắp đất cao trên 2 m, đào rất dễ, không có móng bằng đá, xem ra lúc nhập táng rất vội vàng và cẩu thả. Thật bất ngờ, tại hầm mộ, tổ khai quật phát hiện một quan tài dài 2,4 m, được làm bằng gỗ nam mộc tơ vàng rất quý. Quan tài bằng gỗ nam mộc chứng tỏ mộ chủ không phải hạng người thường. Nhưng phía trong quan tài thì ngoài một bộ xương không đầy đủ, không có một vật tùy táng nào khác.
Hầm mộ Bao Công ở thành phố Hợp Phì.
Trong lúc tổ khai quật đang tiu nghỉu thì bất ngờ lại xuất hiện: Dưới lớp đất phía đầu trên quan tài, họ phát hiện hai tấm “mộ chí minh” bằng đá, mỗi tấm đều có chu vi hơn 1 m, chữ khắc kín hai mặt. Ai nấy đều tròn mắt khi nhìn thấy tấm thứ nhất khắc chìm 16 chữ triện lớn “Tống Khu mật Phó sứ tặng Lễ bộ Thượng thư Hiếu Túc Bao Công mộ minh”, rõ ràng là của Bao Công. Tấm thứ hai khắc chìm 12 chữ triện “Tống cố Vĩnh Khang quận phu nhân Đổng thị mộ chí minh”. Đổng thị là vợ thứ hai của Bao Công.
Ngôi mộ nhỏ nhoi này có lý nào lại là nơi hợp táng của một vị phó tể tướng và phu nhân? Nhưng sao chỉ có một bộ hài cốt? Ngôi mộ lớn nhất là của ai? Một ngôi mộ, một quan tài, lại có hai tấm mộ chí minh là chuyện chưa từng thấy trong lịch sử khảo cổ Trung Quốc.
Mộ chí minh là dạng mộ chí dành cho những người có danh tiếng, lưu lại khá đầy đủ về hành trạng, sự nghiệp, chí hướng của người đã khuất, thịnh hành từ thời Đường, Tống. Tấm mộ chí của Bao Công đã bị đập vỡ năm miếng nhưng ráp lại vẫn khá hoàn chỉnh, đặc biệt có khắc đến gần 3.000 chữ kể về con người, sự nghiệp của Bao Công, tức nhiều hơn gấp ba lần “Bao Chửng truyện” được lưu trong “Tống sử”.
Về bộ hài cốt được tìm thấy trong ngôi mộ nhỏ, do đã mục nát gần hết, các nhà khoa học chọn 34 mẫu xương gửi về Khoa Nghiên cứu Cổ nhân loại học và động vật có xương sống của Học viện Khoa học trung ương Trung Quốc để giám định. Kết quả cho thấy đây là xương của đàn ông, chiều cao khoảng 1,65 m, thời Tống, khoảng 50 tuổi trở lên… Các nhà khoa học khẳng định đây chính là di cốt của Bao Công.
Công việc khai quật được tiến hành tại ngôi mộ lớn nhất. Quả nhiên không ngoài dự đoán, đây chính là ngôi hợp táng của Bao Công và phu nhân Đổng thị. Địa cung, hầm mộ được làm rất chắc chắn, có quan có quách theo đúng quy chuẩn quan nhị phẩm đời Tống. Trong hầm mộ chỉ còn một cỗ quan tài cùng hài cốt đã mục nát hoàn toàn, trên đầu quan tài còn tìm thấy một góc mộ chí đúng như miếng đã mất trên mộ chí Đổng thị. Có lẽ nhờ quan tài của Bao Công làm bằng gỗ nam mộc tơ vàng nên giữ được hài cốt lâu phân hủy hơn, còn có thể giám định được.
Chôn trộm di cốt
Đồ tùy táng thu được khi khai quật khu mộ phần của Bao Công không đáng kể, chỉ có vài quan tiền đồng, ấn đồng, nghiên mực, xâu chuỗi, hộp gỗ. Đáng quý nhất là 6 tấm mộ chí minh với tổng cộng hơn 8.000 chữ, ghi rõ các việc quan hôn, tang tế 7 đời trước và sau Bao Công. Đây chính là nguồn tư liệu đầy đủ và chân thực nhất về Bao Công và dòng họ Bao.
Những bộ di cốt trên đặt trong 11 quan tài gỗ nhỏ cùng 55 nhân dân tệ tiền phí an táng được trao cho đại diện hậu duệ Bao Công. Qua bàn bạc, các thành viên trong gia tộc quyết định thuê xe di quan từ Hợp Phì về gò Long Sơn, thôn Đại Bao, xã Văn Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy, là nơi an táng tổ phụ, thân phụ Bao Công.
Ở thôn Đại Bao, con cháu họ Bao rất đông, có đến 150 hộ. Khi mọi người đang bày tiệc đón “lão tổ tông” về cố thổ thì bất ngờ bí thư Thôi, xã Văn Tập, cho người đến truyền lệnh: “Bao Chửng là phái bảo hoàng của triều Tống, kẻ nào dám chôn hắn ở nơi đây thì là thành phần phản cách mạng. Nếu không sớm đưa đi nơi khác thì sẽ bị tiêu hủy”. Đội trưởng sản xuất là Bao Tiên Trưởng xin mãi không được. Đêm hôm ấy, con cháu họ Bao ở Long Sơn ngồi quanh di cốt của Bao lão gia mà khóc. Một thảo dân còn có 3 thước đất vùi thân, còn Bao Thanh Thiên lại vất vưởng không nơi nhập thổ.
Hôm sau, không còn cách nào khác, 11 bộ di cốt lại phải theo xe quay về TP Hợp Phì để trong nhà Bao Tôn Nguyên - hậu duệ đời thứ 34 của Bao Công. Bao Tôn Nguyên chạy vạy khắp nơi nhưng việc an táng vẫn không được giải quyết. Đến ngày 23-12-1973, hậu duệ đời thứ 33 là Bao Tiên Chính đánh xe lửa ra Hợp Phì chở thực phẩm, ghé nhà Bao Tôn Nguyên, gặp Bao Nghĩa Húc. Cả 3 người quyết định: Đây là thời cơ tốt để chôn trộm di cốt tổ tông vì mấy tháng qua câu chuyện đã nguội. Họ liền đi mua 11 chiếc vò, đặt 11 bộ di cốt vào rồi để chung trong mớ thực phẩm giả làm vò dưa muối đưa về Đại Bao lần thứ hai. Nửa đêm hôm ấy, Bao Tiên Chính lặng lẽ đưa các vò di cốt lên triền núi Long Sơn an táng.
Theo Khoevadep