Ngày 5/3, tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Viện khảo cổ học Việt Nam đã có kết quả bước đầu về cuộc khai quật tại khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng thành (Đông - Tây - Nam - Bắc) của Di sản Thành nhà Hồ.
Theo đó, từ ngày 15/9 đến ngày 31/12/2022, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật trên diện tích 5.000m2 tại khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng Thành nhà Hồ. Trong đó vị trí cổng phía Bắc 2.000m2, phía Nam 2.000m2, phía Đông 500m2, phía Tây 500m2.
Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều kiến trúc, kỹ thuật ghép đá độc đáo tạo nên cổng Thành nhà Hồ.
Kết quả cuộc khai quật đã làm rõ kích thước ban đầu của các cổng thành tại Thành nhà Hồ. Cấu tạo 3 bức tường thành Đông, Nam, Tây tương tự nhau về kích thước và kỹ thuật ghép đá.
Tiêu biểu nhất là kỹ thuật ghép đá tại tường thành phía Đông. Cụ thể, bức tường thành có đá lót móng phía dưới đáy kích thước lớn; phía trên còn lại 4-5 hàng đá kích thước lớn được làm nhẵn, hàng dưới to nhất, càng lên cao càng nhỏ dần; phía trong là hệ thống đá và đất sét sỏi gia cố (phần thành đất gia cố phía trong).
Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện thành tường và cổng Bắc có kích thước nhỏ hơn, mạch ghép lớn hơn, nhiều hàng với các lớp đá ngoài không được làm nhẵn, các lớp đá trong không được ghè đẽo vuông vức.
Viện khảo cổ học và các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa tại buổi báo cáo kết quả khai quật khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng thành thuộc Di sản Thành nhà Hồ.
Ngoài ra, kết quả khai quật cho thấy, diện mạo đích thực của mặt bằng Thành nhà Hồ nằm ở khu vực cổng và tường thành. Trong đó, trục trung tâm chính là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên khu vực chính điện. Tổng thể mặt bằng kiến trúc Thành nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang - dọc. Tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.
Kết quả khai quật cho thấy, diện mạo đích thực của mặt bằng Thành nhà Hồ nằm ở khu vực cổng và tường thành.
Qua đó, các nhà nghiên cứu đã kiến nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo Dân Trí