Sáng 2/1, mọi người đi làm trở lại sau ngày nghỉ Tết Dương lịch, con đường lớn gần nhà tôi lại chật như nêm. Như mọi khi, nhiều xe máy phi lên vỉa hè để mong vượt lên sớm hơn một chút.
“Đừng chồng ơi, 6 củ đấy!”, chị gái ngồi sau chiếc xe máy bên phải tôi la lên nhắc nhở. Không chỉ ông chồng đang cầm lái mà một số xe xung quanh cũng khựng lại một chút, nhớ ra rằng từ 1/1/2025, hành vi lao xe lên vỉa hè có thể khiến họ bị phạt 4- 6 triệu đồng.
Ông chồng và vài tài xế khác rốt cuộc chấp nhận tiếp tục đi dưới lòng đường, nhiều người khác vẫn cố phóng lên vỉa hè, có lẽ vì ôm tâm lý cầu may: “Cả rừng người vi phạm thế này, chẳng lẽ phạt được hết”.
Dù vỉa hè vẫn bị đè lên bởi vài chục chiếc xe máy, ít nhất cũng có một số người vì sợ phạt nặng mà không vi phạm.
Nếu các lực lượng chức năng, bằng cách phạt nóng hay phạt nguội, khiến cả đám đông sai luật kia đều không thoát được án phạt, tin chắc rằng những ngày sau đó sẽ không ai dám phi xe lên vỉa hè nữa.
Có thể thấy rõ tác dụng của mức phạt mới tại các ngã tư, nơi hành vi vượt đèn đỏ và biển số xe vi phạm có thể được ghi nhận rõ ràng bằng camera giám sát và cặp mắt tinh tường của cảnh sát giao thông (CSGT).
Kể từ khi Nghị định168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, rất hiếm tài xế dám vượt, vì cái giá phải trả cho vài chục giây nhanh hơn người khác có thể tới 6 triệu đồng với xe máy và 20 triệu đồng với ô tô.
Bởi thế mà, dù việc nộp phạt theo quy định mới có thể khiến một số người có thu nhập hàng tháng thấp hơn một lần phạt vượt đèn đỏ trở nên túng thiếu trong thời gian nhất định, đa số người dân vẫn mạnh mẽ ủng hộ Nghị định 168.
Vài thập kỷ qua, những lời tuyên truyền, kêu gọi về ý thức giao thông không đủ tạo ra những tài xế văn minh. Trong nền giao thông hỗn loạn, từ anh xe ôm đến ông tiến sỹ hễ không thấy CSGT là đều tha hồ phạm luật, vì nếu chẳng may bị bắt cũng chỉ mất chút tiền phạt “không đủ gãi ngứa”.
Rõ ràng, không thể chỉ trông chờ vào ý thức tài xế; khi ý thức cộng đồng còn kém thì pháp luật phải nghiêm, khiến cho mỗi người phải trả giá đắt nếu dám làm sai.
Hành vi đi xe máy trên vỉa hè có thể bị phạt đến 6 triệu đồng. (Ảnh: Viên Minh)
Mức phạt phải đủ khiến cho người ta thấy đau, thấy sợ, một lần phạt là nhớ đến già. Trước đây, bao nhiêu lần dư luận phẫn nộ trước hành vi ngang ngược, vô pháp vô thiên của những tài xế không chịu chấp hành khi CSGT yêu cầu dừng để kiểm tra, thậm chí còn tông xe vào cảnh sát, hất họ lên nắp capo để tẩu thoát.
Tuy nhiên từ 1/1 năm nay, chắc không tài xế nào nắm được nội dung Nghị định 168 lại dám làm thế, vì mức phạt cho hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ tăng 6 - 8 lần, lên 35 triệu - 37 triệu đồng.
Những hành vi càn quấy trên cao tốc như đi lùi, quay đầu xe, chạy ngược chiều cũng sẽ giảm mạnh khi mức phạt vốn đã cao nay còn tăng gấp đôi, lên 30 - 40 triệu đồng.
Vẫn sẽ có những kẻ điếc không sợ súng mà vi phạm; nhưng chỉ cần CSGT mạnh tay để không để lọt lưới kẻ nào phạm luật thì sau khi phải thực sự phải nộp số tiền lớn, họ sẽ cạch đến già vì “của đau con xót”, vì hiểu rằng quy định pháp luật không phải là lời nói suông.
Ý thức tuân thủ pháp luật không phải tự nhiên mà có. Thuở xưa, loài người từ giã đời sống mông muội để bước vào ánh sáng văn minh bằng cách lập ra các quy ước, thiết chế xã hội, và đảm bảo nó bằng hình phạt dành cho những thành viên đi lệch khỏi quỹ đạo. Dần dần, những cách hành xử văn minh phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng mới trở thành nếp.
Ngày nay cũng vậy, người Việt chúng ta đến các nước phát triển thường nức nở khen ý thức của họ tốt quá, họ tuân thủ pháp luật như một phản xạ tự nhiên, như là điều đó đã ngấm vào máu.
Thực ra thì dòng máu sinh học của người nước nào cũng vậy mà thôi. Sở dĩ ngày nay họ được như thế vì từ rất lâu trước đây, đất nước họ thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, hễ vi phạm thì không thể tránh bị xử lý thích đáng.
Nhiều người Việt mới đi Tây chê dân họ khờ, việc trốn vé khi đi tàu điện, xe buýt dễ như vậy mà không ai làm.
Đến lúc "đi đêm lắm có ngày gặp ma", những người khôn lỏi này mới biết rằng, người ta không trốn vé là bởi một khi bị phát hiện, cái giá phải trả không chỉ là số tiền phạt rất lớn mà vết nhơ này còn bị lưu lại trong hồ sơ, muốn xin việc làm tốt cũng không dễ dàng.
Đi du lịch tại một số thành phố lớn Trung Quốc, thấy nơi công cộng không có chuyện vứt rác linh tinh, đồ đạc để hớ hênh cũng không sợ mất cắp, tôi khen ý thức người dân tốt quá thì anh hướng dẫn viên bản địa bảo: “Vì phạt nặng lắm nên không ai dám đấy mà”.
Chàng trai bảo, phạt một lần thì túng thiếu cả tháng nên chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên thành phố làm việc, anh bỏ hết thói quen bừa bãi thời còn ở quê.
Quay lại câu chuyện giao thông ở Việt Nam, không nói đâu xa, những thay đổi mạnh mẽ nhất về ý thức pháp luật xảy ra gần đây đều đến từ việc xử nghiêm và xử nặng, đó là chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và không lái xe khi trong máu có nồng độ cồn.
Dư luận từng rất nghi ngờ về hiệu quả thực tế của 2 quy định này, vì để đầu trần chạy xe máy và uống rượu lúc có hơi men gần như trở thành “lỗi quốc dân”, ý kiến chống đối, bàn lùi rất nhiều.
Thực tế đã chứng minh, chỉ cần hình phạt đủ sức răn đe, việc thực thi đủ cứng rắn, kiên quyết thì những kẻ vô ý thức cũng phải nhanh chóng đi vào khuôn khổ.
Mức phạt cho các vi phạm giao thông hiện nay tuy nặng nhưng không hề quá mà cực kỳ hợp lý, thậm chí nếu tăng thêm nữa thì người dân cũng sẽ ủng hộ.
Mong rằng không chỉ giao thông, mức phạt hành chính trong các lĩnh vực khác, như về môi trường chẳng hạn, cũng phải tăng gấp chục lần, vài chục lần.
Có như thế mới tạo ra những thế hệ người dân tuân thủ pháp luật, mới xây dựng được xã hội văn minh, đất nước mới có thể vươn mình phát triển.
Theo VTC News