Sau tất cả, những bức ảnh của năm 2017 đã gợi lại một câu hỏi muôn thuở của các phóng viên ảnh: Trong những giờ khắc của khủng hoảng, họ nên cố gắng giúp đỡ hay nên đưa máy lên chụp?
"Lại đây nào"
Vào một buổi chiều khi tuần làm việc sắp kết thúc, Omar Sobhani nhận được tin nhắn về cuộc tấn công của các binh sĩ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào thánh đường của người Hồi giáo dòng Shia ở Kabul, Afghanistan.
Khi anh đến nơi, hàng chục người của lực lượng an ninh đã có mặt. Người phóng viên ảnh để ý thấy 3 viên cảnh sát có vũ trang đang đứng ở cửa vào thánh đường và gào lên với một ai đó, anh ta tìm một chỗ an toàn để quan sát và nhìn thấy Ali Ahmad, cậu bé trong bức ảnh trên.
Cậu bé đang chơi đùa bên ngoài trong lúc người ông cầu nguyện ở bên trong và vụ tấn công xảy ra. Ali trông hoàn toàn mơ hồ trước âm thanh của tiếng súng nổ và tiếng gọi của cảnh sát. Phóng viên ảnh Sobhani có thời gian để chụp một vài tấm ảnh trước khi được yêu cầu rời đi. Anh ta biết rằng bức ảnh sẽ trở thành câu chuyện được nói đến sau đó.
Về sau, Sobhani được biết rằng ông của Ali đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhưng cậu bé thì an toàn. Chính cậu bé là người nói với bố mình, qua điện thoại, rằng ông đã chết. Sau tang lễ của người ông, Sobhani tìm đến nhà Ali nhưng cậu bé không thể nói được gì. Cậu có vẻ không nhớ những chuyện đã xảy ra. Dù vậy, người cha nói rằng Ali đã gặp ác mộng nhiều ngày sau đó.
Cụ bà trăm tuổi bỏ lại gà và băng qua sa mạc
Phóng viên ảnh Zohra Bensemra: "Tôi chụp bức ảnh này ở một sa mạc bên ngoài Tây Mosul (Iraq). Cụ bà 90 tuổi Khatla Ali Abdallah đang chạy trốn chiến sự tại Mosul. Đôi mắt đỏ ngầu vì mệt mỏi, bà đã kiệt sức đến độ không thể đứng hoặc ngồi cho ra hồn. Bà nhìn tôi như thể bà đã không ăn hoặc uống trong nhiều ngày".
"Giây phút đó cảm động đến mức tôi đã khóc khi chụp bức ảnh".
Khatla, người đã sống qua nhiều thập kỷ bể dâu tại Iraq, nói rằng chiến sự ở Mosul là "cuộc chiến tồi tệ nhất bà từng thấy". Bà được người cháu trai cõng qua sa mạc, cõng qua những làn đạn cối và đạn từ lính bắn tỉa. Bà làm phóng viên ảnh bật cười khi tỏ ra buồn rầu vì phải bỏ lại 20 con gà mà chạy trốn.
"Dẫu cho tất cả sự khủng bố bà từng hứng chịu dưới sự cai trị của IS, bà không để chúng phá hủy lòng trắc ẩn trong con người bà", Bensemra kể lại.
Nước Mỹ trong cơn bàng hoàng
Bức ảnh này được chụp vài ngày sau vụ xả súng làm hơn 50 người thiệt mạng ở Las Vegas, khi chiếc chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Donald Trump rời thành phố vừa trải qua vụ thảm sát để trở về Washington D.C và ngang qua khung cửa sổ của khách sạn Mandalay Bay, nơi tay súng đã đứng và nã đạn xuống đám đông.
Bức ảnh chiếc máy bay của tổng thống rời Las Vegas đã được lên kế hoạch trước. Phóng viên ảnh Mike Blake giữ liên hệ với phóng viên ảnh đi cùng trên máy bay của tổng thống và canh thời gian chiếc Air Force One cất cánh.
"Khi chiếc máy bay lọt vào khung ngắm, tôi đã bất ngờ là nó bay thấp đến thế. Tôi đã trông đợi nó sẽ bay trên khách sạn một chút nhưng nó thật sự thấp và bay ngang qua ở phía dưới. Tôi nhanh chóng lấy nét, lấy khung lại và chờ đợi chiếc máy bay xuất hiện lại ở phía có khung cửa sổ vỡ. Tôi chụp cỡ 15 tấm, chỉnh sửa nhanh rồi gửi về văn phòng ảnh ở Singapore. Mọi thứ chỉ tốn 5 phút", Blake cho biết.
Vài giờ sau, khi Air Force One hạ cánh tại Washington D.C., Blake nhận được tin nhắn từ phóng viên ảnh đi cùng tổng thống, Kevin Lamarque nói rằng người phụ trách báo chí của Nhà Trắng thích tấm ảnh và đã đưa nó cho tổng thống xem trên chuyến bay.
"Tôi có nên bỏ máy xuống không?"
Đó là một ngày cuối tuần của lễ Phục sinh, phóng viên ảnh Darrin Zammit Lupi đang trong hành trình 5 tuần cùng Trạm Cứu hộ Di dân Ngoài khơi (MOAS), một tổ chức phi chính phủ trụ sở tại Malta. Anh ở trên một chiếc tàu của MOAS giải cứu 134 di dân ở vùng biển ngoài khơi Libya, họ cấp áo phao cho các di dân trước khi đưa họ về đảo Phoenix.
Lupi đang chụp một vài tấm bằng ống kính góc rộng thì một di dân mất thăng bằng, anh ta ngã khỏi mạn thuyền và rơi xuống biển. Như những quân cờ domino, một vài người khác ngã theo anh ta.
Người phóng viên ảnh, một tay giữ lấy những người khác, một tay chụp lại toàn bộ khung cảnh hỗn loạn bên dưới. Anh ta nhìn thấy qua ống ngắm của mình một người đàn ông trông chật vật hơn những người khác đang vươn cánh tay về phía mình. Lupi hét lên cho các nhân viên cứu hộ rằng có người sắp chìm, người nhân viên nhảy xuống để cứu lấy người di cư khốn khổ.
"Sau đó, tôi đã dằn vặt rất nhiều. Có phải tôi nên bỏ máy ảnh xuống và nắm lấy bất cứ cánh tay nào tôi có thể nắm không?", Lupi viết lại.
Các nhân viên cứu hộ trấn an phóng viên ảnh rằng anh ta đã làm điều đúng. Việc của họ là cứu người, việc của Lupi là ghi lại thực tế khắc nghiệt đang diễn ra. Dù sao thì ngày hôm đó mọi người đều sống.
Một ngày đói ở Nam Sudan
Bức ảnh trên được chụp tại làng Rubkuai ở Nam Sudan, phóng viên Siegfried Modola đến đây để ghi hình cuộc sống của những dân làng bị ảnh hưởng bị tình trạng thiếu an ninh và cuộc khủng hoảng lương thực. Chính phủ Nam Sudan và cộng đồng quốc tế đã tuyên bố nạn đói ở đây. Modola nói rằng anh một mặt muốn phơi bày quy mô của cuộc khủng hoảng và những gì mà người dân đang phải trải qua, một phần anh muốn bắt lấy những khoảnh khắc vui tươi tại đây.
Giao thông đến ngôi làng này bị cản trở do sự kiểm soát của chính phủ. Sự thiếu an ninh và địa thế hiểm trở đã khiến ngôi làng bị cắt nguồn lương thực trong nhiều tháng. Modola nhìn thấy một chiếc trực thăng phân phát lương thực của Liên Hợp Quốc và biết rằng lũ trẻ sẽ vây lấy nó.
"Tôi cầm sẵn máy, định chụp một tấm ảnh về chiếc máy bay và ngôi làng. Rồi đột nhiên một thằng nhóc xuất hiện và chạy ra khỏi làn bụi do máy bay gây ra. Tôi bấm máy, hy vọng rằng mình đã chỉnh sáng đúng và lấy nét ở cậu bé", anh kể lại.
"Tôi rất vui được nhìn thấy một tấm ảnh chụp tình cờ và bắt được khoảnh khắc vui vẻ trong một tình trạng khó khăn như vậy".
"Cầu London sụp đổ"
Bức ảnh trên chụp vào ngày 22/3/2017 trên cầu Westminster ở thủ đô London, Anh. Cầu Westminster là 1 trong 5 địa điểm diễn ra vụ tấn công khủng bố ngày hôm đó. Một chiếc xe tải cỡ nhỏ đã lao vào người đi bộ trên cầu trước khi đâm tiếp vào các quán bar quanh chợ Borough gần đó. Những kẻ tấn công còn dùng dao tấn công người đi đường. 7 người thiệt mạng.
Phóng viên ảnh Toby Melville của Reuters khi đó đang đi bộ dưới chân cầu và tìm kiếm góc chụp cho một bức ảnh về câu chuyện Anh rời khỏi EU. Anh nhìn thấy một bóng đen cách đó khoảng 3-5 m va vào bờ tường trước khi rơi xuống mặt đất phía dưới. "Tôi nghĩ đó là một tai nạn khủng khiếp, nhưng chỉ là một tai nạn thôi. Tôi gọi cấp cứu và leo lên để tìm sự giúp đỡ tại bệnh viện St. Thomas's gần đó. Khi đang gọi điện thoại, tôi nhìn thấy 2 người nằm ở vệ đường, họ nằm giữa các mảnh vỡ, những người đầy máu hoặc đã bất tỉnh".
Khi Melville trông thấy những người khác nằm rải rác khắp cầu, hoảng loạn hoặc bị thương tích, anh ta nhận ra đây không phải là tai nạn, đây là chuyện đã được tính toán trước. Anh ta bắt đầu đưa máy lên chụp, vẫn không biết chuyện cụ thể gì vừa xảy ra vì không có tiếng súng nào.
"Tôi đi bộ lại cây cầu một tuần sau đó, mọi thứ đã 'trở về bình thường', theo cách nào đó. Dù vậy, cảnh tượng nạn nhân đầu tiên rơi xuống và tiếng uỵch kinh khủng khi người ông ấy đập vào vỉa hè vẫn vang vọng trong đầu tôi. Tôi tự hỏi liệu việc mình đã chuyển về tất cả những khung hình chụp được là đúng hay sai. Thật khó mà nhìn vào luồng hình đó", anh nói.
Bi kịch của một gia đình
"Vào buổi sáng ngày 25/8, tôi chạy đến khu vực vừa chịu không kích ở Sanaa (Yemen), nơi người ta đang bắt đầu lôi những thi thể ra từ đống đổ nát của một tòa nhà vừa bị san phẳng. Thi thể của Ayah Muhammad Mansour, 7 tuổi, được đưa ra. Bụi và máu phủ lấy đầu mặt cô bé. 'Cô bé chết rồi', một nhân viên y tế hét lên trong lúc đám đông xung quanh khóc than, nguyền rủa và cầu nguyện", Khaled Abdullah kể lại.
Rồi người ta lôi tiếp ra thi thể các anh chị em của Ayah. Chỉ cô em gái Buthaina sống sót nhưng bị nứt hộp sọ. Vụ không kích đã làm 12 thường dân thiệt mạng, trong đó có Ayah và 8 người trong gia đình cô bé.
Abdullah vừa chụp bức ảnh trên vừa nén khóc.
"Ghi chép lại nỗi khổ đau của gia đình này, và nỗi bi kịch của những người khác, những nạn nhân của sự tận thế do con người gây ra mà đất nước chúng tôi đang phải hứng chịu, tôi càng quyết tâm rằng mình phải chuyển bức ảnh này đến công chúng, bức ảnh về những thứ mà chiến tranh đang gây lên con người".
Theo Zing