Tối ngày 6/6, như thông báo trước đó, phiên livestream bán hàng trên nền tảng TikTok của Võ Hà Linh đã diễn ra. Phiên Super Live bắt đầu từ 20h với hàng loạt mặt hàng đến từ các ngành hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử,… thu hút đông đảo người xem vào “chốt đơn” mua hàng. Tuy nhiên, điều gây bàn cãi sau phiên live này lại là nghi vấn gian lận số mắt xem của nữ streamer đình đám.

Mắt xem lên xuống như tàu lượn, từ hơn 300K bỗng chỉ còn hơn 1K

Từ những phút đầu tiên của phiên livestream, lượng mắt xem Hà Linh đã ghi nhận con số tăng liên tục và đạt đỉnh điểm khoảng 316k mắt xem. Đây được coi là một trong số những phiên live có lượng người xem kỷ lục ngày 6/6.

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-1
Lượng người xem ổn định ở khoảng 200 - 250k, có thời điểm đạt đỉnh hơn 300k mắt xem cho thấy sức hút khủng của Hà Linh

Tuy nhiên, sự cố mất điện đã khiến phiên live 6/6 trở thành một trong những phiên live “bất ổn" nhất của Hà Linh. Cụ thể, khi phiên live diễn ra một thời gian ngắn, studio mà nữ TikToker thực hiện livestream đột ngột xảy ra sự cố mất điện, dẫn đến khung hình tối om. Điều này khiến Hà Linh tỏ rõ thái độ bực tức và cáu gắt với ekip.

Chưa dừng lại ở đó, phiên live tối ngày 6/6 của Hà Linh còn khiến nhiều người còn đặt nghi vấn về tính xác thực của con số 300k mắt xem. Nhiều người cho biết, lượt xem live Hà Linh đã giảm không phanh cùng thời điểm diễn ra sự cố. Có thời điểm mắt xem giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 1.000 người. Đáng nói, khoảnh khắc giảm đột ngột về lượng người xem này diễn ra trong thời gian vô cùng nhanh chóng.

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-2
Nhiều người đặt dấu hỏi về tính chân thực của con số hơn 300k mắt xem trên phiên live tối ngày 6/6 của Võ Hà Linh. (Ảnh chụp màn hình)

Việc số người xem có thời điểm lên tới hơn 300k, sau đó đột ngột giảm sâu về chỉ còn hơn 1k khiến nhiều người nghi ngờ. Những tranh luận xung quanh chuyện Võ Hà Linh có gian lận mắt xem livestream hay không cũng bỗng chốc rầm rộ trên mạng xã hội.

Một số ý kiến cho rằng lượng người xem livestream của Hà Linh là ảo nhờ sử dụng chiêu trò “buff" lượt xem, con số thực tế không hề nhiều đến vậy. Số khác nhận định rằng có thể do sự cố mất điện gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người xem nên nhiều người thoát live đồng loạt, từ đó khiến mắt xem phiên live sụt giảm nhiều.

Lỗi kỹ thuật hay màn “ảo thuật” đỉnh cao?

Cuối năm 2020, SCMP từng đăng tải bài viết với nội dung: “Những con số gian lận dường như là một sự thật trong nghề livestream mà ai cũng biết, nhưng không ai thừa nhận.

Huang Xiaobing, CEO một công ty agency ở Thiên Tân (Trung Quốc), tiết lộ các kênh livestream sẽ cần nhân số người xem thực của mình lên 10 đến 50 lần mới vào được trang khuyến nghị của các nền tảng, từ đây họ mới có cơ hội thu hút người xem và kiếm tiền từ những người dùng thật.

Các nhà phân tích cho rằng, việc làm giả lượng truy cập là một "bí mật mở" của cả ngành công nghiệp Internet, chứ không chỉ ngành livestream vốn bùng nổ ở Trung Quốc. Điều này cũng xuất hiện trên cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay X (tên mới của Twitter).

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-3
Các nhà phân tích cho rằng, việc làm giả lượng truy cập là một "bí mật mở" của cả ngành công nghiệp Internet, theo SCMP. (Ảnh: EPA-EFE)

Bên cạnh các thủ thuật tăng thứ hạng của kênh livestream trên các trang khuyến nghị, nền tảng tiếp thị người nổi tiếng Parklu tại Thượng Hải cho biết, các streamer còn được tiền hoa hồng từ các món hàng bán được – thường đến 20%. Do vậy họ có thể sử dụng các tài khoản ảo do bot điều khiển để mua sản phẩm bằng chính tiền của họ và hoàn lại đến 50% số sản phẩm này, đồng thời bỏ túi phần hoa hồng.

"Mọi người đều sử dụng các lượng truy cập ảo, từ các công ty công nghệ lớn cho đến các KOL" Giám đốc tiếp thị của Parklu, Elijah Whaley cho biết. "Mọi người đều sử dụng lượng truy cập ảo ở một mức độ nào đó bởi vì đó là cách đánh lừa thuật toán, mọi người và các thương hiệu. Đó là một cách làm cũ nhưng mới được áp dụng trong ngành công nghiệp này, trên nhiều quy mô khác nhau."

Hay thời gian gần đây, trường hợp một người đàn ông phải lĩnh án 15 tháng tù vì dùng 4.600 smartphone để gian lận tăng tương tác mạng xã hội, livestream lại càng khiến người đặt nghi vấn về con số thực tế của các buổi live có hàng hàng trăm nghìn mắt.

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-4
Ông Wang và hệ thống 4.600 chiếc smartphone dùng để gian lận mắt xem khi bị bắt. (Ảnh: Sở cảnh sát Ninh Ba, Trung Quốc)

Cáo trạng cho biết, người đàn ông tên Wang bắt đầu việc "kinh doanh" lượt xem và tương tác mạng xã hội từ cuối năm 2022. Wang đã mua 4.600 smartphone, sau đó kết nối và điều khiển thông qua phần mềm máy tính. Chỉ với vài cú nhấp chuột trên máy tính, Wang có thể vận hành toàn bộ số smartphone kể trên.

"Chi phí cho mỗi smartphone là 6,65 nhân dân tệ (chưa đến 1 USD) mỗi ngày", Wang nói tại tòa, đồng thời giải thích rằng khoản phí cuối cùng cho dịch vụ sẽ phụ thuộc vào số lượng điện thoại và thời gian mỗi điện thoại kết nối để phục vụ cho buổi livestream đó.

Tính đến tháng 3/2023, tức khoảng 4 tháng sau khi vận hành 4.600 chiếc smartphone để gian lận, Wang đã kiếm được khoảng 415.000 USD (hơn 10 tỷ đồng), chủ yếu đến từ người phát trực tiếp trên nhiều nền tảng khác nhau.

Một công tố viên phụ trách vụ án nói với SCMP rằng "đây rõ ràng không phải là trường hợp cá biệt".

Theo anh Lê Duy, một người có kinh nghiệm trong việc bán hàng trên các nền tảng livestream, việc mua mắt xem ảo (hay còn gọi là “buff" lượt xem) là chuyện hoàn toàn có thể. Anh cho biết, có không ít dịch vụ nhận buff lượt xem và những ai có nhu cầu có thể dễ dàng tìm thông qua Google Search hoặc các hội nhóm trên Facebook.

Chi phí được tính bằng số mắt xem x thời gian xem x số tiền tối thiểu phải bỏ ra cho một mắt xem mà đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra. Chẳng hạn mua 100 mắt xem trong 30 phút, số tiền cần thanh toán là: 100 mắt x 30 phút x 15đ  = 45.000đ”, anh Duy nói. “Thử lấy ví dụ, nếu buff 300k mắt xem trong vài tiếng đồng hồ live, thì mỗi phiên live Hà Linh phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ, con số có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-5
Chi phí cho 300.000 mắt live trong thời gian 90 phút mà một bên dịch vụ cung cấp. (Ảnh chụp màn hình)

Anh Duy nhận định, chi phí này là rất lớn cho một buổi livestream bán hàng. “Với trường hợp của Hà Linh, có khả năng đến từ lỗi kỹ thuật của nền tảng TikTok. Bởi mắt xem dù được mua cũng không giảm đột ngột từ vài trăm ngàn xuống vài ngàn chỉ trong vài giây”, người này nói.

Nhiều bình luận cũng liên kết chuyện lượt xem giảm đột với sự cố mất điện, tuy nhiên, theo anh Duy, lập luận này chưa thật sự thỏa đáng. “Đặt trường hợp giả sử Hà Linh có buff mắt xem, thì nếu bên máy chủ nơi Hà Linh thuê mất điện mới xảy ra tình trạng view tăng giảm không phanh như trên. Còn tại studio, nơi Hà Linh đang live có mất điện hay không thì cũng không ảnh hưởng đến bên máy chủ của bên buff view cho nữ streamer (nếu có)”, người này đặt vấn đề.

Một số bình luận cũng chỉ ra rằng, thực tế không phải chỉ mỗi phiên live của Võ Hà Linh, trường hợp mắt xem bị giảm đột ngột cũng được ghi nhận trong phiên live cùng ngày của gia đình Quyền Daily. Ảnh chụp màn hình cho thấy thời điểm Quyền Leo bốc thăm trúng ô tô, dù không hề gặp sự cố mất điện nhưng mắt xem phiên live từ 100k cũng tụt xuống còn 641 mắt.

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-6
Mắt xem trong buổi live của Quyền Daily cũng gặp tình trạng giảm đột ngột, có thời điểm ghi nhận chỉ còn 641 người xem. (Ảnh chụp màn hình)

Phía TikTok chưa đưa ra bất cứ bình luận về vấn đề này.

Sau buổi live gặp sự cố mất điện, mắt xem tăng giảm bất thường, Hà Linh cũng đã chính thức lên tiếng trên trang Facebook cá nhân. Theo giải thích của nữ streamer, người thoát ra vào lại live liên tục do nghĩ bị sập live làm mắt xem thay đổi thất thường.

Phiên livestream từ hơn 300K mắt xem bỗng chỉ còn hơn 1K của Hà Linh thực hư thế nào?-7
Trần tình của Hà Linh sau phiên livestream đầy bất ổn. (Ảnh chụp màn hình)

Nữ streamer cho biết, khi sự cố mất điện xảy ra, 2 chiếc máy phát điện không thể gánh được hệ thống ánh sáng và máy quay và sau đó phải gọi thêm 1 cái thứ 3 sau đó mới đủ ánh sáng để tiếp tục, cả team gần trăm người đều ngồi trong studio chỉ với vài chiếc quạt. Lúc mất điện may mắn có hệ thống UPS mới có thể gồng live trong bóng tối.

Đến 12h đêm khi xuống live tại khu vực này vẫn không hề có điện. Sẽ không có bất cứ ai dám mạo hiểm dàn dựng sập điện lúc live đang tương tác cao nhất đâu ạ. Mọi người thoát ra vào lại live liên tục do nghĩ bị sập live làm mắt xem thay đổi quá thất thường nên phiên live bị lag toàn diện ạ! Mình chân thành xin lỗi mọi người vì tất cả những tranh cãi và sơ suất không đáng có”, nữ streamer trần tình sau phiên livestream sóng gió.

Theo Người Đưa Tin