Thời gian gần đây, Tổng cục truyền hình Trung Quốc đã năm lần bảy lượt tuyên truyền và nâng cao kiểm duyệt phim nhằm giảm bớt những "phim rác" tiếp cận công chúng, đồng thời nói không với những "minh tinh ảo", hạn chế các nghệ sĩ đòi hỏi tiền cát xê quá cao. Và ngay lập tức bộ phim Người đàm phán do Dương Mịch cùng đàn em Hoàng Tử Thao đóng vai chính dù đã kết thúc khá lâu nhưng vẫn được gọi tên là một trong những "phim rác điển hình". Thậm chí, bộ phim còn bị phê bình là "lấy đề tài hiện thực để ngụy trang cho phim thần tượng".


"Người đàm phán" do Dương Mịch và Hoàng Tử Thao đóng bị đánh giá là một ví dụ điển hình cho "phim rác".

Được đưa tin là bộ phim có đề tài hiện thực, dành cho những ai khao khát theo đuổi sự nghiệp và danh vọng. Thế nhưng khi phát sóng, khán giả thất vọng bởi dàn diễn viên “không biết diễn”, nữ chính Dương Mịch thì cứ như là fashionista chứ không phải là chuyên gia đàm phán. Hoàng Tử Thao vào vai một tổng tài bá đạo thường thấy trong các tác phẩm ngôn tình. Bộ phim chỉ được đánh giá 3.4 điểm trên Douban nhưng lại thu về được “thành tích” phát sóng đạt hơn 10 tỷ lượt xem.


Dương Mịch bị đánh giá và diễn đơ, cứ như là fashionista chứ không phải là chuyên gia đàm phán.

Những năm gần đây, phim truyền hình Trung Quốc gặp khá nhiều chỉ trích khi các nhà làm phim chỉ chăm chăm tìm kiếm nhưng cái tên hot, những ngôi sao đang lên hay ai đông fan, hút dư luận... mà quên mất yêu cầu chính là diễn xuất. Trong khi đó yêu cầu của khán giả ngày càng cao, họ mong muốn rằng một bộ phim không chỉ điểm mặt bởi "trai xinh, gái đẹp" mà còn truyền tải được ý nghĩa.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu các minh tinh không nên chỉ dựa vào chiêu trò mà “ăn xổi” nhất thời. Nếu chỉ tham gia các “phim rác” sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng cũng như uy tín của họ. Vì vậy cần phải nỗ lực trau dồi kinh nghiệm cũng như cẩn trọng trong việc lựa chọn kịch bản. Đồng thời các nhà làm phim nên chú trọng hơn đến kịch bản, đề tài chứ không chỉ dựa vào những chiêu trò truyền thông.

 
Dù dàn diễn viên không hot nhưng "Danh nghĩa nhân dân" được cả giới phê bình lẫn công chúng khen ngợi.

Một tác phẩm tốt không chỉ được đảm bảo bởi hình thức bên ngoài mà cần được chú trọng cả về nội dung bên trong, phải chú trọng từ khâu chế tác đề tài kịch bản đến lựa chọn diễn viên. Điển hình như Danh nghĩa nhân dân được phát sóng vào năm 2017, thành tích lượt xem của khán giả đạt hơn 21 tỷ, điểm đánh giá trên Douban đạt được 8.3 điểm.

Bộ phim thu về cả danh tiếng lẫn chất lượng phát sóng, được cả giới phê bình lẫn công chúng đón nhận và khen ngợi. Ngoài ra còn có một số bộ phim được đánh giá cao như Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn, Nửa đời trước của ta (truyền hình) và Chiến lang 2 (điện ảnh).

Phần lớn còn lại đều bị chê là “thảm họa”.

Theo Dân Việt