Kịch bản Việt hóa: Từ bom tấn thành "bom xịt"?

Từ hơn một thập kỷ trước, dòng phim truyền hình Việt hóa đã sớm xuất hiện và được khán giả đón nhận nhiệt tình. Nhờ lợi thế thành công của bản gốc, nhiều nhà làm phim đã tự tin sản xuất những bộ phim được chuyển thể lại từ kịch bản ấy, với mong muốn đem đến những "món ăn tinh thần" mới mẻ nhưng cũng gần gũi với đời sống của khán giả.

Thành công của Cô Gái Xấu Xí (bản gốc: You soy Betty, la fea - Colombia), Cầu Vồng Tình Yêu (bản gốc: Vinh quang gia tộc - Hàn Quốc)… đã mở đầu cho sức hút của loạt phim Việt hóa sau này như Sống Chung Với Mẹ Chồng (bản gốc: Tiểu Thuyết Phù Thủy Dưới Đáy Biển - Trung Quốc), Người Phán Xử (bản gốc: Người phán xử - Isarel), Hương Vị Tình Thân (bản gốc: Vì Con Mà Sống - Hàn Quốc), Thương Ngày Nắng Về (bản gốc: Con Gái Của Mẹ - Hàn Quốc).

Năm 2017, Người Phán Xử trở thành bộ phim truyền hình tâm lý tội phạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất lên sóng. Phim nói về cuộc tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm, với sự đứng đầu của "ông trùm" Phan Quân (cố NSND Hoàng Dũng). Để kịch bản phù hợp với văn hóa của người Việt, các nhà biên kịch đã chỉnh sửa 60% so với bản gốc, tối giản các cảnh bạo lực, hành động hoặc quá "nóng".

Cùng với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng cũng là bộ phim "làm mưa làm gió" xuyên suốt thời điểm đó. Bộ phim được biên kịch Đặng Thiếu Ngân chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của tác giả Giả Hiểu, Trung Quốc.

Từng trích đoạn, câu thoại của nhân vật đều trở nên thịnh hành trên mạng xã hội. Câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu vốn đã quen thuộc được khai thác một cách chân thực trên màn ảnh nhỏ, khiến bộ phim nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của khán giả.

Đây được coi là hai tác phẩm Việt hóa thành công bởi đã có nhiều sáng tạo so với bản gốc và lồng rất nhiều nét đời sống, văn hóa trong xã hội Việt Nam vào phim khiến khán giả xem thấy gần gũi.

Hai bộ phim dài hơi gần đây là Hương Vị Tình ThânThương Ngày Nắng Về cũng được đội ngũ biên kịch đưa vào đó những câu chuyện rất Việt Nam. Có thể thấy dù đặt trong bối cảnh nào, tình mẫu tử, phụ tử vẫn luôn là đề tài chiếm được tình cảm của nhiều khán giả. Việc sáng tạo trong những đề tài vốn đã quá quen thuộc là bài toán khó cho những nhà biên kịch. Tuy nhiên, họ vẫn chứng minh được thành công của mình khi cả hai bộ phim đều nhận được lượt xem đông đảo vào thời điểm ấy.

Phim truyền hình Việt giờ vàng: Bói mãi chưa thấy kịch bản vàng?-1
Thương Ngày Nắng Về gây xúc động bởi câu chuyện về tình mẫu tử (Ảnh: VTV).

Tuy nhiên, không phải phim Việt hóa nào cũng nhận được sự yêu thích của khán giả. Năm 2022, bộ phim Hành Trình Công Lý (bản gốc: Người Vợ Tốt - Mỹ) đã không được khán giả đón nhận so với nhiều phim Việt hóa khác.

Từng được kỳ vọng sẽ trở thành bom tấn truyền hình khi có sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi nhưng với kịch bản "đầu voi đuôi chuột", lê thê cùng nhiều tình tiết vô lý, phim đã dần "mất điểm" trong lòng khán giả.

Xem đến cuối, khán giả vẫn không khỏi thắc mắc hành trình công lý của phim là gì? Hướng đến sự công bằng cho nhân vật nào?… Dù được chuyển thể từ series (loạt phim) nổi tiếng của Mỹ nhưng bộ phim đã không đạt được thành công như bản gốc.

Có thể thấy, việc làm phim Việt hóa đã thổi "luồng gió mát" vào thị trường giải trí, mở ra những hướng đi mới cho phim ảnh nước nhà trong lúc "đói" kịch bản chất lượng. Tuy nhiên, đây không phải hướng đi lâu dài.

Như Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch, TS. Đào Trung Hiếu chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Việc Việt hóa những bộ phim của nước ngoài là cơ hội để chúng ta tiệm cận với những kịch bản hay, từ đó sáng tạo biến cái của họ thành cái của mình.

Đó là sự hợp tác, giao lưu trong một ngành công nghiệp phim ảnh tiên tiến. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức đòi hỏi mỗi người làm phim từ biên kịch đến đạo diễn phải không ngừng nỗ lực cho ra những bộ phim của riêng mình mà vẫn hấp dẫn người xem. Vì dù gì, việc Việt hóa có tài và sáng tạo để phù hợp với văn hóa, tâm lý của người Việt Nam chăng nữa cũng không tránh khỏi những so sánh khập khiễng".

Kịch bản thuần Việt: Món ăn tinh thần cần đổi mới

Những năm gần đây, sự phát triển của phim truyền hình Việt đều gắn liền với những tác phẩm mang đề tài gia đình. Các phim Việt hóa hay có kịch bản thuần Việt xoay quanh phản ánh những mối quan hệ hay loạt vấn đề trong cuộc sống gia đình vẫn luôn thu hút khán giả nhờ sự gần gũi, thân thuộc. Hơn nữa, đề tài này cũng không kén chọn đối tượng khán giả bởi ở bất cứ độ tuổi nào, ngành nghề gì, họ cũng dễ dàng tiếp nhận.

Từ Về nhà đi con đến Đừng làm mẹ cáu, Gia đình mình vui bất thình lình… có thể thấy, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa vẫn là đề tài có sức sống mãnh liệt. Trong tương lai, đề tài này vẫn có thể được phát triển nhờ những câu chuyện được khai thác khác nhau.

Tuy nhiên, phim truyền hình Việt giờ vẫn cần có những kịch bản mang chủ đề mới lạ, phản ánh toàn diện những vấn đề của cuộc sống.

Nhìn sang thị trường phim truyền hình Hàn Quốc, có thể thấy, họ sở hữu một kho tàng những bộ phim với đề tài hấp dẫn.

Đó là Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo - bộ phim về đề tài luật pháp Hàn Quốc; Hospital Playlist thu hút với đề tài bác sĩ; Penthouse xoay quanh cuộc chiến quyền lực của giới thượng lưu; The Glory phản ánh vấn đề bạo lực học đường gây nhức nhối; Our Beloved Summer được yêu thích nhờ những thước phim thanh xuân vườn trường…

Khai thác nhiều chủ đề khác nhau nhưng yếu tố gia đình vẫn được lồng ghép khéo léo trong các bộ phim này, mang đến những thông điệp nhân văn về giá trị của gia đình đối với mỗi con người, khiến khán giả không khỏi suy ngẫm.

Có thể thấy những năm gần đây, phim truyền hình Việt đang ở trong giai đoạn bùng nổ. Sự đón nhận của khán giả cũng minh chứng cho sức hút của phim Việt thời gian qua.

Giờ đây, "món ăn tinh thần" của khán giả đã được đầu tư chỉn chu, "chế biến" kỹ lưỡng hơn từ khâu kịch bản cho đến dàn diễn viên thực lực. Tuy nhiên, để "món ăn" này ngày càng đa dạng với nhiều hương vị khác nhau, phim truyền hình Việt cần lắm những kịch bản khai thác đa dạng các chủ đề xoay quanh trong cuộc sống.

Ngoài chủ đề gia đình, các bộ phim về đề tài nông thôn, cuộc sống sinh viên, thanh xuân tươi đẹp hay hình sự, lịch sử… hoàn toàn có khả năng nhận được sự đón nhận của khán giả. Chúng ta đã từng có Phía trước là bầu trời, Hoa cỏ may, Cảnh sát hình sự, Ma làng, Khi đàn chim trở về… Dù khai thác chủ đề nào nhưng sự gần gũi sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp níu khán giả xem phim.

NSND Hoàng Cúc chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Không thể phủ nhận, phim truyền hình Việt Nam về đề tài gia đình những năm gần đây thu hút đông đảo người xem nhờ nội dung gần gũi, sâu sắc mà không kém phần kịch tính. Tuy nhiên, phim ảnh cũng như món ăn. Nếu ăn mãi một món, cho dù có thích đến đâu rồi có lúc sẽ thấy chán".

Phim truyền hình Việt giờ vàng: Bói mãi chưa thấy kịch bản vàng?-2
The Glory (Vinh quang trong thù hận) của Hàn Quốc "gây sốt" bảng xếp hạng của nền tảng phim trực tuyến toàn cầu nhờ nội dung hấp dẫn, xuất sắc (Ảnh: Netflix).

"Kịch bản vàng" đang ở đâu?

Nhà văn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay, nhiều biên kịch, trong đó đa số là biên kịch trẻ của phim truyền hình Việt ngày nay không đủ kiến văn (những điều tai nghe mắt thấy - PV) để cảm nhận và giải đáp các vấn đề xã hội, kể cả các tình huống có vẻ gần gũi như chuyện tình yêu, chuyện gia đình... Do vậy, họ chọn hiện thực quen thuộc để khai thác. Mà cứ khai thác cái gì quá nhiều, lại có tầm nhìn hẹp thì chuyện nhàm, mòn là dễ hiểu.

Các đề tài lớn như lịch sử, (dù không phải là chiến tranh), những đề tài đòi hỏi có hiểu biết chuyên môn sâu, hay dựa trên các tác phẩm văn học đã được khẳng định trên văn đàn đều là quá sức với họ.

"Tôi nhớ các kịch bản có đề tài khó hoặc chuyển thể kiểu này trước đây đều do các biên kịch gạo cội, có tuổi đời và tuổi nghề đáng kể thực hiện. Ngày nay, các biên kịch già hoặc không được mời, hoặc nếu được mời thì nhuận bút quá thấp, không đủ kêu gọi sự nhiệt tình của họ.

Do đó, thay đổi đề tài đối với phim truyền hình Việt nhiều tập là rất khó. Với hàng nghìn trang viết cho mỗi kịch phim dài tập quả là sẽ đòi hỏi sức lao động cực nhọc và bền bỉ. Vì vậy, các biên kịch trẻ sẽ vẫn là lực lượng chính, và chất lượng nội dung đương nhiên thể hiện đúng năng lực của biên kịch thôi.

Tôi cho rằng viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập thực chất là viết một trường thiên tiểu thuyết xã hội. Không có nội lực không làm được", biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh.

Phim truyền hình Việt giờ vàng: Bói mãi chưa thấy kịch bản vàng?-3
Sống Chung Với Mẹ Chồng là một trong những bộ phim Việt hóa thành công năm 2017 (Ảnh: VTV).

Biên kịch Đặng Thiếu Ngân từng chia sẻ, chị đã có dịp làm việc với một số biên kịch Hàn Quốc, có cả những ngôi sao biên kịch hạng A, B. Theo chị, điểm khác biệt lớn nhất không phải là trình độ, khả năng mà là tâm thế và điều kiện khi sáng tác.

"Đơn giản, họ được làm nghệ thuật trong môi trường chuyên nghiệp, khi ngành công nghiệp giải trí là một ngành quan trọng, các tác phẩm của họ được đầu tư xứng đáng.

Người viết biết cân đối cảm xúc thế nào, biết cắt gọt ra sao khi trong đầu mình là muôn vàn tình tiết hay, nhưng lại phải cân đong đo đếm xem liệu viết thế thì đoàn phim tìm đâu ra bối cảnh, mượn làm sao được đủ đạo cụ...

Chính vì chúng ta chưa có được sự đồng bộ, còn thiếu nhiều yếu tố nên có những thứ biên kịch muốn nhưng không thể đưa hết vào kịch bản", biên kịch Đặng Thiếu Ngân nói.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại đưa ra quan điểm, những tình huống kịch, những chi tiết hay, đắt giá đôi khi cũng không đòi hỏi kinh phí sản xuất cao. Nhưng để nghĩ ra được những tình huống và chi tiết ấy lại đòi hỏi trình độ thượng thừa của biên kịch.

"Đã từng có nhận xét rằng, nếu phim điện ảnh cần một đạo diễn xuất sắc để có phim xuất sắc thì phim truyền hình ngược lại, cần có biên kịch xuất sắc để bộ phim có thể thành công.

Vai trò của biên kịch trong phim truyền hình dài tập đảm bảo đến 80% chất lượng nội dung của phim. Bởi nó cần có sự quản trị nội dung thấu suốt, và bản lĩnh sáng tác vững vàng của người biên kịch.

Với độ dài khá đặc thù của phim truyền hình dài tập, người đạo diễn khó có thể quán xuyến tuyệt đối với nội dung phim, nhất là trong điều kiện biên kịch vừa viết đạo diễn vừa quay đuổi theo.

"Biên kịch vàng" khó có thể xuất hiện nếu những người viết đang xuống sức, không kịp nạp tri thức, kiến văn sâu rộng cho mình. Vì vậy, "kịch bản vàng" đương nhiên cũng khó mà xuất hiện", biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay.

Theo bà, một vấn đề quan trọng nữa là do các đạo diễn và cả nhà sản xuất không dám tin sẽ có những phim khai thác đề tài khác hay. Hoặc do kinh phí hạn hẹp nên họ chủ trương khai thác câu chuyện về đề tài đô thị, gia đình đương đại mà luôn ngần ngại trước những gợi ý đề tài khó hơn như lịch sử, văn hóa dân tộc, nông thôn, miền núi...

Bản đồ phim truyền hình Việt vì thế trở nên nhợt nhạt và nhàm chán là điều khó tránh khỏi.

Theo Dân Trí