Phố cổ Hội An 'hồi sinh' sau đại dịch

Dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch "đóng băng", những người làm dịch vụ sống lay lắt qua ngày. Những ngày này, du khách từ khắp nơi đổ về, phố cổ Hội An nhộn nhịp trở lại, nhất là khu vực quảng trường Sông Hoài (TP Hội An, Quảng Nam), sau gần 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19.

Phố cổ Hội An hồi sinh sau đại dịch-1
Du khách tấp nập đổ về phố cổ Hội An

Niềm vui người làm nghề dịch vụ

Phố cổ Hội An đêm 25/3, đường phố đông nghịt người. Xe cộ chầm chậm lăn bánh giữa dòng người xe rộn rịp. Thấy 2 du khách có vẻ sốt ruột, anh Nguyên Hải (34 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), lái taxi cho biết, tài xế như anh khá ngán ngẩm với tắc đường, kẹt xe, nhưng nay những người như anh không cảm thấy khó chịu. Có lẽ đã quá lâu rồi, chính xác là phải tròn 2 năm, anh Hải cũng như những người khác mới lại được trải nghiệm cảm giác đó.

“Quẹo hết đường Trần Hưng Đạo (TP Hội An) là rộng rãi rồi. Đây là còn đỡ chứ cỡ giờ này vào 2 ngày cuối tuần là không nhúc nhích được luôn”, anh Hải trấn an.

Phố cổ Hội An hồi sinh sau đại dịch-2
Một cây cầu bắc ngang qua dòng sông Hoài đông nghịt người

Dạo quanh giữa lòng phố Hội, hình ảnh những chiếc xích lô chở du khách đi ngắm cảnh khu vực phố cổ trong tiếng chuông leng keng thật vui tai. Ông Trần Cư, hành nghề đạp xích lô trên đường Trần Phú cho biết, thời gian dịch bệnh Covid-19, ông phải chuyển sang công việc khác để mưu sinh. Nhưng bây giờ du lịch Hội An trở lại, ông lại quay về với “nghiệp” cũ đã gìn giữ mấy năm nay. Mỗi ngày ông chạy khoảng 3 - 5 chuyến, mỗi chuyến thu về 150.000 - 200.000 đồng, giúp kinh tế của gia đình được cải thiện đôi chút so với trước đây.

“Chúng tôi đạp xích lô chở du khách ngắm cảnh ngoài mưu sinh kiếm sống, còn mong muốn giữ gìn và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nét đẹp văn hóa tinh thần của phố Hội”, ông Cư nói.

Phố cổ Hội An hồi sinh sau đại dịch-3
Nhiều du khách lựa chọn xem khinh khí cầu trên mặt nước 

Du lịch được phục hồi, những người lao động phổ thông là vui nhất. Mở tiệm bánh mì gần 12 năm, anh Ngô Văn Tài (40 tuổi, trú phường Cẩm Phô, TP Hội An) tâm sự, từ 19 giờ đến 22 giờ ngày 25-3, vợ chồng anh làm việc không ngơi nghỉ bởi khách đến mua liên tục. Ấy thế mà đối họ, đó là niềm hạnh phúc không gì diễn tả bởi họ có việc làm để trang trải cuộc sống của mình cùng 2 đứa con.

“Nghỉ dịch 2 năm, có lúc tiệm của tôi phải đóng cửa. Lâu dần, các khớp tay vì thế mà cũng cứng lại. Nghề làm bánh mì nếu không làm liên tục, lâu dần những người trong nghề mấy chục năm như tôi cũng sẽ quên”, anh Tài tâm sự.

Các điểm luôn hút khách

Ngoài khinh khí cầu - sự kiện đáng chú ý trong những ngày này tại phố cổ Hội An - sân chơi bài chòi cũng thu hút rất đông người dân và du khách, bởi đây là trò chơi mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư các tỉnh miền Trung. Tiếng trống hội rộn rã, những lời hô xướng, mời gọi mở hàng của người hô Bài Chòi, thu hút sự chú ý mọi người tập trung về khu vực vườn tượng An Hội (bờ Tây sông Hoài, phố cổ Hội An).

Điểm nhấn đặc biệt để duy trì sức sống của bài chòi, đồng thời là kênh quảng bá nghệ thuật này tốt nhất, chính là gian trò chơi bài chòi giữa phố. Tạo một không gian mở, để bất cứ du khách nào cũng có thể tham gia trò chơi, vô hình trung tạo nên mối liên kết để kết nối đưa bài chòi đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Phố cổ Hội An hồi sinh sau đại dịch-4
Bài chòi Hội An rộn ràng tiếng cười của du khách, người địa phương

Đam mê nghe hát bài chòi từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Linh (trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), để hấp dẫn du khách lẫn người dân địa phương, những người hô hát phải có sự ăn ý, kẻ tung, người hứng, linh hoạt ứng khẩu, hô xướng, vừa tạo không khí vui tươi, dí dỏm nhưng lúc nào cũng giữ được cái hồn của hô hát bài chòi. Để khách quốc tế hiểu được nét văn hóa độc đáo của bài chòi thì người diễn phải có lối diễn xuất gần gũi với mọi người.

Bờ bên kia sông Hoài, từ 17 giờ đến 23 giờ, chợ đêm đường Nguyễn Hoàng (đối diện Chùa Cầu) có chiều dài khoảng 300m với hơn 50 gian hàng như một không gian thu nhỏ hoạt động phố cổ.

Ở đây du khách dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của phố từ các gian hàng đèn lồng đa dạng từ màu sắc đến kiểu dáng; những sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ; hay những món ăn đặc sản Hội An như cao lầu, mỳ Quảng, bánh vạc, bánh đập, chè mè đen… Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là những gian hàng đèn lồng rực rỡ được treo dọc tuyến phố.

Phố cổ Hội An hồi sinh sau đại dịch-5
Chợ đêm Hội An khá nhộn nhịp

Chị Thu Huyền, một du khách đến từ Đồng Nai cho hay, đèn lồng ở đây đủ mọi kích thước, chủng loại từ thuôn dài, trụ tròn, tam giác, tỏi ngược đến lục giác, bông sen, quả trám, ông sao; từ chất liệu giấy đến lụa, mây tre… tất cả hiện lên lung linh càng làm cho cảnh phố thêm huyễn hoặc.

Nét độc đáo của các sản phẩm du lịch ở Hội An là giá trị văn hóa kết hợp hài hòa giữa vật thể và phi vật thể. Tiềm năng này còn khá phong phú, nếu được phát huy đúng mức như đã từng làm với di sản nghệ thuật bài chòi, chợ đêm, Hội An có thể tạo thêm những sản phẩm du lịch văn hóa mới lạ, níu chân du khách mỗi khi đến đây.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.sggp.org.vn/pho-co-hoi-an-hoi-sinh-sau-dai-dich-802148.html

Hội An

Tin tức mới nhất