Đường tiết niệu, hay còn gọi là đường tiểu, bao gồm 2 quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thông thường, nước tiểu vốn vô trùng.

Tuy nhiên, khi vi khuẩn xâm nhập vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc định cư ở đây gây nên hiện tượng nhiễm trùng đường tiết niệu (còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu).

Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, trong nước tiểu của bệnh nhân thường có vi khuẩn và tế bào mủ.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể mắc ở bất kỳ ai, thậm chí là cả trẻ em. Phụ nữ trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Trên thực tế, phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao gấp 10 lần nam giới.

1. Phân loại nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuất hiện ban đầu ở những phần thấp nhất của đường tiết niệu như niệu đạo, bàng quang.

Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập những vùng cao hơn của đường tiết niệu như niệu quản, thận gây ra nhiễm trùng đường tiểu trên.

3 dạng điển hình của bệnh viêm đường tiết niệu gồm có:

- Viêm niệu đạo:

Viêm niệu đạo có triệu chứng bỏng rát mỗi khi đi tiểu, đôi khi xuất hiện cả mủ trong nước tiểu, với nam giới thì xuất hiện hiện tượng chảy mủ ở lỗ sáo (lỗ niệu đạo) dương vật.

- Viêm bàng quang:

Triệu chứng: Đau tức vùng bụng dưới, nước tiểu khai, có hiện tượng tiểu ra máu.

Viêm bàng quang là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất, đặc biệt là ở nữ giới. Có 20% phụ nữ có một lần bị viêm bàng quang trong đời, trong số đó có 20% tái phát.

- Viêm thận, bể thận cấp:

Viêm thận, bể thận cấp là một dạng nghiêm trọng của viêm đường tiết niệu, nguyên nhân có thể do nhiễm trùng ngược từ dòng bàng quang lên hoặc do từ máu xâm nhập vào.

Bệnh này dễ làm suy giảm chức năng thận, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hình ảnh niệu đạo của nam giới và nữ giới.
Hình ảnh niệu đạo của nam giới và nữ giới.

2. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu:

Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) là nguyên nhân gây nên 80% trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn. Thông thường, chúng xuất hiện ở đại tràng và đi vào lỗ niệu đạo từ vùng xa xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục.

Phụ nữ là đối tượng dễ nhiễm bệnh hơn bởi do cấu tạo lỗ niệu đạo nằm gần với nguồn vi khuẩn từ phía sau (hậu môn, âm đạo), đồng thời niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn do đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang.

Các loại vi khuẩn khác gây ra bệnh bao gồm Staphylococcus saprophyticus, Chlamydia trachomatis, Proteus và Mycoplasma hominis. Người lớn nếu nhiễm các loại vi khuẩn này đều có thể truyền cho bạn tình trong quá trình quan hệ tình dục.

Phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục càng có nguy cơ cao về bệnh này do khi giao hợp cơ quan sinh dục của nữ giới dễ bị nhiễm khuẩn hơn.

Khi quan hệ tình dục, niệu đạo tiếp xúc với các vi khuẩn từ vùng kín và hậu môn, các vi khuẩn này xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang, thậm chí là thận gây nhiễm trùng.

Phụ nữ tuổi sinh nở có tấm “lá chắn” bảo vệ niệu đạo đó là dịch nhầy ở âm đạo. Đến tuổi mãn kinh, thiếu hụt estrogen khiến âm đạo teo, khô, màng nhầy – màng chắn các vi khuẩn bị mất. Do đó phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh cũng dễ nhiễm căn bệnh này.

Trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh viêm đường tiết niệu nếu để vi khuẩn từ tã lót có phân đi vào đường tiểu. Ngay cả thiếu nữ chưa có quan hệ tình dục nhưng nếu có thói quan lau vùng kín từ sau ra trước khi đi vệ sinh cũng dễ mắc bệnh.

3. Cách phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu:

Để phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu, cần làm tốt những điều sau đây:

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Uống nhiều nước: Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để rửa sạch bàng quang, tẩy rửa các vi khuẩn có hại và tống chúng ra ngoài theo đường tiểu.

- Phụ nữ không nên tắm bồn bởi tắm bồn có thể tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn xâm nhập và trú ngụ ở âm đạo.

- Không được nhịn tiểu vì nhịn tiểu làm ứ đọng mầm bệnh. Khi có nhu cầu đi tiểu cần phải "xả" ngay, thậm chí không cần đợi có nhu cầu mà cứ mỗi 2 - 3h nên đi tiểu một lần.

- Đi tiểu trước và sau khi giao hợp.

- Vệ sinh cơ quan sinh dục trước và sau khi giao hợp để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập niệu đạo và bàng quang.

- Bổ sung vitamin C để tăng độ axit của nước tiểu hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

- Với phụ nữ có quan hệ tình dục thường xuyên mắc căn bệnh này thì nên xem lại tư thế quan hệ để tránh tư thế ảnh hưởng tới lỗ niệu đạo.

- Với trẻ em: Thay tã cho trẻ lập tức ngay khi bị dính phân, dạy trẻ lau vùng kín từ trước ra sau khi đi vệ sinh.

Theo Trí Thức Trẻ