Đau đáu nỗi nhớ Tết quê hương 

Chị Nguyễn Trâm (SN 1989) từng sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Yêu anh Jacson, người đàn ông Mỹ hơn 9 tuổi, chị Trâm quyết định “theo chàng về dinh”.

Sáu năm sống và làm việc bên nước ngoài, dù được chồng hết mực yêu thương nhưng chị Trâm luôn đau đáu nhớ về quê hương. 

Ai đi xa cũng luôn nhớ về cội nguồn, về những năm tháng tuổi thơ gắn bó với Tết cổ truyền không thể nào quên. Chị Trâm cho hay, mỗi dịp Tết đến xuân về, những người Việt ở nước ngoài lại bồi hồi, xúc động.

Phụ nữ Việt lấy chồng ngoại chia sẻ tết Nguyên đán ở trời Tây-1
Nhiều năm ở Mỹ, chị Trâm luôn nhớ Tết Việt. 

Ngày Tết đến, ngoài giờ đi làm, chị tranh thủ nấu nướng các món Việt như măng kho, thịt kho trứng, bánh chưng, giò chả, làm dưa muối và một số món mứt để tận hưởng hương vị Tết quê nơi đất Mỹ. 

Đây là những món ăn chồng và các con chị rất thích. Việc mua nguyên liệu chuẩn bị mâm cơm ngày Tết ở Mỹ không khó khăn. Bởi theo chị, các món châu Á được bày bán rất nhiều trong các siêu thị. 

Để các con nhớ đến quê ngoại, chị Trâm giải thích cho con nghe về Tết ở Việt Nam. Sau giờ đi làm, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm, cùng nhau ăn uống, kể chuyện. 

Đầu năm, cộng đồng người Việt ở bang Florida - nơi chị Trâm sinh sống cũng mặc áo dài đi lễ, chúc tụng, lì xì cho nhau. Không khí ấy khiến chị cảm thấy giống như đang được đón Tết ở quê hương mình. 

Cũng lấy chồng và sinh sống ở Mỹ nhiều năm, chị Nguyễn Thụy Minh Châu (36 tuổi, Texas, Mỹ) chia sẻ Tết Việt luôn ở trong tim. Nhiều năm chị Châu chưa có dịp về quê đón Tết. Nhớ nhà, nhớ quê nên có điều kiện chị lại mời gia đình sang chơi.

Mỗi dịp Tết, dù không được nghỉ làm như ở Việt Nam nhưng chị vẫn luôn dành thời gian sắm sửa, chuẩn bị Tết chu đáo. Các món ăn Tết cổ truyền cũng được chị chuẩn bị đầy đủ.

Phụ nữ Việt lấy chồng ngoại chia sẻ tết Nguyên đán ở trời Tây-2
Chị Châu luôn bồi hồi mỗi khi Tết đến. 

"Ở Mỹ, những nơi đông người Việt sinh sống hoặc các chùa vẫn trang trí mai, đào. Không khi Tết bao trùm. Nhiều chị em diện áo dài, đón xuân như chính ở quê hương mình vậy.

Chồng mình rất thích Tết, thích món ăn và những phong tục của người Việt. Tết đến, anh cũng hào hứng cùng chung vui với mình”, chị Châu chia sẻ.

Phụ nữ Việt lấy chồng ngoại chia sẻ tết Nguyên đán ở trời Tây-3
Chồng chị Châu rất yêu thích Tết Việt. 

“Thật may vì ở nước ngoài vẫn có không khí Tết của người Việt nên cũng bớt tủi thân. Dù vậy mình cũng hi vọng năm tới đây sẽ có dịp về ăn Tết cùng gia đình. Xa quê, nhớ nhà, nhớ quê hương lắm”, chị nói thêm. 

Tết Việt ở nước ngoài vui, rộn ràng lắm 

Không chỉ ở Mỹ, ở Australia (Úc), Tết cũng rất rộn ràng trong lòng người Việt Nam sinh sống tại đây. 

Chị Nguyễn Hồng Thắm (36 tuổi) nhiều năm sinh sống và làm việc tại Úc chia sẻ về Tết cổ truyền đầy xúc động. 

Hơn 10 năm sinh sống tại xứ người, chị Thắm luôn cố gắng cùng chồng về quê ăn Tết. Tuy nhiên năm nay, gia đình sắp đón thành viên mới nên chị ở lại. 

Phụ nữ Việt lấy chồng ngoại chia sẻ tết Nguyên đán ở trời Tây-4
Chị Thắm cho biết, ở Úc mọi người Việt đón Tết như ở Việt Nam. 

Dù xa quê nhưng với chị Thắm, Tết ở Úc cũng giống như Tết ở Việt Nam: “Cộng đồng người Việt ở đây đón Tết rất rộn ràng. Mọi người cùng nhau ăn mặc đẹp, đi chùa, đón giao thừa, lì xì đầu năm.

Những món ăn ngày Tết như hoa quả, mứt, bánh kẹo, đồ cúng, trang trí đều có đủ cả”. 

Điều khiến chị vui là chồng rất yêu thích Tết cổ truyền Việt Nam. Ngày Tết, gia đình lại cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống, quây quần bên mâm cơm ấm cúng.

Cả nhà cùng ăn được món Việt nên không cần thực đơn riêng. Chị cũng kể cho các con nghe về Tết quê hương để các con không quên phong tục của người Việt. 

Dù ở Úc không được nghỉ ngày này nhưng mọi người đều tranh thủ thời gian để được cùng nhau sum họp, cùng đốt pháo hoa mừng năm mới. 

"Dù ở đâu thì Tết cũng là một dịp đặc biệt, quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Ai cũng cố gắng chuẩn bị một cái Tết đầy đủ, sum vầy.

Người Việt ở Úc luôn cố gắng tạo không khí Tết như ở Việt Nam để vơi bớt nỗi nhớ quê và giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của quê hương”, chị Thắm chia sẻ.

Theo Vietnamnet