Lướt qua nhiều group tâm sự của chị em phụ nữ, những câu hỏi tương tự như thế này đã không còn quá lạ lẫm. Người ta thi nhau hỏi, rồi thi nhau trả lời. Thế nhưng, điều đáng chú ý chỉ hàng ngàn chị em trả lời cho câu hỏi kia, chỉ có vài người vui vẻ trả lời: “có”, còn lại số đông lựa chọn “không”, có người còn bảo biết thế ở vậy, làm mẹ đơn thân chứ quyết không lấy chồng. Đám chị em chưa chồng thấy thế cũng hốt hoảng lo sợ, cân nhắc lại chuyện kết hôn.

Hôn nhân đáng sợ như vậy hay sao? Người đàn ông mà năm xưa khiến bạn hào hứng, vui vẻ bước vào cuộc sống của người có gia đình nay đã làm bạn thất vọng đến nhường ấy cơ à? Nhưng dù thế nào, hãy ngừng hỏi những câu đó đi.

Bạn đã từng yêu và kết hôn tự nguyện, không ai ép buộc?

Nếu cuộc hôn nhân của bạn không bị can thiệp bởi gia đình, đó đã là một may mắn. Cả hai đã từng có một tình yêu với đầy đủ những cảm xúc của sự ngượng ngùng, dỗi hờn, vui vẻ rồi hòa quyện, không thể sống thiếu nhau và tiến tới một cuộc hôn nhân có sự tự nguyện của hai bên, đó là một thứ hạnh phúc đáng trân trọng.


Hạnh phúc vất vả mới có được thì nhất định phải trân trọng nó từng ngày. 

Vậy thì, lựa chọn khi xưa của bạn hoàn toàn là do bản thân mình tự quyết định. Ở độ tuổi khi đã trưởng thành, sự lựa chọn ấy đi kèm với trách nhiệm, tức là chúng ta phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. “Sướng thì hưởng, khổ tự chịu”, mọi thứ chỉ có đơn giản thế thôi. Không hạnh phúc thì có cách giải quyết khác, không nhất thiết phải lên mạng hỏi: “Nếu được chọn lại có lấy chồng không?”. Có hay không thì giờ cũng xong rồi, không thể thay đổi gì được đâu mà những câu hỏi như vậy lại có thể làm cho cuộc hôn nhân của bạn ngày càng tiêu cực hơn.

Người ta vẫn bảo: “Đứng núi nọ, trông núi kia”, giá mà không lấy chồng, không biết các chị em có lên mạng hỏi: “Nếu được chọn lại thì có chọn cuộc sống không chồng con thế này không?” Khi ấy, chắc chắn lại xuất hiện nhiều câu trả lời thú vị đấy. Cuối cùng, phải bằng lòng với cuộc sống của mình thôi. Đấy là một cách để hạnh phúc.

Cảm xúc của bạn thế nào khi chồng mình hỏi câu tương tự: “Nếu được chọn lại có lấy vợ không?”

Dám chắc sẽ có nhiều chị em bị tổn thương nếu nghe được câu hỏi ấy của chồng. Hóa ra, năm xưa anh ta bỏ bao nhiêu công sức cưa cẩm, tán tình mình, lấy lòng bố mẹ, anh chị em nhà mình. Rồi những lần giận dỗi đòi chia tay, anh ta năn nỉ, “trồng cây si” trước cửa nhà mình, đứng đợi thâu đêm chẳng ngại nắng mưa... Rồi cả bao nhiêu công lao mới đón được mình về làm vợ, chăm lo cho gia đình anh ta, sinh con cho anh ta, yêu thương anh ta hết lòng rồi cuối cùng, anh ta vẫn còn hỏi câu đó?!


Đừng làm tổn thương nhau bằng những câu hỏi chua chát như thế này!

Nếu anh trả lời là “có” thì trong lòng anh ấy có vẻ vẫn có chút phân vân. Còn nếu anh ấy trả lời rằng “không”, thì chia buồn với bạn nhé, bạn chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc đời anh ấy. Quyết định lấy bạn làm vợ của anh ấy năm xưa, chính bản thân chồng bạn coi là một sự sai lầm.

Đương nhiên, bạn tổn thương, thất vọng như thế nào thì anh ấy cũng sẽ cảm thất y chang như vậy. Thế nên, chúng ta nếu không làm được gì tốt đẹp cho nhau thì cũng ngừng ngay những trò gây tổn thương cho người đầu gối tay ấp. Hỏi những câu vô ích như trên còn đau hơn cả một cái tát, đó chính xác là một cách xúc phạm người bạn đời của mình.

Cuộc sống vợ chồng hơn hết là sự yêu thương, bao dung và thẳng thắn

Người ta bảo “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu” nhưng cũng có thể là sự mở đầu của những chuỗi ngày hạnh phúc. Làm gì cũng có đôi, niềm vui thì nhân hai còn nỗi buồn sẻ nửa. Hạnh phúc hay bất hạnh, nằm trong tay mình.

Có thể đôi khi, cuộc sống không thể tránh được những lúc mâu thuẫn xích mích, nhà nào mà chẳng vậy, ngay cả bố mẹ mình cũng thế đấy thôi. Điều quan trọng là sau tất cả những lần cãi vã, vấn đề phải được giải quyết, không “tồn đọng” từ ngày này qua tháng khác. Sau những cuộc cãi vã phải là sự xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn chứ không phải sự rạn nứt. Mà để làm được điều đó, trên hết phải có sự yêu thương và bao dung. Cái gì bỏ qua được thì bỏ qua, cái gì không bỏ qua được thì giải quyết một cách triệt để, rồi thôi, không nhắc lại, không đay nghiến.


Hạnh phúc là lắng nghe nhau và tạm cất cái tôi đi. 

Những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày khiến một trong hai cảm thấy ức chế, khó chịu thì chọn một lúc để ngồi lại tâm sự, chia sẻ với nhau. Chỉ ra điều gì ở đối phương khiến mình chưa hài lòng thì thay đổi, cái tôi tạm giấu đi để cửa nhà êm ấm, con cái vui vẻ. Chẳng gì bằng tâm sự với nhau, với chính người mà chúng ta vẫn gọi là một nửa của mình. Đừng lên mạng tám chuyện, vào group này, fanpage kia “bóc phốt” chồng. Thời buổi công nghệ, chỉ một status thôi là ngày mai cả làng trên xóm dưới đều biết, người ta lại chê cười người phụ nữ chỉ biết “vạch áo cho người xem lưng”.

Theo Emdep