Xuân Đã Về

"Xuân đã về, xuân đã về. Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông/ Trên cánh đồng, chim hót mừng, đang thướt tha tưng bừng cùng nhau vui say..."

Xuân Đã Về là một bản nhạc của nhạc sĩ Minh Kỳ nổi tiếng từ cuối thập niên 1950 và đến nay là một trong những bài hát phổ biến nhất trong mỗi dịp tết đến xuân về. Ca khúc thể hiện sự vui tươi thể hiện tâm trạng hân hoan, rộn ràng của mọi người khi mùa xuân lại về.  

Xuân Họp Mặt

"Xuân đã về, xuân mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang..." 

Trong thâm tâm mỗi người Việt Nam chúng ta, ngày xuân ngày tết chính là ngày “họp mặt” gia đình, bạn hè và hàng xóm láng giềng. Chính truyền thống sum họp đấy đã mang lại cảm hứng cho cố nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác nên ca khúc Xuân Họp Mặt vào năm 1973.

Mùa Xuân Đầu Tiên

"Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến đầu tiên..."

Năm Bính Thìn 1976, cố nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên mừng đất nước thống nhất. Sau đó, ca khúc được thu âm, phát sóng phổ biến rộng rãi. Đến nay, mọi người vẫn cho đây là một trong những ca khúc không thể thiếu vào mỗi độ xuân về.

Ngày Tết Quê Em

"Tết tết tết tết đến rồi/ Tết tết tết tết đến rồi/ Tết đến trong tim mọi người..."

Ngày Tết Quê Em là sáng tác của cố nhạc sĩ Từ Huy viết năm 1994, với giai điệu tươi vui, rộn rã, lời bài hát gần như gói gọn hết những nét đặc trưng, phong tục và ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết cổ truyền đối với người Việt Nam. 

Nhờ sự gần gũi, ca từ dễ thuộc đó mà Ngày Tết Quê Em tạo thành một “cơn sốt” khắp nơi vào thời điểm đó lúc bấy giờ.

Mùa Xuân Ơi

"Xuân xuân ơi, xuân đã về/ Kính chúc muôn người với bao điều mong ước/ Trong hương Xuân ta vẫy chào/ Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui..."

"Nhạc sĩ của mùa xuân" Nguyễn Ngọc Thiện đã viết nên ca khúc mùa xuân nổi tiếng nhất của ông vào năm 1995. Nội dung ca khúc chuyển tải một không khí ấm cúng:

Người mẹ già ra trước sân chờ mong tin con trở về vì truyền thống của người Việt Nam là đi đâu xa cũng phải về đoàn tụ gia đình trong những ngày xuân. 

Ngày Xuân Long Phụng Sum Vầy

"Mừng tết đến và lộc đến nhà nhà/ Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi/ Chúc cụ già được sống lâu sống thọ, cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang..."

Ngày Xuân Long Phụng Sum Vầy là ca khúc đã trở nên quen thuộc trong playlist của mỗi người vào dịp xuân về.

Lời bài hát giản dị nhưng không kém phần rộn ràng, vui tươi, khắc họa rõ nét hình ảnh ngày tết quê hương cùng những hình ảnh truyền thống lâu năm của người Việt như cánh mai, cành đào, bếp hồng, nồi bánh chưng xanh...

Lắng Nghe Mùa Xuân Về 

"Kìa tiếng chim rộn hót xa vời/ Cánh hoa đào bỗng như cười, báo tin mùa xuân về..."

Ra đời từ năm 1998 với sự thể hiện lần đầu tiên của diva Mỹ Linh, Lắng Nghe Mùa Xuân vô cùng thích hợp để thưởng thức vào những phút giây giao thừa thiêng liêng, vì đó là lúc nội tâm lắng đọng để cảm nhận hương xuân đang tràn về, lướt qua từng giọt mưa, mầm non, nụ hoa... và lòng người chan chứa niềm tin, hạnh phúc bên gia đình, bạn bè. 

Khúc Giao Mùa

"Bên em bên em anh say trong hạnh phúc/ Đôi môi em anh ngỡ cánh đào/ Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát/ Những giai điệu tình yêu…"

Khúc Giao Mùa - bản ballad được ví như "Happy New Year của Việt Nam" nói lên vẻ đẹp của thời khắc giao thoa đất trời khi chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Trăm hoa đua nở, hồn hoà vào cùng với đất trời, con người tạm quên sự bon chen thường ngày để tận hưởng tình yêu lãng mạn, ngọt ngào trong khoảnh khắc xúc động nhất của một năm.

Thu Hà (t/h)
Theo VIetNamNet