Viết văn là cả một quá trình sáng tạo. Mà đã liên quan đến sáng tạo thì độ ảnh hưởng của môi trường xung quanh là không hề nhỏ.
Chính vì vậy, rất nhiều nhà văn, biên kịch hay các biên tập viên nội dung, sẽ không chịu bó buộc mình trong những văn phòng ngột ngạt, mà lựa chọn những nơi làm việc mới mẻ hơn một chút, tràn đầy cảm hứng hơn một chút, như quán cafe chẳng hạn.
Tuy nhiên, các quán cafe thường được thiết kế với ưu tiên hàng đầu là giúp khách hàng thư giãn, nghỉ ngơi và trò chuyện. Chính những yếu tố này có thể sẽ khiến dân viết lách mất tập trung và khó có thể làm việc hiệu quả, đặc biệt là trong những giai đoạn cuống cuồng chạy deadline.
Đó có lẽ là lý do vì sao quán Manuscript Writing Cafe ra đời - nơi chuyên dành cho các biên kịch, nhà văn một cách đúng nghĩa.
Quán Manuscript Writing Cafe tại Nhật Bản, nơi chuyên dành cho những người làm công việc viết lách, đặc biệt là những ai đang bị "deadline dí".
Nằm tại khu phố Koenji của Tokyo, Manuscript Writing Cafe chỉ mở cửa tiếp đón những người hành nghề văn chương. Trước khi vào quán, khách hàng sẽ phải thông báo cho nhân viên về công việc cũng như loại hình viết lách mà họ đang thực hiện.
Tiểu thuyết, báo chí và kịch bản là những đáp án phổ biến được chấp nhận ở quán cafe này, bên cạnh những loại hình "thoáng" hơn như biên dịch, biên tập, hiệu đính, lập kế hoạch dự án và thậm chí cả đặt tên cho truyện tranh.
Ngoài ra, khách cũng phải "báo cáo" về mục tiêu trong ngày của mình, ví dụ như số lượng chữ sẽ viết, số trang bản thảo sẽ dịch, số tài liệu sẽ chỉnh sửa,...
Chỉ khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục này, khách mới có thể tìm chỗ ngồi, được trang bị đầy đủ ổ điện, bộ sạc nhanh, đế làm mát (cho máy tính), Wi-Fi để có thể yên tâm làm việc.
Nhân viên của quán sẽ kiểm tra tiến độ công việc của khách sau mỗi giờ. Ngoài ra, khách cũng có thể yêu cầu nhân viên góp ý nhẹ nhàng hoặc "quát tháo" nặng lời một chút để thúc đẩy bản thân mình hoàn thành deadline.
Khách đến quán sẽ phải báo cáo loại hình và mục tiêu công việc trong ngày
Trên Twitter, Takuya Kawai, chủ sở hữu của Manuscript Writing Cafe cho biết: "Chúng tôi chỉ tiếp đón những ai đang phải chạy deadline. Cảm ơn mọi người đã thông cảm và hợp tác trong việc duy trì bầu không khí căng thẳng của quán chúng tôi".
Thực đơn tại Manuscript Writing Cafe cũng rất đơn giản, nếu không muốn nói là quá tối giản, bởi chỉ có đúng 2 món duy nhất: Cafe Drip và nước lọc. Tuy nhiên, khách sẽ không cần phải gọi đồ lẻ.
Thay vào đó, họ phải trả 1,2 USD (khoảng 27.000 đồng) cho mỗi 30 phút tại đây và có thể uống thỏa thích. Ngoài ra, khách cũng có thể tự mang đồ uống của mình đến quán nếu họ không thích cafe.
Khách đến đây làm việc sẽ được trang bị đầy đủ tiện nghi cần thiết.
Nói đến vấn đề thời gian, ở những quán cafe khác, bạn có thể tự do ra về bất cứ khi nào bạn muốn, kể cả khi mới ngồi nhâm nhi ly nước được vài phút. Nhưng ở Manuscript Writing Cafe, khách chỉ được phép rời quán khi hoàn thành mục tiêu đề ra của mình, hoặc cho đến giờ đóng cửa.
Vì vậy, ai cũng phải cân nhắc và đặt ra mục tiêu phù hợp với sức của mình trước khi quyết định đến đây làm việc. Tuy nhiên, họ vẫn được phép sang cửa hàng tiện lợi bên đường để mua đồ ăn, hoặc gọi thức ăn đến quán phòng khi đói bụng.
Manuscript Writing Cafe thường mở cửa từ 1 giờ chiều đến 7 giờ tối, nhưng không phải ngày nào họ cũng hoạt động. Khách hàng nếu muốn chạy deadline tại đây sẽ phải lên website của quán để kiểm tra lịch mở cửa trong tuần.
Theo Pháp Luật Và Bạn Đọc