Tối 2/11, Huỳnh Anh, bạn gái cũ của cầu thủ Nguyễn Quang Hải, bị tố là người thứ 3 chen ngang vào mối quan hệ tình cảm của người khác. Không chỉ vậy, dân mạng còn cho rằng cô gái này đã "bắt cá hai tay" khi qua lại với chàng trai khác trong thời gian yêu tiền vệ CLB Hà Nội.
Dù đã chia sẻ bài đăng thanh minh mình "không lừa dối ai cả", Huỳnh Anh vẫn nhận vô số bình luận chỉ trích. Trên trang cá nhân của cô nàng tràn ngập các bình luận mỉa mai, miệt thị với lời lẽ khá nặng nề.
Cùng lúc này, cầu thủ Quang Hải, dù được xem là người bị phản bội trong trường hợp này, cũng không được nhiều người cảm thông. Anh chàng thậm chí bị đào lại những tin đồn tình ái không hay trước đó.
Huỳnh Anh bị tố qua lại với chàng trai khác trong thời gian yêu Quang Hải.
Phản bội, người thứ ba là những khái niệm ra đời song song với tình yêu, hôn nhân. Tuy nhiên, hành vi này cho đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Ở đâu cũng vậy, cứ nhắc đến ngoại tình, người ta sẽ tự động có cái nhìn từ trách móc, khinh bỉ cho đến cay nghiệt.
Vì quá sợ hãi hậu quả nên chúng ta có xu hướng lờ đi nguyên nhân. Thế nhưng, để nhìn nhận thấu đáo bất kỳ vấn đề gì, bao gồm cả ngoại tình, điều quan trọng là phải đào sâu gốc rễ, nguyên do của nó.
Hai kiểu người ngoại tình
Andrea, sinh viên mới tốt nghiệp 24 tuổi ở Austin (Mỹ), đã “cắm sừng” bạn trai hơn một năm nay. Tình yêu từ thời sinh viên của cô là một thảm họa nhưng Andrea không muốn từ bỏ nó. Thay vào đó, cô tìm cách bù đắp bằng những mối quan hệ “ngoài luồng”.
“Tôi thích cảm giác được nhiều người khao khát. Bạn trai không bao giờ khen tôi nhưng là người thích một mối quan hệ nghiêm túc, trong khi anh chàng tôi ngoại tình là gã lông bông, không thích ràng buộc nhưng lại liên tục nói rằng tôi tuyệt vời và xinh đẹp”.
Cuối cùng, Andrea cố gắng kết hợp cả hai thành một mối quan hệ lý tưởng.
Còn với Daniel, một luật sư 29 tuổi, mới kết hôn ở Dallas, ngoại tình đã trở thành “cách sống” của anh. Người này thừa nhận anh đã lừa dối tất cả những cô gái mà anh từng hẹn hò.
Mỗi người ngoại tình có những lý do khác nhau: trả thù, hôn nhân không hạnh phúc, bất mãn bạn đời...
Vợ Daniel có thể không biết nhưng anh chàng đã qua lại với một cô gái khác khi hai người mới yêu được vài tháng.
“Tôi không biết tại sao tôi làm điều đó nhưng tôi luôn muốn làm như vậy. Ngoại tình thậm chí khiến mối quan hệ chính của tôi trở nên thú vị hơn”.
Theo Dave Carder, tác giả của cuốn sách Torn Asunder Workbook: Recovery From a Extramarital Affair, Andrea và Daniel là đại diện của hai kiểu ngoại tình riêng biệt: những “kẻ săn mồi” luôn tìm kiếm cơ hội để lừa dối và những người không chủ động ngoại tình nhưng bị cuốn vào mối quan hệ không chính đáng do các vấn đề trục trặc trong hôn nhân.
“Hai nhóm người này rất khác nhau và nhóm thứ hai phổ biến, điển hình hơn nhóm một. Họ có thể mang theo rất nhiều sự xấu hổ, hối hận, tội lỗi và cả tổn thương đằng sau câu chuyện lén lút của mình”, ông Carder nói.
Tội lỗi của kẻ trót “ăn vụng”
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hôn nhân và Gia đình Mỹ, 74% đàn ông được khảo sát nói họ sẽ ngoại tình nếu biết chắc mình không bị lộ. Số phụ nữ nói có với ngoại tình cũng lên tới 68% với điều kiện tương tự.
57% đàn ông và 54% phụ nữ được khảo sát thừa nhận họ đã ngoại tình ít nhất một lần trong đời.
Còn trong một nghiên cứu được công bố trên Psychology Today, 90% người được hỏi tin rằng phản bội là điều không thể chấp nhận. Song, chỉ 30% cam kết có thể chung thủy đến suốt đời.
Người bị phản bội luôn được cảm thông nhiều hơn.
Trong diễn ngôn đương đại, các vụ ngoại tình thường được xem xét chủ yếu dựa trên thiệt hại mà nó gây ra. Không chung thủy có liên quan đến những hậu quả bất lợi như trầm cảm, bạo lực gia đình, ly hôn, thậm chí giết người.
Chính vì vậy, người ta thường quan tâm đến nỗi đau của người bị phản bội, thông cảm cho kẻ bị bỏ rơi nhiều hơn. Cú sốc, sự hỗn loạn cảm xúc khi phát hiện người mình yêu ngoại tình mãnh liệt đến nỗi nhiều nhà tâm lý học phải dùng các thuật ngữ “sang chấn tâm lý” với đủ các sắc thái: hốt hoảng, nổi giận, suy nhược, dằn vặt, tê liệt.
Ngược lại, người ngoại tình bị coi như tội đồ và không có khả năng thay đổi như câu nói “once a cheater, always a cheater” (tạm dịch: một khi đã là kẻ lừa dối thì mãi mãi sẽ là kẻ lừa dối).
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, để lý giải việc người ta ngoại tình, cần phải xem xét câu chuyện trên mọi phương diện và không nên bỏ qua điều hệ trọng là ý nghĩa, nguyên cớ của nó.
Trong trường hợp của Andrea, việc lừa dối người yêu luôn khiến cô day dứt nhiều hơn bản thân nghĩ. “Tôi nghĩ mình đã phạm sai lầm khủng khiếp. Nhiều đêm tôi mất ngủ và cứ nhìn chằm chằm trần nhà rồi tự vấn bản thân. Tôi ước mình có thể thay đổi quá khứ”.
Hiện tại, Andrea đã cắt đứt mối quan hệ lén lút kia nhưng điều đó cũng không giúp cô bớt cảm thấy áy náy. “Bạn trai tôi vẫn không biết gì và tôi cũng không dám thú nhận với anh ấy. Có lẽ bóng đen tội lỗi sẽ đeo bám tôi mãi mãi”.
Tiếp tục lén lút hay trở về?
Nhà trị liệu hôn nhân Carin Goldstein ở Los Angeles đã từng chứng kiến nhiều người cố gắng ly hôn bằng cách ngoại tình và cũng có những người từ bỏ việc “ăn vụng” để cố gắng giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ của họ.
Bà Goldstein nói với The Huffington Post rằng có một cách tương đối đơn giản để biết liệu một người từng ngoại tình có tiếp tục vụng trộm trong tương lai hay không.
“Nếu kẻ phản bội có thể chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra, thường là sau nhiều liệu pháp cá nhân, họ có xu hướng chung thủy. Hơn thế nữa, họ cần phải thừa nhận điều gì đã gây ra sự đổ vỡ trong mối quan hệ của họ và hiểu những yếu tố nào đã thúc đẩy họ lừa dối”, nhà trị liệu nói.
Ngược lại, nếu một người không chung thủy luôn đổ lỗi cho bạn đời hoặc cám dỗ bên ngoài, cuối cùng họ sẽ tiếp tục ngoại tình.
“Những người đó thường nói rằng: ‘Chồng tôi không quan tâm tôi nên tôi ngoại tình’ hoặc ‘Tôi không có ý định lén lút với đồng nghiệp nhưng cô ta quyến rũ tôi’…”, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Sheri Meyers nói.
Nếu một người không chung thủy luôn đổ lỗi cho bạn đời hoặc cám dỗ bên ngoài, cuối cùng họ sẽ tiếp tục ngoại tình.
Còn theo nhà trị liệu hôn nhân Caroline Madden, nhiều người ngoại tình có thể thay đổi sau khi chứng kiến nỗi đau và sự tổn thương mà họ gây ra cho nửa kia.
“Phần lớn những người không chung thủy mà tôi gặp thường không nhận ra chồng hoặc vợ của họ sẽ bị hủy hoại như thế nào. Họ nghĩ rằng bạn đời sẽ chỉ tức giận. Một khi nhìn thấy những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người thân yêu, họ không muốn lừa dối một lần nào nữa”, Madden cho biết.
Trong một bài viết tư vấn cho những người ngoại tình đang ngập ngừng không biết nên tiếp tục mối quan hệ bí mật hay trở về với gia đình, Robert Weiss - tiến sĩ xã hội học, chuyên gia tư vấn hôn nhân - đưa lời khuyên: Thành thật với bản thân là điều quan trọng nhất.
“Hãy trả lời những câu hỏi sau: Bạn còn muốn dành thời gian riêng tư cho bạn đời không? Bạn có tin tưởng bạn đời của mình không? Bạn có tôn trọng vợ/chồng không? Các bạn vẫn quan tâm đến nhau chứ? Nếu đa phần câu trả lời là có, hãy trở về với gia đình.
Còn nếu ngược lại, hãy thành thật với vợ/chồng của bạn trước khi kết thúc. Bất kỳ sự hàn gắn hay xây dựng mối quan hệ nào cũng nên bắt đầu từ sự trung thực”, ông Weiss nói.
Theo Zing