Những người muốn kết thúc cuộc hôn nhân của mình có thể yêu cầu tòa án hủy hôn hoặc tuyên bố rằng đám cưới không hợp lệ ngay từ đầu, nhưng chính phủ có thể kháng cáo những quyết định đó, theo CNA .

Quy trình pháp lý chậm và tốn kém - các trường hợp có thể tiêu tốn hơn 10.000 USD - nhưng không có gì đảm bảo thành công. Một số người tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp nhanh hơn đã rơi vào các vụ lừa đảo trực tuyến.

Hôn nhân không thể hàn gắn

Phía phản đối mạnh mẽ nhất việc ly hôn ở Philippines là Giáo hội Công giáo, vốn cũng chống lại việc phá thai và các biện pháp tránh thai.

Theo dữ liệu điều tra dân số chính thức, khoảng 78% trong số 110 triệu dân của đất nước là người Công giáo.

Tuy nhiên, Quốc hội đã giành được chiến thắng quan trọng trong những năm gần đây.

Một luật kiểm soát sinh sản gây tranh cãi đã được thông qua vào năm 2012, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Giáo hội.

Vào năm 2018, Hạ viện đã thông qua dự luật ly hôn mà sau đó đã bị đình trệ tại Thượng viện. Đây là lần đầu tiên một đề xuất như trên có thể đi xa đến vậy.

Quốc gia duy nhất cấm vợ chồng ly hôn-1
Quá trình kết thúc hôn nhân của các cặp vợ chồng Philippines thường kéo dài và tốn kém.

Các cuộc khảo sát do công ty thăm dò ý kiến Social Weather Stations thực hiện cho thấy thái độ của người Philippines đối với ly hôn đã thay đổi.

Năm 2005, 43% người Philippines ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn "đối với các cặp vợ chồng ly thân không thể hòa giải", trong khi 45% không đồng ý.

Cuộc khảo sát tương tự vào năm 2017 cho thấy 53% ủng hộ, trong khi chỉ có 32% không đồng ý.

Một nhóm các nhà lập pháp đang nỗ lực hợp pháp hóa việc ly hôn, với một số dự luật được đệ trình lên Hạ viện và Thượng viện.

Edcel Lagman, nghị sĩ và là tác giả của một trong các dự luật, nói: "Chúng tôi không phá hủy bất kỳ cuộc hôn nhân nào".

Lagman cho biết ly hôn là dành cho "những cuộc hôn nhân đổ vỡ không thể hàn gắn" và việc hợp pháp hóa nó sẽ giúp phụ nữ và con cái của họ thoát khỏi "những người chồng bạo hành".

Luật pháp sẽ không cho phép "ly hôn nóng vội", ông nói thêm.

Trước khi đắc cử, Tổng thống Ferdinand Marcos cho biết nước này nên xem xét cho phép ly hôn, nhưng khẳng định điều đó không dễ dàng.

Lừa đảo

Đối với những người khá giả, việc thoát khỏi một cuộc hôn nhân tồi tệ ở Philippines là tốn kém nhưng vẫn khả thi. Còn với dân nghèo và dễ bị tổn thương nhất của quốc gia thì điều đó gần như là không thể.

Quá trình để kết thúc một cuộc hôn nhân có thể mất từ một đến 10 năm và tiêu tốn ít nhất 4.800 USD. Điều này đã làm nảy sinh những vụ lừa đảo trực tuyến.

Nhiều bài đăng trên Facebook lan truyền thông tin sai lệch về quy trình pháp lý nhằm thu hút khách hàng.

Một nạn nhân nói rằng cô đã bị dịch vụ hủy hôn giả mạo lừa 2.400 USD.

"Việc hủy hôn mất quá nhiều thời gian, quá tốn kém và không được đảm bảo, vì vậy tôi đang tìm một cách thuận tiện hơn".

Quốc gia duy nhất cấm vợ chồng ly hôn-2
Các vụ lừa đảo trực tuyến hỗ trợ làm thủ tục ly hôn phổ biến tại Philippines.

Chuyên gia luật gia đình Katrina Legarda cho biết số lượng người rơi vào các dịch vụ không có thật cho thấy "nhu cầu cấp thiết" đối với luật mới.

Với Melody Alan, người đã phải chịu đựng người chồng nghiện rượu, không chung thủy, bạo hành trong 14 năm, dự luật mới có thể là sự giải thoát.

"Anh ta bóp cổ tôi, đẩy tôi vào tường. Tôi đã khóc và la hét. Tôi không thể thở được", cô kể.

Alan cho biết chồng cô chỉ đồng ý hủy hôn nếu cô chấp nhận trả một số tiền rất lớn, con số mà "không đời nào" cô kham nổi khi phải nuôi 4 đứa con.

Năm 2010, Alan ly thân chồng, người hiện có hai con với một người phụ nữ khác, nhưng họ vẫn là vợ chồng hợp pháp.

"Tôi sẽ đệ đơn ly hôn để được tự do, để có thể bắt đầu lại cuộc đời", cô nói.

Theo Sức Khỏe Đời Sống