Muốn có một sức khỏe tốt thì ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh, khâu ăn uống cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Người xưa có câu: “Họa từ miệng mà ra - Bệnh từ miệng mà vào” cũng chính là để ám chỉ tầm quan trọng của việc ăn uống tới sức khỏe mỗi người.
Bác sĩ Li Huiming, giáo sư dinh dưỡng tại Bệnh viện Tương Nhã thuộc Đại học Trung Nam đã gợi ý quy tắc 5 ít – 5 nhiều cần ghi nhớ để có thể sống khỏe mạnh trọn đời.
1. Nhiều nước – ít dầu
Thời tiết mùa hè nắng nóng khiến cơ thể sẽ dễ dàng mất độ ẩm hơn vì thế cần chú ý bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng mất nước và gặp các triệu chứng đau đầu, táo bón do thiếu nước. Mỗi sáng uống nước ấm pha chút mật ong cũng sẽ giúp làm sạch ruột và giải độc.
Bạn cũng nên hạn chế ăn các đồ chiên nhiều dầu mỡ bởi có thể làm tăng nguy cơ béo phì, mà béo phì là một trong những yếu tố làm tăng khả năng mắc các bệnh như đái tháo đường, ung thư, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp.
2. Nhiều rau - ít trái cây
Rau giàu vitamin, chất xơ và các khoáng chất tốt cho hệ đường ruột và mạch máu. Hơn nữa rau có thể giúp gan chuyển hóa protein, carbonhydrate và chất béo nhanh hơn. Nếu không có rau sự trao đổi chất sẽ giảm.
Trái cây cũng là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng nên hạn chế. Ăn ít trái cây không có nghĩa là bạn không ăn hoặc cho rằng trái cây có hại, mà quan trọng chúng ta cần phải ăn trái cây với lượng vừa phải. Bởi nhiều người do thời tiết nắng nóng nên bắt đầu có thói quen ăn các loại hoa quả chua để làm dịu cơn khát. Tuy nhiên những loại quả chua có chứa nhiều axit hơn có thể làm tổn thương lá lách và dạ dày.
3. Nhiều sữa – ít thịt
Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa cung cấp một số loại chất béo có lợi như CLA (được tìm thấy nhiều ở các loại sữa bò ăn cỏ) giúp chống xơ vữa động mạch. Không những thế, sữa còn là một nguồn cung cấp dưỡng chất và vitamin tuyệt vời đem lại một số lợi ích sức khỏe, giúp xương và răng chắc khỏe.
Trong khi đó, thịt tuy là món ăn quen thuộc nhưng có hàm lượng cholesterol cao, ăn quá nhiều có thể gây tăng cân và khiến bạn rơi vào mức “tam cao” (huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao). Vì thế nên hạn chế ăn quá nhiều thịt.
4. Ăn nhiều loại thực phẩm màu khác nhau
Nên chú ý ăn các loại thực phẩm thuộc nhiều màu sắc khác nhau thay vì chỉ ăn các thực phẩm trong cùng một loại màu.
Theo lý luận của y học cổ truyền, nếu cơ thể chúng ta có ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy) thì thực phẩm cũng tương ứng theo với ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn) và ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Vì vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người mỗi ngày nên có tối thiểu 3 loại màu trong thực đơn của mình, nếu có thể ăn đủ 5 thì rất tốt.
5. Ăn ít - nhai nhiều
Chúng ta ăn có no hay không không phụ thuộc vào lượng thức ăn hấp thụ mà ở chính cách ăn. Mọi người nên ăn ít và chia thành nhiều bữa trong ngày để cơ thể không bị rơi vào tình trạng quá đói hay quá no gây hại cho dạ dày.
Khi ăn cần ăn chậm, nhai kĩ, vừa thưởng thức món ăn, vừa để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ từ. Đặc biệt không được vừa ăn vừa làm nhiều việc khác để não bộ chỉ tập trung vào việc tiêu hoá thức ăn, gia tăng hiệu quả hấp thụ.
Theo Khám Phá