Ngày 13/2, Cung điện Buckingham xác nhận Hoàng hậu Camilla sẽ đội vương miện của Hoàng hậu Marry, vợ Vua George V (trị vì 1910–1936), trong lễ đăng cơ của Vua Charles III vào tháng 5.

Quyết định bỏ qua viên kim cương 105 carat của Hoàng hậu Camilla-1
Hoàng hậu Camilla đội vương miện của Hoàng hậu Marry trong lễ đăng quang vào tháng 5.

Theo Daily Mail, vương miện từng được Hoàng hậu Marry đội trong lễ đăng cơ của chồng vào năm 1911. Đây là lần đầu tiên kể từ thế kỷ 18, món trang sức được tái sử dụng trong sự kiện lên ngôi tại Hoàng gia Anh.

Theo thông lệ, trong khi vương miện của nhà vua là bảo vật cha truyền, con nối, còn các hoàng hậu sẽ đội vương miện mới cho lễ đăng quang. Bà Camilla thay đổi quy tắc lâu đời bằng việc dùng lại đồ của Hoàng hậu Marry. Tuy vậy, món trang sức vẫn đảm bảo tính độc nhất khi được chế tác lại để có thêm một số viên đá quý yêu thích của cố Nữ hoàng Elizabeth II. Điểm đáng chú ý, vị quốc mẫu 76 tuổi bỏ viên kim cương 105 carat Koh-i-Noor nổi tiếng, có biệt danh là “Núi ánh sáng”, thường được phụ nữ đứng đầu Hoàng gia Anh sử dụng kể từ khi nó được tặng cho Nữ hoàng Victoria năm 1850.

Năm 1911, Koh-i-Noor được gắn ở phía trước vương miện của Hoàng hậu Marry. Hoàng thái hậu Elizabeth là người cuối cùng mang viên kim cương đắt giá này tại lễ đăng cơ của con gái bà năm 1953. Trước đó, nó được tháo ra khỏi vương miện của Hoàng hậu Marry để gắn vào vương miện của Hoàng thái hậu Elizabeth để đội trong lễ đăng cơ của chồng, Vua George VI, năm 1937. Hiện tại, vương miện và Koh-i-Noor đang được bảo quản trong Ngôi nhà trang sức tại Tháp London.

Quyết định bỏ qua viên kim cương 105 carat của Hoàng hậu Camilla-2
Vương miện của Hoàng hậu Marry (trái) và viên kim cương Koh-i-Noor gắn trên vương miện của Hoàng thái hậu Elizabeth (phải).

Hiện, vương miện của Hoàng hậu Marry đã được đưa ra khỏi Ngôi nhà trang sức đến địa điểm bí mật. Tại đây, nó được thợ kim hoàn của Mappin & Webb (công ty trang sức quốc tế có trụ sở tại Anh) định hình lại để phù hợp với phong cách cá nhân của Hoàng hậu Camilla. Họ được yêu cầu bỏ 4 trong số 8 cạnh vòm có thể tháo rời được của khung bạch kim, đồng thời chèn 3 viên đá quý mà Nữ hoàng quá cố yêu thích. Tất cả đều được cắt từ Cullinan – viên kim cương lớn nhất từng được tìm thấy. Tên gọi lần lượt của chúng là kim cương Cullinan III hình quả lê, kim cương Cullinan IV hình cushion và kim cương Cullinan V hình trái tim.

Người phát ngôn của Hoàng gia Anh cho biết quyết định sử dụng vương miện 112 tuổi là lựa chọn cá nhân của Hoàng hậu Camilla vì lợi ích mang tính bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc gắn thêm đá quý để tỏ lòng kính trọng Nữ hoàng Elizabeth II

Quyết định bỏ qua viên kim cương 105 carat của Hoàng hậu Camilla-3
Viên kim cương Cullinan V vốn được cố Nữ hoàng Elizabeth dùng làm cài áo. 

Nigel Fletcher, giảng viên về chính trị và lịch sử đương đại tại Đại học King's College London (Anh), ca ngợi đó là giải pháp thông minh cho vấn đề của Koh-i-Noor và tránh được những tranh cãi xung quanh viên đá quý.

“Mặc dù Hoàng hậu Marry và Hoàng thái hậu Elizabeth từng mang nó trong lễ đăng cơ, xét đến bối cảnh hiện tại, nó có vẻ đặc biệt thiếu tế nhị và có thể gây ra rủi ro ngoại giao. Ấn Độ, Pakistan, Iran và Afghanistan đều tuyên bố quyền sở hữu trong những năm qua”, ông Fletcher nói.

Trên Twitter, nhà sử học Priya Atwal viết: “Có vẻ như đó là sự thay đổi lớn khi Koh-i-Noor sẽ không được sử dụng trong lễ đăng cơ. Điều quan trọng là Hoàng gia Anh ý thức rõ ràng về các cuộc tranh luận liên quan đến lịch sử thuộc địa để quyết định bỏ viên đá quý ra khỏi buổi lễ”.

Chưa có thông tin chính xác về nguồn gốc của Koh-i-Noor. Tuy nhiên, nó được xem như chiến lợi phẩm qua tay đế chế này sang đế chế khác trong nhiều thế kỷ, bao gồm Ba Tư, Mughal, Afghanistan và Sikh. Sau khi Duleep Singh, vị vua trẻ của Đế quốc Sikh, bị thất bại dưới tay người Anh, ông bị buộc phải giao viên kim cương cho Công ty Đông Ấn (Anh) như một phần của Hiệp ước Lahore năm 1849. chuyến đi đầy sóng gió đến Anh, nó được tặng cho Nữ hoàng Victoria. Dù bị choáng ngợp bởi viên kim cương, Hoàng tế Albert cho rằng nó chưa đủ sáng và đối xứng. Ông quyết định cho người mài giũa từ bản gốc nặng 191 carat xuống trọng lượng như hiện tại.

Vì lịch sử lâu đời, Koh-i-Noor trở thành món đồ tranh chấp của nhiều quốc gia. Ấn Độ, Pakistan, Iran và Afghanistan đều cho rằng đó là tài sản của họ và yêu cầu hoàn trả.

Quyết định bỏ qua viên kim cương 105 carat của Hoàng hậu Camilla-4
Vương miện chứa Koh-i-Noor được đặt trên linh cữu của Hoàng thái hậu Elizabeth tại tang lễ năm 2002. 

Theo Tiền phong