Ngày 4/5, BS.CK1 Liêu Thị Trúc Thanh, khoa Thận - Nội tiết, BV Lê Văn Thịnh cho biết vừa cứu sống được nam thanh niên Nguyễn Thành B. (29 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) sau khi uống cùng lúc 80 viên thuốc ngủ tự tử.
Theo bác sĩ Thanh, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, không có phản xạ, đồng tử giãn, SpO2 tụt, huyết áp giảm… Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch.
Uống cùng lúc 80 viên thuốc ngủ, phải nhờ đến việc lọc máu liên tục nhiều ngày, anh B. mới may mắn thoát chết
Qua khai thác thông tin, gia đình bệnh nhân cho biết B. đã uống thuốc ngủ khoảng hơn 2 giờ. Trong 1 tiếng đầu, vì quá kích động, B. không cho bố mẹ đến gần, đến khi B. ngấm thuốc, rơi vào trạng thái hôn mê thì gia đình mới đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tư vấn gia đình cần phải tiến hành lọc máu hấp thụ cứu B., chi phí mỗi lần lọc khoảng 10 triệu đồng. Vì trong người chỉ có 5 triệu, bảo hiểm y tế hết hạn, lại sợ nguy hiểm khi phải lọc máu nên bố mẹ B. quyết định để con tạm thời điều trị vô nước biển.
Được sự động viên từ phía y bác sĩ, sau khi cân nhắc, bố mẹ B. đồng ý để con lọc máu, gắng hết sức lo chi phí để điều trị cho B.
"Sau 2 ngày lọc máu đầu tiên, bệnh nhân có phản ứng tay chân nhưng đến tối lại rơi vào hôn mê. Đến ngày thứ 3, việc lọc máu thuận lợi hơn, may mắn đến ngày thứ 4, bệnh nhân tỉnh táo, dần cai máy thở", BS.CK1 Liêu Thị Trúc Thanh nói.
BS. Thanh thăm khám, điều trị và động viên anh B. mỗi ngày
Đứng một góc cạnh giường bệnh, chú Nguyễn Văn Nghĩa (59 tuổi) rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy đứa con trai duy nhất của 2 vợ chồng tiều tụy sau nhiều ngày nằm viện. Dù tinh thần đã khá hơn rất nhiều nhưng tâm lý của anh B. vẫn còn bất ổn, nghĩ đến những chuyện không hay vừa xảy ra.
Theo chú Nghĩa, anh B. từ nhỏ học rất giỏi, tuy nhiên đã có dấu hiệu trầm cảm từ năm học cấp 2 khi ít giao tiếp, nói chuyện với người khác.
Sau khi học xong đại học, anh B. tiếp tục học văn bằng 2 và rèn luyện khả năng Tiếng Anh. Mặc dù có kỹ năng, trình độ tốt nhưng khi đi xin việc làm, tất cả các công ty đều từ chối khiến anh B. thêm phần suy sụp, ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
"Nó đi xin việc rất nhiều nhưng không ai nhận cả, kiểu như nó không tiếp xúc được, người ta vô nói chuyện nó cứ ngớ ngớ ra nên họ không nhận. Ra trường xong nó không đi làm, ban đầu cũng đi chữa bệnh cho nó nhưng thời gian sau dịch bệnh, nó kêu nó hết bệnh rồi, không chịu đi khám nữa.
Nó tự tử 2 lần rồi, lần đầu nó buồn quá nó rạch tay mà không chết… Nó nói nó không còn cơ hội để đi làm, cứ nghĩ quẩn rồi lại tìm đến cái chết", chú Nghĩa nghẹn ngào.
Chú Nghĩa rưng rưng nước mắt khi nhắc đến đứa con trai duy nhất
Theo chú Nghĩa, vì hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, sau khi đi vay mượn, đóng tạm viện phí cho con, gia đình vẫn còn nợ viện phí một số tiền lớn, trong khi anh B. vẫn phải tiếp tục nằm lại bệnh viện để điều trị.
"Làm bố mẹ ai lại không thương con, ban đầu chi phí cao quá nhưng tính mạng con mình quan trọng hơn, chú chỉ mong cứu được nó thôi. Nó là đứa con duy nhất của 2 vợ chồng", chú Nghĩa tâm sự.
Nằm trên giường bệnh, anh B. cho biết sau 1 tuần điều trị, sức khỏe của anh đã tốt hơn, anh cũng không còn nghĩ đến chuyện tự tử nữa.
"Trước giờ mình cứ nghĩ không làm được gì, mình buồn rồi tự tử. Giờ mình không nghĩ đến tới cái chết nữa, hết bệnh rồi sẽ đi chạy xe, phụ giúp bố mẹ công việc", anh B. chia sẻ.
Sau khi được các bác sĩ điều trị, anh B. đã thoải mái hơn, không còn nghĩ đến cái chết nữa...
Theo Phòng Công tác xã hội, BV Lê Văn Thịnh cho biết hoàn cảnh của anh B. vô cùng khó khăn, bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị đã hơn 50 triệu đồng.
Mặc dù gia đình bệnh nhân không có đủ tiền để đóng tạm ứng nhưng bệnh viện vẫn tạo mọi điều kiện, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân, chi phí tính sau.
Theo Trí Thức Trẻ