Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam - cho biết cây hẹ trồng lấy lá làm rau ăn và làm gia vị. Hoa cũng ăn được. Lá, thân và hạt đều dùng làm thuốc.

Trong 1 kg lá hẹ có 5-10g đạm, 5-30g đường, 20mg vitamin A, 89g vitamin C, 263mg canxi, 212mg phốt pho, nhiều chất xơ. Nếu ăn 86g hẹ sẽ thu được 1,9g protid, 5,1g glucid và 25 calo năng lượng.

Chất xơ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin là kháng sinh mạnh chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.

Cây hẹ cho nhiều kháng sinh quý đặc biệt với các bệnh về hô hấp và đường ruột của trẻ em. Chỉ cần một nắm lá hẹ tươi rửa sạch, thái nhỏ trộn với một ít đường phèn hấp trong nồi cơm sôi vừa cạn hoặc chưng cách thủy, để nguội có thể dịu ngay cơn ho, cảm, sốt ở trẻ.

Trong Đông y, hẹ vị cay, hơi chua, tính ấm, hạt ngọt, tác dụng thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hòa tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh.

Rau hẹ chữa được bệnh gì?-1
Cây hẹ chữa được nhiều bệnh.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, trong y học cổ truyền hẹ còn được dùng để bảo vệ dạ dày. Người viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh có thể dùng lá hẹ 250g, gừng tươi 25g. Tất cả giã nát, lọc lấy nước đổ vào nồi cùng với 250 g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, uống nóng.

Theo bác sĩ Vũ, người mắc trĩ bị sưng đau dùng lá hẹ xông hậu môn giúp giảm đau. Trường hợp trĩ sa ra ngoài dùng lá hẹ giã nhỏ trộn dấm, đảo nóng có thể dùng 2 miếng vải sô sạch gói hẹ để chườm và chấm hậu môn.

Hẹ còn được mệnh danh là cây bổ thận tráng dương và được dùng điều trị chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm. Không chỉ tốt cho nam giới mà hẹ còn tốt cho nữ giới. Phụ nữ bị đau lưng, gối, tiểu nhiều, bị khí hư, lãnh cảm nên dùng hẹ nấu ăn giúp giảm triệu chứng.

Rau hẹ chữa được bệnh gì?-2
Hẹ có nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ.

Các bài thuốc chủ yếu từ hẹ

Ho khò khè ở trẻ em: Lá hẹ hấp cơm lấy nước cho trẻ uống.

Rôm sẩy: Rễ hẹ 60g sắc nước uống.

Cảm mạo, ho do lạnh: Hẹ 250 g, gừng tươi 25 g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.

Táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5 g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần. Để phòng táo bón, hàng sáng khi chưa ăn sáng, uống nước hẹ giã đã lọc bã.

Đái dầm, tiêu chảy lâu ngày ở trẻ em: Nấu cháo rễ hẹ. Rễ hẹ tươi 25 g, gạo 50 g, rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.

Đau răng: Lấy 1 nắm hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.

Đau họng: Lá và củ hẹ giã đắp lên cổ, băng lại, nhai củ cải, lá húng chanh và nuốt nước.

Hen suyễn: Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống.

Ghẻ: Lá hẹ 50 g, rau cần 30 g, giã nát đắp lên chỗ tổn thương. Ngày 2 lần.

Giun kim: Rễ hẹ giã lấy nước cho uống.

Rau hẹ chữa được bệnh gì?-3
 Hẹ kết hợp với tôm có thể giúp tăng cường sức khoẻ nam giới.

Trĩ sưng đau: Một nắm to lá hẹ cho vào nồi đất cùng với nước, dùng lá chuối bịt kín nồi, đun đến khi sôi thì nhấc xuống, chọc một lỗ thủng trên lá chuối cho hơi bay lên để xông trĩ. Khi thấy hết hơi bay lên thì đổ hẹ ra chậu ngâm rửa hậu môn. Còn có cách giã nhuyễn lá hẹ cho vào chậu, rồi ngồi và để trực tiếp trĩ lên lá hẹ.

Viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh: Lá hẹ 250 g, gừng tươi 25 g. Tất cả thái vụn, giã nát, lọc lấy nước đổ vào nồi cùng với 250 g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, uống nóng.

Đái tháo đường: Củ hẹ 150 g, thịt sò 100 g. Nấu chín, nêm gia vị, ăn thường xuyên. Trường hợp ra mồ hôi trộm dùng món này cũng tốt.

Gan nhiễm mỡ ở người béo phì: Hải đới 100 g ngâm nước cho nở, cắt sợi. Lá hẹ 200 g cắt đoạn dài, cùng nhúng nước sau 5 phút vớt ra. Cho tỏi giã nhuyễn, dấm, dầu vừng,tương và một ít đường trộn đều. Ăn hàng ngày và kéo dài trong một tháng.

Bế kinh: Hạt hẹ 10g, hạt dành dành 10 g, sắc nước uống ngày 2 lần. Hoặc lá hẹ 250g giã lấy nước hòa với đường đỏ, đun sôi để uống.

Trị chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm: 0,5kg rau hẹ tươi giã lấy nước, uống ngày 2 lần trong một tuần.

Đau lưng, gối, tiểu tiện nhiều, nữ giới bị khí hư, lãnh cảm: Ăn những món như: cháo hẹ, rau hẹ xào lươn, rau hẹ xào tôm nõn, hẹ xào.....

Chữa đi tiểu nhiều lần: Lá hẹ, cây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử, lượng bằng nhau. Phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6 g. Ngày uống 2 lần với nước ấm. Hoặc lá hẹ 30 g, phúc bồn tử 1,5 g, dây tơ hồng xanh 20 g. Sấy khô tán bột hoàn viên. Dùng mỗi lần 3 g, ngày 3 lần.

Lưu ý: Tác dụng dược lý của hẹ cao nhất là vào mùa xuân, kỵ mật ong và thịt trâu. Những người bị các chứng âm hư hỏa vượng, vị hư có nhiệt không nên dùng hẹ lâu dài.‎ Bên cạnh đó nếu có bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để được hướng dẫn sử dụng hẹ đúng cách.

Theo VTC