Biển là địa điểm mà bất kỳ ai trong số chúng ta cũng yêu thích và sẵn sàng chọn để tận hưởng một kỳ nghỉ xả hơi vào mùa hè. Thế nhưng bên cạnh cái đẹp nên thơ thì trong lòng đại dương bao giờ cũng ẩn nấp những mối nguy khó lường.
Rick kid Tiên Nguyễn từng có trải nghiệm không mấy vui vẻ tương tự khi gặp phải sâu biển ở Vũng Tàu.
Story do Tiên Nguyễn đăng tải vào tháng 5/2020. (Ảnh: Instagram @tiennguyenn)
Cụ thể hồi tháng 5/2020, Tiên Nguyễn có một kỳ nghỉ dưỡng tại vùng biển Vũng Tàu, tuy nhiên dường như kỳ nghỉ này không trọn vẹn với cô nàng vì những con sâu biển, loài sâu thường xuất hiện ở đây cũng như một số vùng biển phía Nam.
Thậm chí, cô còn sợ đến nỗi ghi hình loài động vật này lại, đăng story cảnh báo và quyết tâm sẽ không xuống biển nữa.
Loài sinh vật này thường xuất hiện trên các bãi cát, vùng biển gần bờ. (Ảnh: VTC)
Vậy sâu biển là gì mà lại đáng sợ như vậy? Trên thực tế, đây là một loài sinh vật biển thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 4 tới tháng 5, cũng chính là lúc mà nhiều người bắt đầu đi du lịch.
Chúng có tên gọi khác là rết biển hay chuột biển, sinh sôi nảy nở nhanh và "xâm chiếm" các bãi cát cũng như vùng nước gần bờ nên xác suất gặp phải chúng là không thấp.
Loài sinh vật này thường lẩn trốn trong cát, có màu xanh hoặc xám, đen và có kích thước lên tới 30cm. Bởi vậy, nếu không cẩn thận, bạn có thể giẫm phải chúng khi đi dạo trên bờ biển.
Hãy tránh xa khi thấy cảnh tượng này, đừng nên tò mò đến gần. (Ảnh: Zing)
Chưa nói đến ngoại hình trông như sâu róm thì sự nguy hiểm của sâu biển đến từ lông của chúng. Bất kì ai cũng có thể bị mẩn ngứa, sưng tấy nếu vô tình chạm phải lông của sâu biển vì chúng có chứa chất gây dị ứng.
Lỡ như đang để chân trần đi dạo trên bờ cát mà giẫm phải loài sinh vật này thì đúng là "toang" cả một kỳ nghỉ. Một điều cần chú ý nữa là lượng sâu biển xuất hiện nhiều hay ít còn tùy vào điều kiện tự nhiên của từng năm nhưng thông thường, phải tới tháng 7 thì chúng mới dần biến mất.
Phải đến tháng 7 thì sâu biển mới biến mất. (Ảnh: 24h)
Tuy nhiên, việc sâu biển xuất hiện cũng đồng nghĩa với khu vực biển đó có môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm. Bởi vậy nếu có thấy chúng thì hãy yên tâm về chất lượng vùng biển nơi bạn đang nghỉ dưỡng.
Nếu lỡ chẳng may bị dính lông của chúng, hãy hạn chế gãi để tránh xước da, gây nhiễm trùng. Khi tắm biển cũng nên chú ý rời xa các vùng có khả năng xuất hiện sâu biển, tránh tiếp xúc trực tiếp với chúng.
Ngoài sâu biển ra thì sứa cũng sẽ là loài động vật biển mà chúng ta cần lưu ý tránh khi đi tắm biển. Từ năm 2019, các chuyên gia đã cảnh báo về hiện tượng sứa biển gây ảnh hưởng đến du khách.
Sứa biển thường dùng xúc tu để chích và phóng ra nọc. Người may mắn thì bị nhẹ nhưng nếu không may, các vết thương do sứa gây ra sẽ khó chữa khỏi, thường để lại sẹo rất xấu.
Những vết thương do sứa biển gây ra thường gây ảnh hưởng đến da và để lại sẹo. (Ảnh: Pháp Luật và Bạn Đọc)
Thông thường, sứa sẽ không chủ động lại gần con người nhưng khi bạn bơi, có khả năng sẽ vô tình chạm phải các xúc tu của chúng. Nếu cảm thấy nóng rát, châm chích như bị kim châm, đau nhức, ngứa ngáy hoặc thấy những vết lằn trên da thì có thể bạn đã bị sứa đốt.
Chỉ sau vài giờ, người bị sứa đốt sẽ bắt đầu cảm thấy đau bụng, buồn nôn, nhức đầu. Hãy lưu ý rằng dù chạm phải một con sứa không còn sống thì bạn vẫn có thể bị chúng ảnh hưởng.
Theo Thể thao văn hoá