Trong một lễ cưới có hàng tá truyền thống và nghi lễ luôn được thực hiện như cô dâu mặc đầm trắng, cha cô dâu dắt tay con gái trao cho chú rể, trao nhẫn và ném hoa cưới cho các khách nữ... Có thể nói những nghi thức này có nguồn gốc từ cách đây không chỉ vài thập kỷ mà đã hàng thế kỷ rồi và chúng đều chỉ là những nghi thức vô hại, không có nguồn cơn gì sâu xa ngoại trừ việc tạo thêm điểm nhấn và ý nghĩa cho buổi lễ quan trọng nhất đời người này.
Tuy nhiên có một truyền thống có xuất xứ khá đáng sợ mà cho đến nay vẫn chưa có mấy ai dám phá vỡ, đó là tất cả các phù dâu đều mặc trang phục tương tự cô dâu và đồng bộ nhau. Dù cho ở thời hiện đại, các bộ đầm của phù dâu đã được biến tấu nhiều và có thêm những màu sắc đa dạng nhưng họ vẫn mặc trang phục giống nhau.
Trang phục phù dâu thường được lựa chọn sao cho tương đồng với của cô dâu.
Được biết truyền thống này đã có từ thời La Mã cổ đại và ngày ấy, tất cả các phù dâu đều được mặc trang phục giống hệt cô dâu, nguyên nhân là để... gây bối rối, khó phân biệt được đâu là dâu chính, đâu là dâu phụ. Nói một cách dễ hiểu, các phù dâu có nhiệm vụ chính là... "giả dạng" cô dâu.
Nguyên nhân khiến những người La Mã làm việc này là do họ tin rằng vào những dịp vui và hạnh phúc như đám cưới rất dễ thu hút những linh hồn ác và xấu đến phá, cộng thêm những anh chàng đã từng bị cô dâu từ chối lời cầu hôn nữa. Việc một nhóm phù dâu ăn mặc giống hệt cô dâu sẽ khiến những kẻ mang "tà tâm" muốn phá bĩnh đám cưới bối rối đủ lâu để cặp đôi làm lễ xong xuôi, và khi "gạo đã nấu thành cơm" thì bọn họ sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài bỏ về.
Truyền thống này được kéo dài đến tận thời Victoria thì cô dâu bắt đầu... "đỡ sợ" hơn và dám diện đồ lộng lẫy hơn các phù dâu. Tuy nhiên không phải ai cũng dám thể hiện mình mới là nhân vật chính của buổi lễ vì vẫn còn rất tuân thủ truyền thống.
Về sau từ thời Victoria thì trang phục phù dâu đã được "nới lỏng" và được thoải mái trong màu sắc cũng như kiểu dáng.
Ngoài trang phục cô dâu và phù dâu ra thì vẫn còn một nghi thức khác cũng xuất phát từ thời La Mã, đó là các phù rể sẽ thực hiện động tác... bắt cóc cô dâu tương lai trong tiệc độc thân với chú rể. Mục đích của họ là để tránh việc người nhà cô dâu... đổi ý bất chợt khiến đám cưới không thành. Cho đến nay vẫn có một số nơi thực hiện truyền thống này.
(Ảnh minh họa)
Theo thethaovanhoa.vn