Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi dùng điều hoà, đẩy hoá đơn tiền điện tăng vọt lên nhiều lần:

1. Bật/tắt điều hoà liên tục

Nhiều người khi dùng điều hoà thường có thói quen để tiết kiệm điện cứ bật điều hoà đến khi thấy phòng mát rồi thì bấm tắt. Một lúc sau thấy phòng nóng lại bật trở lại.

Nghe qua ai cũng tưởng làm vậy có thể tiết kiệm điện đáng kể khi thời gian mở điều hoà ít đi, thế nhưng, đó là sai lầm lớn. Bởi, bật/tắt máy điều hoà liên tục sẽ làm máy phải khởi động nhiều lần, điện năng tiêu thụ cho việc làm lạnh lại căn phòng từ đầu còn nhiều hơn. Ngoài ra, bật/tắt nhiều lần cũng làm giảm tuổi thọ đáng kể của điều hoà.
 


Bật tắt điều hoà nhiều lần là sai lầm khiến hoá đơn tiền điện tăng chóng mặt

Bằng chứng, mới đây một đài truyền hình của Hàn Quốc đã tiến hành thử nghiệm với hai chiếc điều hoà để trong hai căn phòng có cách bài trí như nhau. Một chiếc chạy liên tục trong vòng 2 tiếng đồng hồ, chiếc còn lại được bật/tắt đi hai lần.

Như vậy, có thể khẳng định, bật/tắt điều hoà liên tục là một sai lầm khiến tiền điện tăng không phanh chứ không phải là cách để tiết kiệm điện như nhiều người vẫn nghĩ.

2. Để quạt ở vị trí đối diện luồng gió điều hoà

Hiện nay, rất nhiều người sử dụng quạt điện kèm khi bật điều hoà, với lý do quạt sẽ giúp hơi mát điều hoà được luân chuyển khắp phòng, đẩy khí nóng lên trên, khí mát xuống dưới. Nhờ đó, sẽ giúp tiết kiệm điện, giảm hao mòn cho các bộ phận của máy điều hoà, tạo hiệu ứng gió lạnh và cảm giác thoải mái hơn.

Thế nhưng, không phải cứ dùng thêm quạt là giúp tiết kiệm điện. Nhiều người mắc sai lầm vì để quạt điện ở vị trí đối diện với luồng gió điều hoà thổi ra. Vì khi đó, quạt sẽ hạn chế khả năng thổi ra gió mát của điều hoà.


Nên để quạt ở vị trí hợp lý khi sử dụng điều hòa

3. Không vệ sinh, thay bộ lọc không khí và bảo trì máy thường xuyên

Bộ lọc khí là bộ phận giúp loại bỏ bụi bẩn từ không khí vào nhà bạn. Qua thời gian, nó trở nên cồng kềnh với lớp bụi bẩn phủ kín, vì thế cần được làm sạch hoặc thay thế thường xuyên, giúp máy chạy tốt, hơi lạnh sâu hơn.

Máy điều hòa cần được vệ sinh và thay bộ lọc 3 tháng/lần. Dây làm mát cũng cần được kiểm tra thường xuyên để tránh rò rỉ.

Song, nhiều gia đình bỏ qua các bước này, làm máy nóng và lâu dần ảnh hưởng tới hoạt động của điều hòa. Đồng thời, điều hoà cũng phải gồng mình hoạt động liên tục nên tiêu tốn điện năng nhiều hơn.

4. Chọn sai công suất điều hoà

Đừng bao giờ chọn điều hòa nhiệt độ thiếu công suất so với thể tích, nhu cầu sử dụng của căn phòng. Bởi, nhiệt độ không đủ lạnh sẽ buộc máy phải làm việc liên tục, dẫn tới tốn điện, nóng máy và máy nhanh hỏng.

Khi mua máy nên chọn công suất dư ra một ít. Số tiền đầu tư ban đầu có thể nhiều hơn chọn máy đúng công suất nhưng được lợi là máy mạnh, thời gian đạt độ lạnh nhanh hơn và khi máy đạt đủ độ lạnh thì sẽ tự ngắt. Với loại máy dư công suất so với nhu cầu thì máy sẽ có nhiều thời gian "nghỉ", giúp cho độ bền của máy được kéo dài.

Cũng có người lo dùng máy thừa công suất sẽ tốn điện nhiều hơn, điều này đúng khi so sánh giữa hai máy có công suất lớn và nhỏ cùng hoạt động liên tục. Trường hợp dùng cho một căn phòng có thể tích bằng nhau, có khi máy công suất lớn lại ít tốn điện hơn vì chúng chỉ chạy một thời gian ngắn là phòng đạt độ lạnh và tự ngắt. Trong khi đó, máy có công suất vừa đủ hoặc thiếu sẽ buộc phải chạy liên tục và như vậy, lượng điện năng tiêu thụ có thể nhiều hơn.

5. Lắp đặt sai vị trí

Nhiều gia đình tới nay vẫn tin rằng, lắp đặt và sử dụng điều hòa ở khu vực nóng nhất phòng, thậm chí là trong góc tường, sẽ giúp nhanh chóng giảm nhiệt và tạo không khí thoáng mát cho căn phòng. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm do điều hòa vận hành quá tải và chạy tốn điện hơn bình thường.


Khi lắp đặt điều hòa nên chú ý đến vị trí để tránh tiêu thụ nhiều điện năng

Thay vào đó, người dùng nên lắp máy ở những vị trí mát mẻ (bức tường phía đông hoặc phía Bắc), thoáng đãng và nằm ở trung tâm căn phòng. Bằng cách này, nhiệt độ trong phòng mới có thể giảm nhanh rồi mới từ từ làm mát ở các khu vực tụ nhiều hơi nóng như bề mặt tường, góc nhà.

6. Phòng có quá nhiều cửa sổ, cửa kính và ánh sáng mặt trời

Hiện nay, nhiều hộ sử dụng máy lạnh cho rằng, nếu trong phòng sử dụng máy lạnh thì các cửa sổ và cửa ra vào đều sử dụng kính vừa cách nhiệt, vừa không bị lọt khí ra ngoài. Cách nghĩ đó hoàn toàn sai và gây tốn điện.

Theo đó, căn hộ nào càng nhiều kính, càng kín, kính càng dày thì khi bật điều hoà càng tốn điện. Bởi, nếu ánh nắng mặt trời rọi vào cửa kính thì thuỷ tinh sẽ chỉ tiếp nhận nhiệt mà không chịu nhả ra, khiến máy lạnh phải làm việc nhiều hơn. Do đó, không nên dùng quá nhiều cửa kính trong phòng, đặc biệt là tuyệt đối tránh ánh nắng trực tiếp rọi vào khu vực có cửa kính chắn.

Ngoài ra, với những căn hộ đón nhiều ánh sáng mặt trời, chủ nhà cũng nên sơn tường và treo những tấm rèm màu sáng, tránh màu tối làm tăng hấp thụ nhiệt.

Theo Vietnamnet