Ăn mặn
Không nên ăn quá nhiều muối.
Muối được coi là một nhân tố có thể gây ung thư dạ dày nếu bạn sử dụng không hợp lý. Muối chứa nhiều Nitrat, khi ăn vào dạ dày, Nitrat gặp vi khuẩn biến đổi thành Nitrit, Nitrit phản ứng với các amin cấp 2 hoặc cấp 3 thành Nitrosamin là chất gây ung thư dạ dày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu bổ sung muối hàng ngày trung bình khoảng 6g/người/ngày. Những người lao động trong môi trường nóng là nhóm người có nguy cơ mắc ung thư dạ dày rất cao bởi họ có lượng muối bài tiết trong mồ hôi khá lớn. Khi bổ sung muối vào cơ thể thông qua ăn uống của họ là từ 13-38g/ngày, lớn hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo. Do đó, những người có thói quen ăn nhiều muối nên chỉnh sửa và dần từ bỏ thói quen có hại của mình.
Ăn thức ăn quá nóng
Thức ăn quá nóng có thể hiểu theo 2 cách, một là những món ăn vừa được chế biến ở nhiệt độ cao và bạn đã thưởng thức ngay như nước quá nóng, cháo nóng, canh nóng, lẩu nóng… Thứ 2 là những món thuộc tính nóng theo quan niệm của Đông y như rượu, ớt cay, gừng, hạt tiêu…
Cách ăn quá cay nồng hoặc quá nóng như vậy dễ làm hỏng các tế bào mô đường tiêu hóa, dễ tạo các khối u trong hệ thống tiêu hóa, từ đó dẫn đến ung thư.
Ăn ít chất xơ
Không nên ăn quá nhiều thịt và ít chất xơ.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa ung thư ruột với thói quen ăn các món nướng, sử dụng thức ăn nhanh, ăn nhiều chất béo và thịt đỏ, ít chất xơ. Thời gian dài tiêu thụ thịt đỏ, thịt gia súc, thịt lợn, thịt cừu, nội tạng động vật các các thực phẩm cholesterol cao sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư đại-trực tràng.
Chất xơ có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại-trực tràng. Ở một số nước phương Tây, sau khi khuyến cáo người dân ăn 500g rau quả mỗi ngày, tỉ lệ bệnh đã giảm xuống đáng kể. Chất xơ được xếp vào nhóm dinh dưỡng không cung cấp năng lượng, không hấp thu vào máu. Khi vào ruột, chất xơ kích thích nhu động ruột co bóp, giúp phòng tránh táo bón, tống xuất các chất gây ung thư và vi khuẩn có hại ra ngoài. Ngoài ra chất xơ cũng ngăn cản hấp thu các chất béo độc hại.
Lạm dụng các món nướng
Trong món nướng có chứa chất HCAs hay còn gọi là heterocyclic amines, chính là chất hóa học độc hại gây ung thư.
Đặc biệt khi nướng thịt, phần mỡ trong thịt tan chảy xuống than tạo nên khói độc ám vào miếng thịt sẽ dễ tạo ra chất gây ung thư và các bệnh về đường hô hấp.
Những phần thịt đã bị cháy đen chứa nhiều chất hóa học gây ung thư nhất, vì vậy hãy loại bỏ chúng trước khi ăn.
Để dầu ăn nóng đến bốc khói khi chiên, xào
Một số người có thói quen chiên, rán thực phẩm trong chảo dầu bốc khói với suy nghĩ dầu nóng sẽ làm món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị bốc khói tức là nhiệt độ lúc đó của dầu đã trên 200 độ C.
Nhiệt độ cao không những phá huỷ tác dụng chống oxy hóa của dầu và các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide tác nhân gây ung thư.
Ăn dầu ăn đã qua chế biến nhiều lần
Dầu ăn vừa được xem là gia vị vừa là thực phẩm thiết yếu không thể thiếu hàng ngày. Chúng đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho con người.
Tuy nhiên, việc sử dùng dầu ăn qua nhiều lần chế biến, chắt qua chắt lại sẽ gây biến đổi chất và tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo Khỏe & Đẹp