Thông tin một bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc tử vong do co giật, tổn thương não vì uống oresol sai cách khi điều trị tiêu chảy khiến nhiều người giật mình vì thói quen pha oresol cho trẻ uống.
Nguồn tin từ Bệnh viện sản nhi Vĩnh Phúc cho biết nhiều tháng trước bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhi bị tổn thương não không thể hồi phục được do uống oresol không đúng cách. Các bác sĩ đã thực hiện cấp cứu tích cực, tuy nhiên não của trẻ bị tổn thương không thể hồi phục. Gia đình xin đưa trẻ về, mất tại nhà.
Nhiều trẻ nguy kịch do uống oresol quá đậm đặc
Theo khai thác từ gia đình người bệnh, trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài liên tục 30 phút một lần. Lo sợ trẻ mất nước, gia đình pha oresol cho trẻ uống. Tuy nhiên, sau đó trẻ xuất hiện tình trạng sốc, co giật, vào viện khi não đã tổn thương.
Bác sĩ điều trị cho biết người nhà đã pha dung dịch oresol cho trẻ uống quá đậm đặc, không đúng tỉ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. Theo đó, một gói oresol được hướng dẫn pha với 200 ml nước nhưng người nhà chỉ pha trong 50ml nước. Đây là nguyên nhân khiến hàm lượng muối trong máu tăng cao, gây sốc, co giật, tổn thương não.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng cảnh báo về trường hợp uống oresol không đúng cách khiến một bé 8 tháng tuổi nguy kịch. Cụ thể, bệnh nhi này sốt cao, đi ngoài liên tục gần 20 lần/ngày và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp do Rotavirus.
Bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhi điều trị ngoại trú, đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng oresol và men tiêu hóa. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều.
Bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).
Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu là do gia đình đã pha oresol quá đậm đặc, không đúng cách.
Trao đổi về vụ việc, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại bệnh viện từng tiếp nhận không ít ca bệnh tương tự do trẻ uống oresol được pha quá đậm đặc.
Theo PGS Dũng, khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ phải kê đơn có oresol để bù lại nước, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng. Nếu pha oresol đúng tỉ lệ, sẽ bù đắp muối, điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc sốt cao.
Chuyên gia khuyến cáo cần pha oresol theo hướng dẫn
Tuy nhiên, sai lầm rất thường gặp đó chính là việc phụ huynh pha oresol loãng quá hoặc đậm đặc quá.
"Nếu gói oresol theo hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha đủ lượng nước như trên mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Khi pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, còn nếu pha đậm đặc với ít nước thì sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối từ oresol, lượng muối trong máu tăng cao, khát thêm" - PGS Dũng lưu ý.
Nguy hiểm hơn, hàm lượng muối trong máu quá cao còn có thể gây ra các triệu chứng như co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh dùng nước đun sôi để nguội, khuấy tan thuốc oresol trong nước rồi mới cho trẻ uống. Không được pha với sữa, nước canh, nước trái cây... và tuyệt đối không cho thêm đường.
Không pha oresol với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ thuốc. Ngoài việc bù nước, bù điện giải bằng oresol, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thêm nước lọc, nước cam, chanh, đặc biệt cần liên tục theo dõi tình trạng của trẻ khi trẻ sốt, tiêu chảy.
Theo Người Lao Động