Thời gian tồn tại của kháng thể chống Covid-19 là chìa khóa giúp nhân loại sống chung với đại dịch. Bởi nó sẽ quyết định chiến dịch tiêm chủng cũng như những biện pháp phòng dịch.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Infectious Diseases của nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Aarhus, Đan Mạch, các kháng thể chống Covid-19 có thể tồn tại lên tới 15 tháng kể từ khi F0 khỏi bệnh.
Các tác giả tại đã sử dụng xét nghiệm rRT-PCR, sàng lọc mẫu máu của hơn 200.000 hiến tặng ở 5 khu vực ở Đan Mạch. Họ tính tổng lượng globulin miễn dịch kháng nCoV trong những mẫu máu này và xác định yếu tố nguy cơ khiến không thể phát hiện ra chúng.
Ngoài ra, các tác giả cũng tính toán tỷ lệ tái nhiễm giữa các mẫu huyết thanh. Bất kỳ người nào có hai lần xét nghiệm rRT-PCR dương tính trong vòng 3 tháng, họ được coi là tái nhiễm nCoV.
Kết quả cho thấy 3.587 người dương tính với nCov có kháng thể với độ nhạy 94,2% sau 15 tháng. Tỷ lệ tái nhiễm là 0,102.
Đặc biệt, kháng thể của hơn 90% mẫu huyết thanh dương tính vẫn tồn tại ở mức các xét nghiệm có thể phát hiện ra được. Thời gian tồn tại tối đa là 15 tháng sau khi họ nhiễm nCoV.
Trong thời gian này, các kháng thể IgM, IgA, IgG có dấu hiệu suy giảm. Đặc biệt, hiệu giá kháng thể IgG giảm mạnh ở nam giới hơn phụ nữ và người trẻ tuổi nhiều hơn.
Ngoài ra, bệnh lý đi kèm, tình trạng ức chế miễn dịch và cấu tạo di truyền của mỗi cá nhân như nhóm máu cũng có thể ảnh hưởng thời gian tồn tại của các kháng thể chống nCoV.
Tuy nhiên, sự hiện diện của các kháng thể không đồng nghĩa những người này được bảo vệ hoàn toàn khỏi Covid-19. Hơn 60% người có kháng thể đủ mạnh vẫn bị mắc Covid-19 lần thứ hai. Dù vậy, nguy cơ tái nhiễm ở những người không có kháng thể cao hơn 9 lần nhóm có kháng thể.
Thách thức cho các nhà nghiên cứu là họ vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến một số người tương đối khỏe mạnh vẫn không tạo ra đủ kháng thể bảo vệ hoặc bị tái nhiễm dù có đủ lượng kháng thể.
Kháng thể là thành phần của hệ miễn dịch, trong đó, IgG xuất hiện trong máu và dịch ngoại bào, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Kháng thể trung hòa là những kháng thể dính vào virus, ngăn chặn virus lây nhiễm qua các tế bào khác.
Ngoài kháng thể trung hòa, miễn dịch cơ thể còn dựa vào nguyên tắc “trí nhớ miễn dịch”. Tế bào B và T có khả năng nhận dạng virus sau nhiều tháng khỏi bệnh.
Ngay khi phát hiện virus xâm nhập lần nữa, tế bào B sẽ được kích hoạt, nhân lên và sản xuất kháng thể tấn công các mảnh virus còn lại. Trong khi đó, tế bào T có tác dụng diệt virus tăng lên.
Vì vậy, miễn dịch không hoàn toàn phụ thuộc vào kháng thể trung hòa mà còn liên quan trí nhớ miễn dịch.
Miễn dịch cơ thể mạnh hay yếu, kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào từng người, nồng độ virus khi nhiễm. Không có gì chắc chắn F0 sẽ được an toàn sau khi khỏi Covid-19.
Theo Zing