Ngày 29/4, chị Lê Thị Hòa, một phụ huynh tại Lâm Đồng sau khi thấy con mình xem video hướng dẫn sử dụng ma túy trên YouTube đã vô cùng bức xúc.
"Video này xuất hiện trong phần gợi ý trên ứng dụng YouTube của TV nhà tôi. Ngay lập tức tôi đã báo cáo nhưng video này vẫn tồn tại", chị Hòa nói thêm.
Video trên được đăng bởi kênh ***troll với hơn 800.000 người đăng ký. Sau gần một tháng tồn tại, video này không những không bị gỡ xuống mà còn đạt hơn 700.000 lượt xem và vẫn được gắn quảng cáo.
Video lần đầu chơi ma túy nằm trong phần đề xuất trên ứng dụng YouTube dành cho TV. Ảnh: NVCC.
Ngoài video liên quan đến ma túy, kênh này còn có hàng loạt nội dung hướng dẫn bỏ các chất nguy hiểm vào thuốc lá điện tử để hút.
Theo lời nhân vật trong video, loại chất bột được anh ta sử dụng chỉ là mì chính và bột gạo để trêu chọc (troll) bạn bè. Tuy vậy, trong suốt video, người này không có phát ngôn về các tác hại khi sử dụng ma túy. Đồng thời, người này cũng hít hợp chất "ketamin bột gạo và mỳ chính" thật sự mà không có các cảnh báo về rủi ro sức khỏe.
Theo chính sách do YouTube đặt ra ghi rõ: "Những nội dung nhằm khuyến khích các hoạt động nguy hiểm hoặc phi pháp có tiềm ẩn rủi ro gây tổn thương cơ thể nghiêm trọng hoặc gây tử vong không được phép xuất hiện trên YouTube".
"Chế tạo hoặc sử dụng thuốc ma túy cực mạnh, mô tả người lạm dụng các chất được kiểm soát như cocaine hoặc opioid hoặc nội dung hướng dẫn cách chế tạo ma túy. Chúng tôi có thể cho phép đăng video mô tả hành vi nguy hiểm nếu mục đích chính của video đó là mang tính giáo dục, cung cấp tư liệu, phục vụ khoa học hoặc nghệ thuật (EDSA) và không chứa hình ảnh phản cảm vô cớ", YouTube viết trong phần chính sách.
Video độc hại vẫn được YouTube trả tiền để hiển thị quảng cáo.
"Có thể thấy, video trên không có yếu tố giáo dục, cung cấp tư liệu hay phục vụ khoa học. Dù là giả hay thật, video trên cũng mang thông điệp không tốt, gây ảnh hưởng lớn cho người xem, nhất là giới trẻ", Nguyễn Hữu Nhật, người làm nội dung YouTube có nhiều hệ thống kênh lớn nhận nút vàng cho biết.
Cũng theo ông Nhật, video này không được gắn nhãn giới hạn tuổi. Với trẻ dưới tuổi vị thành niên, video trên sẽ khiến nhóm người xem này tò mò, muốn thử.
Theo chị Hòa, con chị năm nay 14 tuổi, vì vậy cháu không chịu sử dụng YouTube Kids vì nền tảng này có nội dung không phù hợp với lứa tuổi dậy thì. "Tuy vậy, việc kiểm soát nội dung cho trẻ từ 14-18 trên YouTube đang rất lỏng lẻo", chị Hòa nói thêm.
PV đã liên lạc với YouTube Việt Nam, nhưng chưa có phản hồi về vụ việc. Một nhóm cộng đồng làm nội dung YouTube đã "report" hướng dẫn chơi ma túy theo đúng "quy trình" mà YouTube đưa ra để xử lý video xấu, tuy nhiên video này vẫn tồn tại và hiện quảng cáo.
Trước ***troll, kênh YouTube của Bình Gold cũng đăng video quay lại cảnh một nhóm người sử dụng ma túy dưới dạng MV ca nhạc. Video trên đã ẩn khỏi YouTube vào đầu tháng 4, thời điểm các kênh "giang hồ mạng" Khá bảnh bị sờ gáy, nhưng nay đã xuất hiện trở lại và đạt gần 2 triệu lượt xem. MV này cũng lọt top thịnh hành YouTube nhiều ngày liền.
Từ đầu năm 2019, nền tảng YouTube rộ lên các video "giang hồ mạng". Trong đó, những nhân vật như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... làm những video có nội dung cổ súy bạo lực, bạo lực, chất kích thích.
Hiện YouTube đã xóa bỏ một số kênh. Tuy vậy, các video đăng tải lại hoặc có nội dung tương tự không được xử lý, một số video còn vô tư xuất hiện trong thẻ đề xuất, thịnh hành và hiển thị quảng cáo.
Theo Zing