01
Vừa tối hôm qua, cô bạn tôi gọi điện khóc lóc sụt sùi. Chẳng đầu chẳng cuối cô ấy chốt luôn 1 câu: "Sau khi mùa dịch kết thúc tớ sẽ ly hôn". Điều đó làm tôi rất bất ngờ vì thực ra vợ chồng cô ấy luôn là hình mẫu để mấy kẻ "ế trường tồn" như chúng tôi học hỏi.
Trước đây chồng cô bạn tôi là người khá bận rộn. Anh ấy thường ra cửa hàng vào sáng sớm và trở về lúc đêm khuya. Nghe nói anh ta có vài nhà hàng cùng quán bar, thu nhập khiến bao người mơ ước. Và vì thế, vợ anh ấy mỗi tháng chỉ cần bán vài chai nước hoa gọi là không "ăn bám" chồng thì cũng được coi như phụ nữ hiện đại thành công.
Trên thực tế, 1 người kiếm tiền nhiều thì người còn lại tất nhiên phải quán xuyến, lo toan mọi công việc trong gia đình rồi. Vậy là cô ấy quanh năm tất bật với con cái, bếp núc, tháng được nhìn thấy mặt chồng vài lần chứ đừng nói gì anh ta hỗ trợ việc nhà.
Bình thường trong mỗi cuộc gặp gỡ bạn bè cô ấy tỏ ra rất hạnh phúc, đôi lúc tự nhận mình hơi cô đơn nhưng không sao, vật chất quyết định ý thức. Vậy mà, chỉ mới 2 tuần họ ở nhà cùng nhau 24 tiếng mọi tình yêu cùng sự kiên nhẫn bỗng bay biến.
Cô ấy bảo: "Chồng tớ không động tay vào bất cứ 1 việc gì. Cứ đi ra đi vào quanh quẩn rồi thở dài. Từ hôm dịch đến giờ vợ con làm gì cũng cáu gắt rồi kêu ảnh hưởng công việc. Trước thì lúc nào cũng muốn chồng nghỉ 1 ngày ở nhà để được bên nhau. Giờ thì mình chán anh ta tới tận cổ rồi".
Rồi cô ấy kể có lên một diễn đàn nào đó để hỏi “chị em” rằng: "Nếu là các chị thì các chị sẽ sẽ làm gì?". Đáp lại lời của cô ấy là rất nhiều câu trả lời đáng ngạc nhiên: "Ly hôn ngay lập tức". Tôi không hiểu có bao nhiêu người thực sự nghiêm túc khi nói ra 5 từ này!
02
Một bác tổ trưởng tóc đã ngả bạc lắc đầu ngao ngán sau khi đi hòa giải 1 vụ cãi lộn ở cuối ngõ về than thở với tôi: "Đúng là rảnh dỗi sinh nông nổi. Lúc bận rộn thì muốn được ngồi lại với nhau, đến khi có cơ hội lại coi ngôi nhà chả khác nào nơi cưỡng chế, 24 giờ dành cho hai tâm hồn độc lập chen chúc. Sự hoảng loạn và bất mãn về hôn nhân nó bắt đầu từ lúc này đấy cháu ạ".
Có quá nhiều thứ ở thực tại khiến người ta ấm ức, bứt dứt. Và từ hoàn cảnh tác động, các cặp vợ chồng coi hôn nhân bây giờ như 1 cuộc bao vây, để những tật xấu nhất, sự thay đổi lớn nhất của nhau được phơi bày. Tuy nhiên, chỉ cần lắng lại 1 chút họ sẽ hiểu ra, chỉ cần thận trọng và nhẫn nại trong lúc này, sự bao vây sẽ trở thành cánh cổng hạnh phúc.
Tôi hay theo dõi những câu chuyện trên diễn đàn Yêu bếp. Ở đấy có rất nhiều anh chồng như bước ra từ trong truyền thuyết, được người ta đặt cho 1 cái tên chung thật trìu mến: "Chồng nhà người ta". Đa phần các bà vợ trên đó hay khoe các món ăn do mình tự nấu với niềm phấn khởi và đam mê khó giấu được qua từng câu chữ.
Thế nhưng đằng sau mỗi đĩa thức ăn hấp dẫn đầy màu sắc ấy có những "bàn tay trụ cột" vẫn miệt mài rửa bát, những đôi chân "đạp đất đội trời" vẫn cầm cái kim cuộn chỉ để khâu đồ cho vợ.
Liệu có phải "chồng nhà người ta" luôn chứng tỏ 1 điều: Mình thiếu may mắn hơn vợ người ta? Nhưng có những ai nhận ra tất cả những thứ ấy là kết tinh của sự cố gắng từ 2 phía, 1 bên phấn đấu, 1 bên hưởng ứng, 1 bên làm việc, 1 bên động viên khen ngợi. Họ biết cách quan tâm đến khó khăn của nhau và không tiếc sự cảm ơn nhau vì những nỗ lực.
03
Hôn nhân có muôn ngàn những thứ không thể nói hết thành lời. Chỉ khi bước vào chung sống với nhau mọi vấn đề mới được bày ra rõ nét nhất. Nhưng cho dù những lý do ấy là gì thì sự tôn trọng và chân thành mới là cơ sở lớn nhất cho mối quan hệ vợ chồng.
Con người không 1 ai hoàn hảo, cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp, quan trọng là vì tình yêu, vì lựa chọn kiên định ban đầu mà chúng ta chấp nhận những thiết sót của nhau, coi khó khăn là thử thách để nắm tay vượt qua.
Điều đáng sợ hơn sự cô đơn là già đi từng ngày với người khiến bạn cảm thấy cô đơn. Tôi nhớ có 1 tác giả nào đó quan niệm: Mối quan hệ thực sự trưởng thành và đẹp đẽ là được "cô đơn trong vòng tay người mình yêu". Nó là 1 tình yêu không ràng buộc, không chiếm hữu không bi lụy, mỗi người đều có những khoảng riêng hạnh phúc.
Nhiều người cứ đổ lỗi tại hôn nhân nhưng thực ra họ đã mất đi cái tôi sau khi kết hôn. Họ liên tục tước đoạt, thậm chí ép đối phương phải sống theo ý mình. Và chính họ mới là người tàn phá cuộc hôn nhân ấy mà không hề hay biết.
Trong 1 cuộc thử nghiệm, trường hợp mang tính giả định đặt ra: Viết ra tên 10 người quan trọng nhất với bạn và gạch dần tên từng người 1 khi có điều gì đó xảy ra khiến bạn phải lựa chọn. Và lần lượt mỗi tình huống trôi qua những người anh em, bạn bè đều bị loại khỏi danh sách.
Cuối cùng chỉ có bố, mẹ, vợ/ chồng làm nhiều người đắn đo suy nghĩ nhất. Dù gạch bất cứ tên ai thì cũng quá là tàn nhẫn khi phải lựa chọn. Kết quả cuối cùng vẫn là đáp án vợ/ chồng được giữ lại nhiều nhất.
Rốt cuộc, bất kể là con cái hay cha mẹ, bạn chỉ có thể đi cùng họ trong suốt một phần của cuộc đời. Chỉ có người vợ, người chồng mới bước cùng bạn đến cuối cuộc hành trình dài nhiều thập kỉ.
Một số người cho rằng, không chỉ riêng mùa dịch này, bất cứ biến cố gì xảy ra trong cuộc sống chẳng khác nào cuộc hôn nhân của bạn được soi gương. Khó khăn càng nhiều, sự phản chiếu càng lớn. Đó là lý do vì sao cô bạn tôi muốn ly hôn từ lý do nhỏ nhất. Bởi thời gian họ được gần nhau nhiều đã phản ánh tình yêu và sự ích kỉ cá nhân, mức độ gắn kết lẫn nhau, sở thích cũng như suy nghĩ.
Nhưng trên thực tế, bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng cần quy trình và những trải nghiệm, giống như cách chúng ta mắc sai lầm hay vấp ngã sẽ khiến chúng ta hoàn thiện lên từng ngày.
Không có con đường nào tự nhiên đã bằng phẳng. Cũng không có bất cứ 1 người phụ nữ và đàn ông nào trên thế giới này vốn sinh ra đã phù hợp với nhau. Thế nên, đã lựa chọn người ấy thì hãy coi mọi khó khăn phía trước là cơ hội để bạn khẳng định lựa chọn của mình là đúng đắn.
Theo Nhịp sống việt