Shark Thủy bị bắt, nhà đầu tư đòi lại tiền như thế nào?

Nhà đầu tư cần nộp tài liệu chứng minh thiệt hại cho cơ quan điều tra để được ghi nhận là bị hại trong vụ án. Việc hoàn trả tiền được diễn ra sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn EGroup) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan tới vụ án, ông Đặng Văn Hiền (Trưởng ban Quan hệ cổ đông Công ty EGame) cũng bị khởi tố về tội danh trên.

Các quyết định tố tụng là kết quả của quá trình xác minh, giải quyết đơn tố giác tội phạm của nhiều nhà đầu tư liên quan tới việc ông Thủy chiếm đoạt tiền cổ đông thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần của EGroup.

Việc cựu Chủ tịch EGroup vướng lao lý khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, lo lắng khi số vốn đầu tư vẫn "mắc kẹt" trong hệ sinh thái của tập đoàn này. Vậy theo quy định của pháp luật, người dân cần làm gì để có thể lấy lại số tiền đã đầu tư vào công ty của Shark Thủy?.

Shark Thủy bị bắt, nhà đầu tư đòi lại tiền như thế nào?-1
Nguyễn Ngọc Thủy (Ảnh: Bộ Công an).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, thông tin ông Thủy bị khởi tố không phải điều bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán còn đơn thư tố giác về các hành vi huy động vốn trái pháp luật của doanh nghiệp ngày càng nhiều. Pháp luật không có quy định về việc hạn chế những doanh nghiệp yếu kém huy động vốn, song hoạt động này cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tuyệt đối không được đưa thông tin gian dối nhằm tạo niềm tin, kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn.

"Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi nhưng năng lực tài chính suy giảm đã lợi dụng uy tín, vị thế trên thị trường để đánh bóng tên tuổi, quảng cáo gian dối, đưa thông tin sai sự thật để huy động vốn. Khi nhận tiền, họ sử dụng vốn trái với mục đích ban đầu, dẫn tới mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là hành vi có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", luật sư Giáp phân tích.

Đối với vụ việc của shark Thủy, ông Giáp cho biết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần tại EGroup có trách nhiệm cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc nhận chuyển nhượng tới cơ quan điều tra để được đánh giá, xem xét. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, họ sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng đưa vào vụ án với vai trò bị hại hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Đối với việc hoàn trả tiền, các nhà đầu tư sẽ chưa thể trực tiếp nhận lại tiền, kể cả trường hợp EGroup sẵn sàng hoàn trả ngay cho họ mà cần tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng.

Theo đó, toàn bộ tài sản liên quan tới hành vi phạm tội của ông Thủy sẽ được cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên, ngăn chặn biến động để đảm bảo thi hành án. Bên cạnh đó, nếu bị can hoặc gia đình bị can tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại, số tiền đó sẽ được nộp lại cho cơ quan điều tra để quản lý, từ đó đánh giá khả năng khắc phục hậu quả vụ án cũng như xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can.

Căn cứ tổng số tài sản thu giữ được từ người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án sẽ xác định trách nhiệm hoàn trả, bồi thường, khắc phục hậu quả thiệt hại của ông Thủy và những người liên quan. Việc hoàn trả tiền được thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự, sau khi có bản án có hiệu lực của Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/shark-thuy-bi-bat-nha-dau-tu-doi-lai-tien-nhu-the-nao-20240327101055660.htm

Shark Thủy

Tin tức mới nhất