“Chúng tôi sẽ tìm kiếm nhân tố tiềm năng ở Việt Nam và đào tạo họ trở thành những ngôi sao toàn cầu.”, ông Lee Soo Man, chủ tịch tập đoàn SM, tuyên bố trong sự kiện Diễn đàn kinh tế thường nhật Việt - Hàn vừa mới diễn ra vào đầu tháng 12 năm ngoái.
SM không nói chơi. Chỉ sau đúng một tháng, lời tuyên bố của bố già Kpop đã được chuyển hóa thành sự thật. Trên trang web chính thức của SM - công ty đã lăng xê thành công các nhóm nhạc lớn nhất châu Á như SNSD, EXO, Super Junior - hiện đang rục rịch đăng thông tin các buổi tuyển sinh tại Sài Gòn và Hà Nội.
Thông tin về buổi tuyển sinh toàn cầu của SM trên website chính thức sắp được cập nhật phần tiếng Việt.
Ngoài Hàn Quốc (là đương nhiên) và Việt Nam, có 4 quốc gia khác sẽ tổ chức tuyển sinh: Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Mỹ. Giấc mơ trở thành một ngôi sao Kpop như Jaejoong, BaekHyun không còn xa vời nữa.
Nhưng giấc mơ ấy có thật sự đẹp đẽ như chúng ta nghĩ?
Chiến lược biến cả châu Á thành thuộc địa âm nhạc
Tháng 1 năm 2016, làng giải trí dậy sóng khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố cấm các hoạt động của các ngôi sao Hàn trên lãnh thổ đất nước này. Các sản phẩm âm nhạc Hàn không được bày bán.
Các nghệ sĩ Hàn không được lên truyền hình. Các đêm nhạc Hàn không được có trên 10.000 khán giả. Không dưng mà chính phủ Trung Quốc làm lớn đến vậy.
Nhiều người cho rằng đó là vì Bắc Kinh không hài lòng trước thỏa thuận tên lửa giữa Washington và Seoul. Nhưng có thể lý do đơn giản hơn nhiều, mỗi năm, Hàn Quốc đang “cá kiếm” hàng tỉ USD lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc, cướp đất làm ăn của các nghệ sĩ người Hoa.
Trước đó, Kpop là món ăn tinh thần không thể thiếu với giới trẻ Trung. Có tới gần 2 triệu người Trung Quốc cố gắng mua được tấm vé concert kỷ niệm 10 năm của BIG BANG.
Nhóm nhạc EXO của Hàn Quốc có nhiều thành viên người Hoa. Ảnh: Allkpop
Thậm chí, Trung Quốc mới là nơi đem lại nhiều tiền nhất cho các nghệ sĩ Hàn chứ không phải Hàn Quốc. Jessica đã bán được tới 140.000 đĩa nhạc đầu tay của mình ở Trung Quốc, trong khi tại quê nhà chỉ có 80.000 đĩa tiêu thụ được.
Không dừng lại ở đó, Kpop đã đi một bước đi “thiên tài” giúp họ thống trị thị trường nhạc Hoa: tuyển người Trung Quốc làm idol. Thành công tiêu biểu nhất là EXO. Khi mới ra mắt, nhóm nhạc này có nhiều thành viên người Hoa như Kris, Tao, Luhan,...
SM đã chủ trương tấn công cả thị trường Hàn và thị trường Trung song song bằng cách cho các thành viên EXO hát cả tiếng Hàn và tiếng Hoa, thậm chí chia nhóm nhạc lớn ra thành hai nhóm nhỏ hơn: EXO-K (EXO Korea, hoạt động chủ yếu ở Hàn) và EXO-M (EXO Mandarin, hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc).
Lẽ thường, khi một ban nhạc nước ngoài xuất hiện, dù họ có hay tới đâu, họ vẫn vấp phải rào cản ngôn ngữ, văn hóa. Đó là lí do, Kpop đã biến nhóm nhạc nước ngoài trở thành nhóm nhạc quốc nội, rút ngắn khoảng cách với các thị trường mà họ nhắm tới.
Từ trái qua: Luhan, Tao, Kris, ba cựu thành viên EXO đều là người Trung Quốc. Ảnh: Allkpop
Tầm nhìn của ông Lee Soo Man rất rõ ràng, không giới hạn quốc tịch các thần tượng. Đã có những thành viên người Mỹ gốc Hoa (Amber), người Canada gốc Đài Loan (Henry Lau), con lai Hoa - Thái (Nichkhun), người Hoa (Jia, Fei, Kris...). Vậy thì, Kpop đang “ủ mưu” gì tại Việt Nam?
Việt Nam - miếng mồi ngon của Kpop
Nhóm 365 được xây dựng phỏng theo mô hình Kpop. Sơn Tùng M-TP liên tục bị nghi đạo nhái G-Dragon. Các sản phẩm âm nhạc của ERIK, Suni Hạ Linh, Lip B, tất cả đều có màu sắc của Kpop, không ít thì nhiều.
Thậm chí Chi Pu còn mời cả nhà sản xuất của T-ARA về để làm các sản phẩm âm nhạc của cô.
Sơn Tùng M-TP là người thường xuyên bị tố đạo nhái Hàn Quốc
Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang có một thế hệ nghệ sĩ chịu ảnh hưởng nặng nề từ Hàn Quốc. Nhưng nếu chỉ học hỏi thì không nói làm gì, đằng này nhiều nghệ sĩ hoàn toàn dập khuôn, bắt chước từ lối ca hát tới phong cách thời trang, cách đi đứng, cách làm MV.
Những tập đoàn âm nhạc Hàn Quốc đương nhiên là rất tinh tường. Nhận ra Việt Nam là một thị trường cuồng Kpop, họ không dại gì bỏ lỡ miếng bánh ngon này.
Rất nhiều các ca sĩ Hàn đã bắt đầu đưa Việt Nam vào chạm dừng chân của mình. Đôi khi, các tít báo giật rằng sao Hàn đã mất sức hút tại Việt Nam. Nhưng nếu họ mất sức hút, tại sao trong năm 2017 lại nhiều sao Hàn đổ bộ tới Việt Nam như vậy?
Nhóm nhạc T-ara tổ chức hẳn một liveshow hoành tráng tại sân vận động Phú Thọ và dù trời mưa, vẫn có hàng ngàn khán giả kéo tới xem. Giải thưởng âm nhạc MAMA, một trong những giải thưởng âm nhạc thường niên lớn của Hàn Quốc, cũng được đăng cai tổ chức tại nhà hát Hòa Bình. Họ còn chủ động mở hẳn một hạng mục cho nghệ sĩ Việt đua tài.
Chi Pu mời cả nhà sản xuất của T-ara hợp tác
Và thẳng thắn mà nói, những giải thưởng mà MAMA dành tặng cho hàng loạt ca sĩ Việt như Mỹ Tâm, Tóc Tiên, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh,... thực tế chính là chiến lược để họ quảng bá tên tuổi của Kpop, chứ không hẳn để vinh danh nghệ sĩ Việt Nam.
Không cẩn thận, Việt Nam sẽ là 'chi nhánh' âm nhạc của Kpop
Lọt vào mắt xanh của một đại gia âm nhạc như SM, đó trước hết là tín hiệu vui của nhạc Việt. Sau nhiều năm trăn trở, làm sao “đem chuông đi đánh xứ người”, cuối cùng chúng ta cũng tìm được một giải pháp.
Nếu có cơ hội trở thành thực tập sinh, sau đó là một thần tượng Kpop, thì cơ hội để có một ca sĩ Việt nổi tiếng thế giới sẽ rộng lớn vô cùng. Nhưng điều đó có thực sự là một tín hiệu vui?
Chi Pu - Cho ta gần hơn (I'm In Love) Chi Pu tình tứ bên mỹ nam Hàn Quốc.
Là một thần tượng Kpop đồng nghĩa với việc toàn bộ âm nhạc, hình ảnh của bạn đều bị công ty quản lý điều khiển. Và mặc dù là một người Việt, nhưng sứ mệnh của bạn sẽ lại là mở rộng biên giới của Kpop.
Và thay cho một thế hệ âm nhạc mang màu sắc của Kpop, chúng ta sẽ có một thế hệ âm nhạc Kpop đích thực tại Việt Nam.
Điều đó có thể khiến Việt Nam nổi tiếng hơn trong mắt bạn bè quốc tế, nhưng cái giá liệu có quá đắt, khi chúng ta buộc phải đánh mất bản sắc của mình, và sau cùng, cũng chỉ là một “thuộc địa” âm nhạc bị bào mòn bởi “thực dân” Hàn Quốc?
Theo Zing