“Nhà Bá Kiến” là cái tên mọi người thường dùng để gọi ngôi nhà 3 gian xây dựng theo đúng phong cách nhà truyền thống Bắc Bộ ở quê hương nhà văn Nam Cao - xóm 11, thôn 4, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Xưa, đây chính là thôn Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, Hà Nam.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-1

Rất nhiều người, nhiều chuyện của thôn Đại Hoàng được Nam Cao đưa vào tác phẩm, nơi ngôi làng được nhà văn đặt tên là làng Vũ Đại. Trong đó, ông Trần Duy Bính, dân làng thường gọi Nghị Bính, chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến truyện Chí Phèo.

Đây là một trong những nhân vật nổi bật nhất của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 nên dù ngôi nhà trải qua rất nhiều đời chủ, người ta vẫn gọi nó là nhà Bá Kiến.

 

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-2

Nhà Bá Kiến được xây dựng vào năm Giáp Thìn (1904) trên khuôn viên rộng gần 900m2. Nhà được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, là một trong những công trình bề thế của địa phương thời đó.

Chủ nhân đầu tiên - người xây dựng ngôi nhà này - không phải “Bá Kiến” Trần Duy Bính mà là ông Trần Duy Hanh (thường gọi là Cựu Hanh), một lái buôn nổi tiếng giàu có ở vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng.

Theo các ghi chép ở địa phương, ông Cựu Hanh đã thuê mấy chục thợ mộc giỏi nghề nhất tổng Cao Đà làm ròng rã nhiều tháng mới xong.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-3

Sau khi ông Cựu Hanh qua đời, ngôi nhà thuộc về con trai là Trần Duy Xầm. Đến đời con ông Xầm là Trần Duy Cát thì nhà bị bán đi. Số là trong một cuộc nhậu say, lại đang trong cơn khát bạc thiếu tiền, ông Cát viết giấy bán nhà cho ông Trần Duy Bính.

Sau khi tỉnh rượu, dù hối hận nhưng văn tự mua bán đã hoàn tất nên ông Cát phải ngậm ngùi dọn đi, giao nhà cho chủ mới.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu, người đã có hơn 50 năm nghiên cứu về Nam Cao, ngôi nhà ấy được ông Nghị Bính dùng làm nhà thờ và là địa điểm tiếp khách, chơi tổ tôm của các chức sắc địa phương. 

Sau khi Nghị Bính qua đời ở tuổi 85 ngày 8/11/1948, ngôi nhà bề thế được truyền lại cho Trần Duy Tảo (Binh Tảo) - con trai của ông và người vợ cả. Cũng vì chuyện thừa kế tài sản, trong đó có ngôi nhà 3 gian này, mà giữa Binh Tảo và người vợ thứ ba của ông Bính - bà Trần Thị Yêm – thường xuyên xảy ra xích mích.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-4

Ông Trần Văn Đô, 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, một người dân nắm rất rõ lịch sử làng Đại Hoàng và câu chuyện của những con người làng mình, cho biết, trong cải cách ruộng đất năm 1953, khi gia đình bị đấu tố vì là địa chủ, cường hào, ông Trần Duy Tảo luôn “khủng bố tinh thần” người vợ lẽ của bố bằng những lời đe dọa khủng khiếp, rằng bà “nếu không bị xử bắn thì cũng tùng xẻo, nghĩa là bị lôi ra đầu làng gõ một tiếng trống rồi có người cầm dao xẻo một miếng thịt cho đến chết”.

“Do lo sợ bị đem ra xử bắn, trong một đêm cuối năm trời tối mịt mùng, gió đông rít lên từng hồi, bà Yêm đã mang sợi dây thừng ra treo cổ lên cây nhãn trong vườn nhà. Gia đình phải bó chiếu an táng tại nghĩa trang địa phương”, thầy giáo Trần Văn Đô nói, ngậm ngùi kể về kết cục bi thảm của người phụ nữ đẹp là nguyên mẫu của nhân vật bà ba Bá Kiến trong truyện Chí Phèo.

Còn Binh Tảo vốn là người chơi bời, nghiện ngập, bài bạc. Thời gian trôi qua, ông ta ngày càng sa đà vào thú đỏ đen, cuối cùng đã phải rao bán căn nhà với giá 4.500 đồng, tương đương với khoảng 20 cây vàng lúc bấy giờ.

Ông Trần Hữu Hậu, một Việt kiều ở Pháp về và cũng là người gốc Đại Hoàng (dân làng thường gọi Cai Hậu) là người mua lại ngôi nhà này vào tháng 8/1963.

Đến đời cháu của ông Cai Hậu là ông Trần Hữu Hòa thì bi kịch lại xảy ra. Thầy giáo Trần Văn Đô cho biết: “Khi đó ông Hoà là Bí thư chi bộ xóm 11. Không rõ lý do gì, ông Hoà đã treo cổ tự vẫn dưới nhà ngang. Vì quá sợ hãi, vợ con ông vội vàng tháo dỡ căn nhà ngang này”.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-5

Sau cái chết của ông Trần Hữu Hòa, trong làng xuất hiện những lời bàn tán, dị nghị rằng mảnh đất của gia đình là đất dữ nên mới có tới 2 người treo cổ tự tử. Không chịu nổi những ám ảnh này, vợ con ông Hòa bàn nhau tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà để chuyển đi nơi khác.

Cũng theo lời kể của ông giáo Trần Văn Đô, khi nghe tin vợ con ông Hoà có ý định dỡ nhà vì không thể ở được, ngày 17/11/2007, UBND tỉnh Hà Nam quyết định mua lại ngôi nhà và mảnh đất rộng gần 900m2 này với giá 700 triệu đồng để bảo tồn, làm khu di tích về “thời Bá Kiến” xưa kia và khai thác thành tour du lịch địa phương. 

“Giá trị ngôi nhà không lớn, nhưng đây là chứng tích cuối cùng về ‘tập đoàn phong kiến ở làng Đại Hoàng’ mà Nam Cao gọi là làng Vũ Đại, về thế lực từng làm mưa làm gió ở làng Đại Hoàng suốt bao nhiêu năm. Ngoài ra, kiến trúc và ý nghĩa lịch sử của nó cũng đáng để hậu thế chiêm ngưỡng”, ông Đô nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh nhận xét, nhà Bá Kiến có số phận hết sức thăng trầm theo chủ nhân của nó. Không chỉ có 2 đời chủ tự tử, 2 lần bị bán đi vì chủ mê cờ bạc, ngôi nhà này còn từng bị cháy, suýt bị phá lấy gỗ nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay.

Cụ thể, vào năm 1953, trong trận càn quét của thực dân Pháp từ Nam Định lên, ngôi nhà bị đốt cháy từ gian giữa nhưng may mắn được “cứu”. Trong 2 người du kích tham gia chữa cháy cho ngôi nhà, hiện cụ Huấn vẫn còn sống nhưng không nhớ gì vì đã nhiều tuổi, còn cụ Huỳnh đã mất.

Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi Binh Tảo muốn bán nhà, ông Trần Thế Lễ có ý định mua nó để tháo ra, lấy gỗ lim xẻ làm khung cửi dệt vải. Rất may, cuối cùng người mua là ông Trần Hữu Hậu, ông mua để ở nên vẫn giữ nguyên vẹn ngôi nhà.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-6

Giải thích về kiến trúc nhà truyền thống của người Việt, ông Nguyễn Văn Chẹm, nghệ nhân nhà gỗ truyền thống ở thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội cho biết, nhà Việt xưa thường có thiết kế kẻ chuyền hoặc đấu thượng chồng rường.

Kẻ chuyền là hình thức làm kẻ, chuyền nhau từ khoảng thượng đến khoảng hạ; trên kẻ chuyền có một tấm ván thưng để giữ hoành. Đấu thượng chồng rường là dùng các con rường (cái đấu) chồng lên nhau để đỡ hoành.

Ngôi nhà gỗ lim 3 gian, 2 dĩ của “Bá Kiến” được thiết kế theo hình thức đấu thượng chồng rường, tiền kẻ, hậu bẩy. Trên các văng, li tô, kèo đều được khắc họa hình rồng, chữ nho. 

Phía dưới mái ngói có lá mái, là rèm che để trang trí. Bên trong là tẩu để đỡ chân rui. Đầu mỗi cái kẻ đều được đục chữ Thọ thể hiện mong muốn trường sinh.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-7

Phía trước nhà có dạ chắn mưa, che nắng và để đảm bảo sự kín đáo, riêng tư cho những sinh hoạt của gia đình, người ngoài nhìn vào không thể thấy những gì diễn ra bên trong. Lối vào nhà được thiết kế 2 bên nách theo phong thuỷ, tránh việc mọi người vào nhà trực diện từ gian giữa.

Trong nhà có 4 hàng cột với tổng 16 cây cột gỗ lim. Chân cột được kê bằng bệ đá tảng đẽo gọt hết sức công phu. Phần mái lợp loại ngói ta, hai đầu bờ nóc được thiết kế với đấu vuông giật cấp. Nhờ vậy mà dù đã trải qua hơn 100 năm tuổi, ngôi nhà vẫn không có dấu hiệu dột nát. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, thời “Bá Kiến”, ngôi nhà này là công trình rất bề thế, thể hiện sự giàu có, sang trọng của chủ nhân. Những vật dụng, cách bài trí trong nhà cũng cho thấy điều này.

Số phận chìm nổi của ngôi nhà Bá Kiến và các đời chủ nhân-8

Gian giữa có bàn thờ, trên bày lư hương, đỉnh nến, hạc chầu. Nghị Bính từng mời ông Hùng Sơn, một đồ nho hay chữ nổi tiếng khắp vùng đến nhà lập đôi câu đối, tạc vào gỗ vàng tâm treo hai bên cột cạnh bàn thờ, và một bức đại tự treo ở giữa, phía trên ban thờ. Nội dung câu đối như sau:

Thập lý vân lôi thiên bất hạn

Cửu trùng vũ lộ địa do dư.

Dịch nghĩa:

Mười dặm sấm mây trời không hạn

Chín trùng mưa móc đất còn dư.

“Đôi câu đối này chỉ cần đọc lên, chưa cần giải nghĩa thì âm thanh của nó đã tỏ rõ cái uy nghi, quyền lực bất tận của sự giàu sang phú quý”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh nói. Rất tiếc là đã nhiều năm qua, đôi câu đối và bức đại tự đã không còn trong ngôi nhà.

Ông giáo Trần Văn Đô cho biết: “Sau khi ông Trần Hữu Hòa, đời chủ thứ 7 treo cổ tự vẫn, gia đình đã bán đôi câu đối và bức đại tự cho ông Chánh Thản bên làng Viềng (Vụ Bản, Nam Định). Sau đó ông Chánh Thản bán lại cho một người chuyên sưu tầm đồ cổ ở TP Nam Định.

Để phục dựng nguyên trạng ngôi nhà này, các cơ quan chức năng địa phương đã cất công tìm kiếm, ngỏ ý mua lại đôi câu đối và bức đại tự nhưng họ không bán dù đưa ra bất cứ giá nào”.

Theo Dân Trí