Mua nhưng quên hỏi cách xử lý bùa

Anh Lê Nam (Sơn Tây, Hà Nội) đi công tác Hà Giang mua về mấy lá bùa chống tà tháng cô hồn cho cả nhà. Anh bảo thấy các chị đi cùng đoàn công tác tíu tít hỏi mua nào bùa tình yêu, bùa giữ chồng, bùa may mắn, bùa phúc thọ… riêng anh nghĩ tháng cô hồn, ma quỷ vong veo về dương gian nhiều nên mua luôn mấy lá về cho cả nhà đeo theo người. Nhưng anh lại… quên hỏi cách xử lý bùa khi “hết date”, nên bây giờ không biết phải xử lý mấy lá bùa thế nào cho đúng.

Ảnh minh họa.

 

Theo các chuyên gia tâm linh, bùa chú là huyền thuật, các thầy bùa chỉ truyền cho những người có đức độ, họ phải làm lễ tuyên thệ với tôn sư, thần thánh trước khi được truyền, không phải ai muốn cũng được học.


Họ phải thệ nguyện giữ các giới rất nghiêm, hiểu rõ đạo lý nhân quả, không bao giờ dùng bùa chú để hại người, mà dùng sự hiểu biết về siêu hình để giúp người. Những người có tâm có đức, học hành tử tế không làm những bùa chú thương mại kiểu phô tô hàng loạt để bán kiếm tiền như các loại bùa chú đang bán trên thị trường.


Còn những người bình thường, nặng tham sân si không theo được những giới luật khắt khe để học đến nơi đến chốn, mà chỉ có thể học được vài món tầm thường đã bung ra mua bán kiếm lời.

Ảnh minh họa.

 

Nhà yên ổn thì chớ rước bùa về

 

Theo các chuyên gia tâm linh, nếu mang một lá bùa về nhà, hay đeo trong người mà không có tác dụng như ý muốn, có khi còn tệ hơn… thì lá bùa đó không tốt.


Các loại bùa chú thương mại không phát ra năng lượng, hay có tác dụng rõ rệt. Hình vẽ lá bùa cũng không chuẩn cự ly giữa các nét vẽ, lời chú truyền miệng đọc không chuẩn, và không phải ai cũng sử dụng được câu chú.


Còn những người tu luyện thực sự có khả năng sẽ không sa đà vào việc làm bùa chú thương mại, thị trường. Các đồ vật trấn yểm cũng không thể dùng tùy tiện, mà chỉ do người buôn bán trục lợi lan truyền.


Theo ông Doãn Phú (Viện Nghiên cứu Tiềm năng Con người), Với các nhà tâm linh bùa thường kèm lời chú. Nếu lời chú chưa được giải, đốt bùa đi sẽ tệ hơn, vứt đi cũng không được. Tốt nhất là mang lá bùa trả lại cho ông thầy bùa đã xin, hoặc mua (kèm theo chút lễ vật). Còn xử trí lá bùa thế nào là việc của ông thầy.


Hầu hết các chuyên gia tâm linh đều khuyên người dân: Nếu gia đình đang yên ổn thì chớ rước những lá bùa về nhà - nhất là những đồ trấn yểm - bởi rước về thì dễ, nhưng xử lý sau này rất khó.

 

Sau Rằm tháng 7 nên làm gì? 

- Nên “lợi dụng” tháng 7 kiêng kị để chụp ảnh cưới, mua đồ cưới, nhẫn cưới… vì dịp này nhiều chiêu khuyến mại, giảm giá. 

- Không sát sinh ngày rằm, mồng 1, không làm điều trái, sống có phúc đức, năng làm điều lành… là cách tự giúp mình có tâm lý bình an, vui vẻ cho bản thân và gia đình. 

- Nên giữ sạch bàn thờ gia tiên. Cuối tháng 7, nếu bát hương đầy nên tỉa bớt chân hương. Không nên để chân hương quá nhiều, vừa khó cắm hương, lại dễ bị hóa bát hương. Lau dọn ban thờ chu đáo đúng cách, thắp hương hàng ngày, đèn trên bàn thờ luôn sáng để thu hút năng lượng tốt, rước may mắn về nhà. 

- Sau rằm tháng 7 và cúng cô hồn xong thì hôm sau, hoặc cuối tháng 7 nên dùng bột trừ tà ma tiêu khử âm khí còn tồn. Hoặc dùng nước thơm tẩy uế, cân bằng lại sinh khí trong nhà. 

- Tiền và vật phẩm cúng sau Rằm tháng 7 chỉ thật sự có ý nghĩa sau khi cúng xong được đem đi làm từ thiện. 

- Không chỉ trong tháng cô hồn, mà tất cả các ngày khác cũng cần hiếu đễ với cha mẹ, năng làm việc thiện, giúp đỡ người gặp khó khăn, cẩn trọng trong quan hệ giao tiếp... sẽ giúp tâm hồn con người thanh thản, hạnh phúc, cuộc sống tốt đẹp hơn.