Mùa hè, trẻ nhập viện vì bỏng tăng cao
Nhiều gia đình nằm ở hành lang phòng bệnh
Bé Tuấn Anh khi còn nằm trên giường bệnh với lớp băng kín mít.
Bé gái được mẹ tập vật lí trị liệu phục hồi sau bỏng.
Nhiều bé bị phỏng nặng phải điều trị dài ngày để chữa trị
Đa số các trường hợp bỏng do sự bất cẩn của phụ huynh
Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa hè, số lượng trẻ em bị bỏng lại gia tăng. Tại khoa Bỏng – bệnh viện Xanh Pôn, mấy chục giường bệnh đều chật cứng bệnh nhân. Khoa Bỏng điều trị tổng hợp cho cả người lớn lẫn trẻ em, tuy nhiên vào mùa hè lượng bệnh nhi thường chiếm hơn 60% tổng số bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, mùa hè bao giờ cũng là mùa có số lượng bệnh nhi bỏng nhập viện đông nhất trong năm. Nguyên nhân chính là bỏng do nước sôi (chiếm 45%), sự bất cẩn của cha mẹ trong việc chăm sóc, trông coi con em mình.
Bé gái bị bỏng vùng mặt do bị đổ nước sôi khi đang bò trong nhà, em khóc cả ngày vì đau đớn.
Số ca bỏng ở trẻ em tăng cao trong dịp hè.
Chị Thu Hằng (Bắc Giang) đưa con tới bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu trong tình trạng bỏng nước sôi. Chị nước mắt ngắn dài chia sẻ, trong lúc đang bê nồi canh lên nhà để đổ ra bát, bé nhà chị chạy xô vào mẹ khiến nước canh bắn vào và khiến con chị bị bỏng nặng vùng chân. Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, đa số trẻ bị bỏng thời điểm này là do người lớn bất cẩn.
Mới đây, trường hợp bệnh nhân Bùi Tuấn Anh 13 tuổi (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) khiến ai ai cũng phải thương tiếc. Ngày 26/5 vừa qua, Khoa hồi sức cấp cứu của Viện Bỏng Quốc Gia tiếp nhận cháu trong tình trạng tím đen toàn thân, sốc nặng do bỏng điện cao thế, ngất lịm. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần, trải qua 2 cuộc phẫu thuật cắt bỏ hoại tử, đắp da từ nơi lành sang nơi bị hoại tử, bé Tuấn Anh đã ra đi.
Được biết, vừa được nghỉ hè, tai họa đã ập đến với cháu bé 13 tuổi này vào ngày 26/5. Cháu vác cần câu cá làm bằng các-bon đi ngang qua đường dây điện cao thế và bị điện phóng xuống. Trưa hôm đó, Tuấn Anh đi với 3 anh lớn tuổi hơn cùng xóm đi câu cá ngoài đồng. Trong 4 người, riêng Tuấn Anh bị nặng nhất vì là người vác cần câu, cháu đi ngang qua đường điện cao thế và bị điện phóng thẳng xuống người.
Bác sĩ cho biết, nhiều trường hợp trẻ chơi thả diều không may diều vướng vào dây điện, thậm chí một số trẻ còn bị bỏng điện do trèo lên cột điện để nghịch. Hoặc giai đoạn trẻ được nghỉ hè, nhiều gia đình không có người trông nom, có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra như trẻ bị bỏng điện do lấy thanh sắt, vật kim loại nhét vào ổ điện, một số trẻ khác ngã vào nồi cơm canh nóng, vỡ đổ phích nước nóng lên người...
Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, bỏng xảy ra ở trẻ thường diễn ra rất nhanh, nặng nhanh, với diện tích bỏng 5% đã có thể gây sốc cho trẻ. Bỏng ở trẻ thường đi kèm với nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm mủ khớp, hệ tạo máu, tỷ lệ trẻ bị sẹo sau bỏng cũng rất cao.
Nguyên nhân chính là do sự bất cẩn của cha mẹ
Bên cạnh đó, theo bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, 1 tháng trở lại số ca bỏng ở trẻ em tăng lên đến 30%, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 trường hợp trẻ em bị bỏng xăng, bỏng do điện, bỏng do gas mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.
Chiều ngày 8/6, có mặt tại khoa bỏng bệnh viện Nhi Đồng 2, chúng tôi gặp bé K Pây Y Dâu (12 tuổi, quê Gia Lai). Bé Dâu vừa được chuyển từ bệnh viện tỉnh Gia Lai vào khoa cấp cứu bỏng do bị xăng làm bỏng cơ thể. Trước đó, bé Dâu cùng một bạn dùng giấy thấm vào bình xăng để sẵn trong nhà đốt lửa lên chơi đùa nhưng do lửa quá nóng nên bạn đã đá bình xăng lỡ đổ lên người Dâu và ngọn lửa bùng cháy.
Sau đó Dâu được gia đình đưa vào bệnh viện Gia Lai cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 2 với chuẩn đoán ban đầu bé bị phỏng 45%. Hiện tại Dâu được chuyển vào nằm phòng cách li ở khoa bỏng bệnh viện để điều trị.
Nằm chung phòng cách li với bé Dâu còn có bé Nguyễn Thị Dung (quê Gia Lai), bé Dung bị phỏng nặng do lửa. Hiện tại Dung đang được các bác sĩ điều trị nhưng do vết bỏng làm vùng da ở chân và bộ phận sinh dục cháy hết nên việc điều trị tái tạo da cho bé gặp rất nhiều khó khăn.
Một trường hợp bỏng nặng khác xảy ra với một bé trai 8 tuổi. Trong lúc chơi bé trai đã leo lên cột điện để lấy tổ chim nên bị bỏng điện, đang ở trên cột điện cao bất ngờ bị bỏng đau nên bé đã ngã xuống đất dẫn đến gãy xương đùi phải.
Anh K-Pây Toàn (bố bé trai bị phỏng do trèo cột điện) chia sẻ: “Mấy ngày hè tôi cho cháu lên núi chơi với bạn, cháu đi chơi rồi thấy cái tổ chim trên cột điện nên trèo lên lấy xuống chơi nhưng bất ngờ bị điện làm phỏng. Bây giờ nhìn cháu băng bó khắp người lại bị đau đớn do gãy xương tôi đau lòng lắm. Người làm cha làm mẹ nên chú ý hơn để tránh xảy ra những trường hợp phỏng cho các bé”.
Tại khoa bỏng bệnh viện Nhi Đồng 2 còn rất nhiều trường hợp bỏng ở trẻ em mà nguyên nhân đều xuất phát từ những bất cẩn của người lớn. Nhiều trường hợp bé bị bỏng nặng do cho tay vào ổ điện ở nhà trẻ, để điều trị vết bỏng các bác sĩ phải tháo khớp tay bé. Nhiều trường hợp phải tiến hành phẫu thuật ghép da như di chứng để lại sau này cho các bé rất lớn.
Mùa hè số lượng ca bỏng ở các bệnh viện tăng cao, một số trường hợp bỏng nặng kèm theo chấn thương rất nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng các bé. Bỏng nặng sẽ rất khó điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, để lại di chứng cho các em sau này. Để phòng tránh những trường hợp bỏng xảy ra với các bé người lớn cần chú ý cẩn thận không cho các bé tiếp xúc, chơi đùa với lửa, xăng, bếp gas, bật lửa, nước sôi, không cho các bé leo trèo lên cột điện, các thiết bị điện trong nhà nên thiết kế an toàn.
Sơ cứu đúng cách khi xảy ra bỏng
Theo bác Sĩ Nguyễn Quốc Hải, khoa Bỏng- Chỉnh hình bệnh viện Nhi Đồng 2, hầu hết các trường hợp bỏng xảy ra với trẻ em ở mọi độ tuổi. Khi xảy ra bỏng phải sơ cứu vết bỏng đúng cách trước khi nhập viện, nhiều trường hợp người lớn không biết cách sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách làm vết bỏng bị biến chứng, bị nhiễm trùng nặng hơn.
Khi xảy ra trường hợp bỏng phải sơ cứu bằng cách rửa vết bỏng dưới vòi nước sạch từ 15- 20 phút để làm mát vết bỏng, sau đó dùng gạc hoặc khăn vải sạch băng vết bỏng lại rồi đưa trẻ đến cơ sở gần nhất.
Những trường hợp bỏng đang trong quá trình điều trị bỏng và phục hồi người nhà nên chú ý thường xuyên cho trẻ tập vật lí trị liệu để không xảy ra biến chứng khi trẻ lớn lên.
Theo Trí Thức Trẻ