Anh Quân thuộc tuýp nhạc sĩ có thể quên ăn, quên ngủ, quên cả ra phố... chỉ để làm nhạc. Thậm chí, có lần tác giả Hương Ngọc Lan còn thành thật việc "quên" cả Mỹ Linh là vợ một khi đã vào phòng thu.
Thế nên, thủ lĩnh ban nhạc Anh Em vẫn bị gắn mác là "khó tính". Vietnam Idol mùa 5, có thí sinh thừa nhận "sợ nhất là biểu cảm của giám khảo Anh Quân". Erik năm đó đi thi còn bị nam nhạc sĩ chê là "nghe rất khó chịu vì chưa vỡ giọng".
Zing.vn có cuộc trò chuyện với vị nhạc sĩ mà giới trong nghề vẫn đồn là "kỹ tính, nguyên tắc và nghiêm chỉnh bậc nhất nhạc Việt".
Nhạc sĩ Anh Quân tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đừng viết nhạc buồn như "sắp chết đến nơi"
- Mới đây, trả lời Zing.vn, Lê Minh Sơn cho rằng những ca từ như "anh yêu em", "ngất ngây đắm say", "con tim hao gầy" trong bài hát là rất tầm thường, không có nhiều giá trị. Là một người làm nhạc, quan điểm của anh thế nào?
Trong một ca khúc, ca từ rất quan trọng. Không thể nói “tôi có nhạc hay nhưng ca từ của tôi lại dở được”, nhất là với người Việt. Người Việt mình rất thích nghe lời, đó là lý do các nhạc sĩ đều chú trọng lời ca, chứ thực ra trên thế giới có những bài hát ca từ rất đơn giản, chỉ 1-2 câu.
Tôi có đọc trả lời của Lê Minh Sơn trên báo, cũng biết ý kiến đó gây nhiều tranh cãi nhưng tôi hiểu điều tích cực mà Sơn muốn nói. Nếu bình tĩnh và đừng phán xét thì sẽ hiểu cậu ấy nói gì.
Nhạc Việt từ xưa đến nay là khi viết về tình yêu thường bi lụy, sầu thảm ở phần lời. Âm nhạc, theo tôi nên mang ý niệm tích cực sẽ tốt hơn. Buồn cũng được nhưng đừng buồn như sắp chết đến nơi.
Thế nên, về cơ bản, tôi đồng tình với chia sẻ của Lê Minh Sơn, chỉ trừ việc dẫn chứng “anh yêu em”.
- Trước đây, nhạc Việt có nhạc phổ thơ hay một số nhạc sĩ không có thế mạnh về phần lời có thể nhờ người khác viết. Ví như nhiều sáng tác của anh là do nhạc sĩ Dương Thụ viết lời. Nhưng hiện nay, các tác giả trẻ không còn làm như vậy, dù có sở trường hay không, họ cũng tự viết lời, bất chấp hay dở?
Điều này xuất phát từ việc các bạn ấy chưa hiểu làm nhạc rất cần ê-kíp. Nếu xem những bài hát nổi tiếng trên thế giới sẽ thấy không bao giờ dưới 3 người tham gia sáng tác. Đấy là việc làm hết sức bình thường của nền công nghiệp âm nhạc bây giờ.
Làm việc theo nhóm, mỗi người có một thế mạnh, sản phẩm sẽ tốt hơn. Suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là cho ra đời một tác phẩm có chất lượng tốt nhất cả nhạc lẫn lời. Thế nên, rất cần tìm người cùng làm. Không biết phối khí thì tìm người phối khí, không viết được lời hay thì nhờ người viết lời hay.
Như trường hợp của tôi, tôi không hứng thú về mặt ca từ vì tôi đã đảm nhận rất nhiều việc rồi, từ sáng tác, phối khí, mix. Thế nên việc viết lời sẽ do người khác làm.
Với những ca khúc mà tôi đã nghĩ ra tư tưởng gì đó, tôi sẽ truyền đạt lại cho người viết lời, còn không thì người viết lời sẽ viết theo chính giai điệu mà tôi sáng tác. Với người viết nhạc chuyên nghiệp, giai điệu cũng nói lên rất nhiều điều rồi.
- Theo anh, sự quẩn quanh, lặp lại trong phần lời các ca khúc về tình yêu hiện nay có phải là hậu quả của việc các nhạc sĩ trẻ không chịu làm việc theo ê-kíp?
Ca từ trong ca khúc là rất khó vì chỉ có mấy câu chứ không phải là truyện ngắn hay bài thơ dài. Thế nên, sáng tác làm sao phải súc tích nhất.
Nếu biết cách làm việc theo nhóm sẽ nâng chất lượng tác phẩm của mình lên. Không đủ khả năng thì đừng cố nhồi nhét vì mỗi người có một năng khiếu, sở trường khác nhau, quan trọng là mình biết tụ họp lại.
Còn việc các nhạc sĩ trẻ luôn thích viết về những chuyện tình yêu buồn, tôi nghĩ chắc là để phù hợp với tuổi mới lớn. Tuổi “ổi ương” thường tìm thấy sự đồng cảm trong tình yêu bi thảm. Sáng tác buồn đau vào đầu các bạn tuổi teen rất nhanh, như thế là đánh đúng vào tâm lý lứa tuổi.
Nhạc sĩ Anh Quân được cho là người góp phần kiến tạo sự nghiệp của diva Mỹ Linh. Anh cũng đóng góp quan trọng trong việc đưa nhiều thể loại nhạc Tây vào Việt Nam những năm 90.
Bi kịch của các giọng ca idol là... fan phong trào
- Có người nhận định các nhạc sĩ tên tuổi thường “cành cao”, chê người trẻ nhưng chẳng nghe nhạc trẻ. Anh và vợ mình - ca sĩ Mỹ Linh - vẫn được biết như những người quan sát, và hỗ trợ một vài người trẻ làm nhạc. Qua con mắt làm nghề, anh đánh giá như nào về các mô hình trong đời sống âm nhạc hiện nay?
Mô hình thì đa dạng nhưng thường chia 2 dạng là thần tượng (idol) và nghệ sĩ (artist). Idol là những ngôi sao mà xuống sân bay là rất nhiều fan ra săn đón. song song với idol là các nghệ sĩ. Trên thế giới, mô hình này phổ biến, và họ tương tác với nhau.
Idol luôn nhìn xem nghệ sĩ đang làm gì. Ngược lại nghệ sĩ cũng rất để ý đến giới idol. Họ đối lập nhưng không đối đầu, họ giằng co với nhau trong âm nhạc, cốt để phát triển song song.
Ca sĩ idol luôn tìm chất liệu từ giới nghệ sĩ để sáng tạo. Nghệ sĩ cũng học ở idol cách đạt hiệu ứng tốt nhất về mặt khán giả. Quan trọng hơn, nhiều ý tưởng của nghệ sĩ sẽ được hiện thực hóa bởi idol, và được đông đảo công chúng đón nhận.
- Ở Việt Nam, hình như nghệ sĩ và idol còn… ghét nhau, điều đó có đúng không, thưa anh?
Chúng ta đang bị thiếu sự đồng cảm để cùng phát triển. Nghệ sĩ của chúng ta hoạt động nhỏ lẻ, co cụm, và tất nhiên không thành làn sóng trong khi các idol đã thành một làn sóng, và đang chiếm lĩnh các sân khấu.
Đúng ra nghệ sĩ và idol cần tương tác và bổ trợ lẫn nhau trong việc làm nghề. Có như vậy, nhạc Việt mới phát triển. Thay vì khinh thường thì nên đồng cảm, trao đổi và đóng góp cho nhau.
- Nhưng sẽ đồng cảm ra sao khi mà nghệ sĩ hàn lâm thì chê “nhạc của idol không chất lượng”, còn idol lại nhận định “nhạc của nghệ sĩ hàn lâm chẳng ai nghe”?
Sự đồng cảm này còn phải trải qua một quá trình và hai bên cần hiểu biết nhau thêm. Theo góc nhìn của tôi, tôi không coi thường dòng nhạc nào cả vì giá trị sau cùng vẫn là chất lượng. Quan trọng là mình phải trân trọng sản phẩm của mình, chứ không phải chỉ chiều lòng khách.
Idol hay nghệ sĩ cũng vậy đã làm tốt nhất với khả năng mà mình có thể chưa? Thế nên, thứ sống còn là ý thức của người làm ra âm nhạc. Khi làm tử tế nó khác lắm dù là bất cứ dòng nhạc nào.
Rihanna rất đại chúng, nhưng khi làm tử tế, cô ấy vẫn được rất nhiều nghệ sĩ gạo cội ủng hộ và thậm chí là hợp tác cùng.
Ngược lại, nếu cứ làm nhạc theo kiểu “mỳ ăn liền” sẽ tạo cho khán giả thói quen nghe nhạc dễ dãi, thiếu cẩn thận.
- Có ý kiến cho rằng bi kịch của các idol là fan phong trào. Lượt view, lượt xem có thể rất nhiều nhưng một phần là kết quả của hiệu ứng đám đông. Vì thế nên khi các idol làm live show, tưởng chắc chắn "cháy vé" nhưng cuối cùng khéo lại "miễn phí". Anh nghĩ sao?
Cái này đúng là tồn tại ở thị trường của mình, còn trên thế giới lại khác. Mới đây tôi đi xem Bruno Mars ở Singapore. Đêm đầu tiên kín bưng, cậu ấy phải diễn thêm đêm thứ hai và lại kín bưng.
Ở một đất nước nhỏ bé như vậy nhưng người ta có thói quen bỏ tiền mua vé xem ca nhạc. Trong khi, khán giả mình lại có thói quen nghe nhạc miễn phí, vé mời.
Đó là còn chưa kể đến các chương trình ca nhạc, game show do nhãn hàng tổ chức luôn là miễn phí, dần dần hình thành thói quen không mua vé.
Nhưng tất nhiên vẫn còn một bộ phận khán giả thưởng thức dám bỏ tiền ra mua. Còn người chỉ nghe cho vui, chắc chắn họ sẽ không bỏ tiền.
Nhưng cũng phải nói thêm âm nhạc không phải thứ duy nhất làm nên các idol. Ngoài âm nhạc, fan còn yêu thích từ tóc tai đến quần áo. Tóm lại là yêu thích rất nhiều thứ.
- Idol nổi bật nhất ở Việt Nam hiện tại là Sơn Tùng M-TP. Thông thường các nhạc sĩ tên tuổi rất ngại nói về Sơn Tùng. Là người đi trước, anh có sẵn sàng đánh giá về idol này?
Tôi có theo dõi và thấy rằng bạn này có mọi thứ nhưng cái duy nhất không có là cá tính. Cá tính không phải nghệ sĩ tính hay hình thức bên ngoài. Cá tính là khi âm nhạc cất lên người ta biết ngay đó là chất nhạc của ai. Tôi chỉ nói rất đơn giản như vậy.
- Nhưng rõ ràng ở Việt Nam, bật nhạc của Sơn Tùng M-TP, rất đông khán giả nhận ra?
Nếu bật nhạc khác cũng như thế, ví như nhạc Hàn.
- Ca khúc mới nhất của Sơn Tùng là “Chạy ngay đi” được nhiều người đánh giá là sáng tạo, và không còn giống nhạc Hàn?
Tôi đã nghe, thực ra vẫn có cái giống. Nhưng tôi nói thế này, việc học hỏi, bắt kịp xu hướng là cần thiết nhưng vẫn phải có yếu tố cá nhân của mình. Về trường hợp của Sơn Tùng, không phải giờ tôi mới nói mà nhiều người trong giới nhạc đã từng mổ xẻ rồi.
Tôi chỉ nghĩ rằng bạn ấy đã ra thị trường vài năm, vậy hãy làm gì của mình đi, đừng sợ mất fan, bạn ấy cần dũng cảm làm những điều mà mình có thể. Như vậy, người ta nghe thấy được chất của Sơn Tùng. Khi đó, Sơn Tùng sẽ rất tương xứng với lượng fan đông đảo của bạn ấy.
Theo nhạc sĩ sinh năm 1971 cá tính không phải nghệ sĩ tính hay hình thức bên ngoài. Cá tính là khi âm nhạc cất lên người ta biết ngay đó là chất nhạc của ai.
'Thời gian là thước đo chính xác hơn view và like'
- Anh vừa phân tích về việc nghệ sĩ và idol ở Việt Nam thiếu sự đồng cảm. Vậy tôi xin đề xuất anh nên mời một giọng ca idol tham gia tour diễn xuyên Việt của Mỹ Linh được cho là diễn ra vào năm nay. Anh có dám quyết tâm trong việc đánh dấu sự kết hợp của một diva với một idol?
Chúng tôi cũng đã có dự định, nhưng cũng còn quá sớm để có thể nói được. Tour của Linh hướng đến giới trẻ, chúng tôi cũng có tính mời những giọng ca có khả năng thực sự, nhưng vấn đề là còn con đường của họ nữa.
Và điều quan trọng nữa là chất lượng idol ở Việt Nam như thế nào đã làm hài lòng khán giả chưa?
- Mỹ Linh từng hơn một lần chia sẻ về việc sẽ không hát nữa để tập trung cho sự nghiệp giáo dục. Giả định như vợ anh khép lại sự nghiệp diva sau tour diễn vào năm nay, hẳn anh sẽ nhận câu hỏi “Mỹ Linh dừng lại, Anh Quân sẽ làm gì?”, hay “Năng lượng của Anh Quân trong âm nhạc sẽ dành cho ai nếu không phải là vợ mình?"
Tôi nghĩ điều này sẽ không xảy ra sớm với Mỹ Linh vì nghề này không hát sẽ rất nhớ. Và ngoài Mỹ Linh, tôi cũng còn rất nhiều việc, có rất nhiều bạn trẻ đang cần đến tôi, lại còn anh em ban nhạc. Việc giảng dạy cũng rất quan trọng, tôi cũng sẽ tham gia vào việc này.
- Những nhạc sĩ cùng thời với anh như Huy Tuấn, Quốc Trung đều có những công việc, những chương trình mang thương hiệu cá nhân. Anh là người kiến tạo nên sự nghiệp của một diva, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng nhiều người cho rằng anh có thể làm được nhiều hơn thế?
Tôi nghĩ rằng đó là sự xác định của mình, tôi làm gì cũng làm tốt nhất, có thể chẳng xuất hiện trên sân khấu vì say mê của tôi là ở chỗ khác. Mọi người hay nghĩ là tôi ở phía sau, đứng đằng sau, nhưng không phải. Đó, dù thế nào vẫn là một công việc, thậm chí rất quan trọng.
- Mới đây, trong The Voice có một nữ thí sinh tiết lộ ca khúc mà cô ấy yêu thích nhất là “Hương Ngọc Lan”. Kể ra, âm nhạc mang thương hiệu Anh Quân của thời thanh xuân 7X, 8X vẫn sống ở thế hệ 9X?
Giá trị về văn hóa, nghệ thuật được trả lời qua thời gian. Thời gian có lẽ là thước đo chính xác hơn là bao nhiêu view, bao nhiêu like trên mạng. Một ca khúc có thể không đình đám, có thể không quá nổi nhưng đã đi qua hơn một thế hệ, điều ấy là đáng quý, là đáng trân trọng đấy chứ!
Theo Zing