Ở bất cứ thị trường âm nhạc nào, kể cả Việt Nam, fan luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lượng người hâm mộ đông chứng minh sự nổi tiếng, từ đó giúp các ca sĩ lôi kéo được những hợp đồng quảng cáo, lời mời tham gia sự kiện, chương trình truyền hình...

Ở Hàn Quốc hay Âu Mỹ, fan đông còn có lợi thế trong việc bán album, tổ chức đêm diễn, và đây là một trong những nguồn thu nhập lớn nhất với giới ca sĩ.

Sao thế giới giàu nhờ fan

Adele lập kỷ lục album bán chạy nhất năm 2016 nhờ sản phẩm phát hành từ năm 2015 đó là 25. Tính đến giữa năm 2016, album bán được 20 triệu bản. Và hiện, Adele là nghệ sĩ dưới 30 tuổi giàu nhất nước Anh.

Cô sở hữu 161 triệu USD, trong đó có hơn 51 triệu USD (1.1 tỷ đồng) từ chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới mang tên Adele Live 2016 và doanh thu từ lượng tiêu thụ đáng kể của các album, đĩa đơn, cùng một số khoản thu khác.

Big Bang được mệnh danh là nhóm nhạc giàu có nhất Hàn Quốc. Chỉ tính riêng tour lưu diễn vòng quanh thế giới vào năm 2015 đã mang về cho nhóm 140 tỷ won.


Phần lớn thu nhập của Big Bang đến từ các đêm nhạc tổ chức vòng quanh thế giới và doanh thu bán album. Ảnh: Big Bang Music.

JYP sở hữu “nữ hoàng quảng cáo” Suzy. Nhìn vào số hợp đồng và cát xê quảng cáo khổng lồ của Suzy, nhiều người nghĩ rằng cô đem về lợi nhuận lớn nhất cho JYP. Tuy nhiên, chính công ty này đã khẳng định 2PM chiếm 75% tổng lợi nhuận, dù những năm gần đây, nhóm không còn nổi tiếng ở Hàn Quốc.

2PM có lượng fan quốc tế lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản, do đó vé đêm nhạc và doanh thu bán album của các chàng trai luôn rất khả quan. Tiếp sau 2PM, GOT7 và Twice cũng đang giúp “san sẻ” gánh nặng doanh thu của JYP bằng lượng album và tiêu thụ vé đêm nhạc khủng.

Thực tế, ở Hàn Quốc, những nhóm nhạc được mệnh danh “nữ hoàng nhạc số” như Sistar không hẳn đã có thu nhập cao nhất. Họ chinh phục được các bảng xếp hạng âm nhạc, nhưng lượng fan không lớn, dẫn đến doanh số album bán ra khiêm tốn.

Ngoài ra, sự lớn mạnh của các fandom (cộng đồng fan của một ca sĩ) còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh.

Ở Hàn Quốc, các thành viên trong fandom luôn tích cực “cày” lượt xem MV, lượt nghe, tải ca khúc… để giúp thần tượng nâng cao thành tích trên các bảng xếp hạng.

Họ thậm chí còn bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua quà, quảng bá hình ảnh trên xe bus, quảng trường lớn… nhân dịp sinh nhật, kỷ niệm ngày ra mắt hoặc trở lại với ca khúc mới của thần tượng. 

Những fandom chuyên nghiệp dần hình thành ở Vpop

Tại Việt Nam, vấn đề bán album hay tổ chức đêm nhạc quy mô luôn là bài toán khó. Chưa kể bản quyền cũng là trở ngại lớn với ca sĩ Việt trong việc tăng doanh thu để tái đầu tư.

Trước đó, khi trao đổi với Zing.vn, nữ ca sĩ Văn Mai Hương tỏ ra buồn lòng trước thực trạng làng nhạc Việt. Cô tâm sự: “Nghệ sĩ Việt Nam khá thiệt thòi, quy mô hoạt động cũng trái ngược quốc tế".

"Nghệ sĩ quốc tế có thể bán single, MV, tiền bản quyền… để thu lại được tiền, sau đó tổ chức tour. Ở Việt Nam, chúng tôi phải đi diễn để kiếm tiền, và từ tiền đó làm sản phẩm”, cô nói.

So với fan Hàn, Âu Mỹ về độ cuồng nhiệt, yêu thần tượng, người hâm mộ Việt có lẽ không hề thua kém. Tuy nhiên, với mức sống còn chênh lệch so với thế giới, việc đầu tư mua album, mua quà, đến xem biểu diễn… vẫn là trở ngại lớn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cộng đồng fan Việt xuất hiện nhiều fandom có thể trở thành hình mẫu hoạt động chuyên nghiệp như Kpop hay Âu - Mỹ. Họ có tên gọi, hoạt động bài bản với đội ngũ người đứng đầu, thường xuyên tổ chức các buổi họp, trò chuyện với thần tượng và hoạch định hoạt động trong tương lai.


Mỹ Tâm là ca sĩ Việt hiếm hoi luôn bán được lượng album, DVD lớn.

Đương nhiên, từ nhiều năm trước, khi Mỹ Tâm, Quang Vinh, Đan Trường… mới ca hát, cộng đồng fan của họ đã được hình thành và hoạt động bài bản. Thậm chí, Mỹ Tâm và Ưng Hoàng Phúc còn từng gây xôn xao khi bán ra lượng đĩa lớn.

Tuy nhiên, hiện tại mô hình hoạt động của fandom chuyên nghiệp, lớn mạnh hơn khi có sự xuất hiện của các fansite như Stand By My (Khởi My), Tedda (S.T), Sweet Death For Sky (Sơn Tùng)…

Fansite là sản phẩm của đội ngũ fan ruột, luôn theo sát thần tượng trong mọi hoạt động, sự kiện để từ đó cho ra những thước ảnh, video đẹp và ý nghĩa. Ở Hàn Quốc, nhóm tổ chức fansite còn thường chi mạnh để mua quà cho thần tượng trong mỗi dịp sinh nhật, lễ Tết hay ra mắt bài hát mới…

Sơn Tùng đang sở hữu lượng fan hùng hậu, và fandom của nam ca sĩ cũng gần sát mô hình hoạt động của quốc tế. Không chỉ có tên gọi riêng, fan Sơn Tùng còn có light stick (gậy phát sáng) màu xanh dương để cổ vũ cho thần tượng trong các đêm nhạc.


Sơn Tùng tiên phong trong việc xây dựng fandom ở Vpop. Ảnh: Việt Hùng.

Sơn Tùng chứng minh lợi thế từ lượng fan khủng

Hiện tại, Sơn Tùng là ca sĩ Việt duy nhất có tới 3 MV đạt trên 100 triệu lượt xem, bao gồm Nơi này có anh, Lạc trôi Chúng ta không thuộc về nhau. Trong đó, Nơi này có anh phát hành dịp Valentine 2017 lập kỷ lục MV Việt đạt 100 triệu lượt xem nhanh nhất.

Chỉ mất 61 ngày để có được thành tích lớn, sản phẩm này thậm chí vượt cả MV TT của nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc Twice (71 ngày). Đóng góp lượt xem không nhỏ cho các MV của nam ca sĩ sinh năm 1994 chính là cộng đồng Sky (tên fan của Sơn Tùng).

Mỗi khi thần tượng phát hành MV mới, họ tích cực tăng lượt xem bằng cách sử dụng mọi thiết bị điện tử như máy tính, laptop, điện thoại di động... Không ít người tâm sự rằng mỗi ngày họ xem tới hàng trăm lượt để tăng thành tích cho MV của nam ca sĩ.


Fan Sơn Tùng tích cực tăng lượt xem cho thần tượng.

Anh cũng là giọng ca hiếm hoi bán được 1.000 bản album chỉ sau ít giờ phát hành tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, ở hai điểm bán, hàng trăm fan đến từ sớm để xếp hàng với hy vọng mua được sản phẩm mới của thần tượng, thế nhưng họ vẫn phải tay trắng ra về.

Mới đây, nam ca sĩ Em của ngày hôm qua tổ chức thành công buổi fan meeting có sự tham gia của 5.000 người hâm mộ. Đây được đánh giá là buổi họp fan có quy mô lớn nhất của các ca sĩ Việt.

Chuyên nghiệp hóa cộng đồng fan

Việc Vpop thiếu các fandom lớn mạnh như Hàn Quốc thực tế xuất phát từ cách thức hoạt động của ca sĩ Việt. Trước Sơn Tùng, hiếm ca sĩ Việt nào để tâm đến việc tổ chức ký tặng, sản xuất light stick...

Riêng với giọng ca Lạc trôi, để sở hữu lượng fan lớn và chuyên nghiệp giống các fandom quốc tế, anh tiên phong trong việc “chuyên nghiệp hóa” hình ảnh, điều mà chưa nghệ sĩ Việt nào từng làm.

Ngoài sáng tác các ca khúc bắt tai, hướng tới phong cách cá tính hợp xu hướng giới trẻ, giọng ca sinh năm 1994 còn livestream buổi ra mắt sản phẩm mới, tổ chức tour họp fan xuyên Việt, tổ chức tiệc sinh nhật ngoài trời với hơn 8.000 khán giả....

Đặc biệt, nam ca sĩ còn là người đầu tiên ở Vpop thiết kế light stick riêng và thực hiện buổi ký tặng người hâm mộ mua album…

Thực tế, những việc như Sơn Tùng làm không mới lạ ở thị trường giải trí quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, anh lại là người tiên phong. Đây là việc làm cần thiết ở thị trường âm nhạc Việt.

Bởi vậy, cùng Sơn Tùng, nhiều ca sĩ Việt thời gian qua cũng tích cực xây dựng cộng đồng fan chuyên nghiệp, đặc biệt là những giọng ca trẻ mang phong cách giống nghệ sĩ Hàn Quốc như Lime, LipB, Monstar…

Ngoài việc tích cực livestream trò chuyện hay tung ra nhiều phiên bản MV khác nhau để thu hút sự chú ý, Monstar còn tổ chức buổi ký tặng, fan meeting…

Nhờ đó, không riêng fan Sơn Tùng mà người hâm mộ của nhiều ca sĩ khác cũng tích cực ủng hộ thần tượng bằng cách tăng lượt xem MV, tham gia sự kiện… hay đặc biệt là sự xuất hiện các fansite như kể trên.

Tuy chưa thể so sánh với fandom quốc tế nhưng đây cũng là bước khởi đầu đáng được công nhận trong quá trình chuyên nghiệp hóa cộng đồng fan Việt.

Theo Zing