Câu chuyện 1:

Một thương gia đến tìm một nhà sư, hỏi:

– Thưa thầy, nhiều khi con muốn buông bỏ hết vì quá mệt mỏi nhưng không được. Thầy có cách nào giúp con không?

Nhà sư đưa cho ông một cốc nước và bảo ông cầm, đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm ông thương gia bị bỏng. Ông buông tay làm vỡ cốc.

Lúc này nhà sư từ tốn nói:

– Nếu con muốn buông bất cứ chuyện gì thì hãy buông ngay trước đó, chứ đừng để bị tai họa rồi mới buông thì đã trễ!

Tại sao phải đợi tới khi đau thật nhiều, tổn thương quá sâu mới chịu buông tay? Có những điều chúng ta đã biết trước kết quả tốt - xấu ra sao, nhưng chúng ta vẫn chấp nhất... để bản thân bị tổn thương mới quyết định BUÔNG BỎ.

SỐNG CHẬM: Tại sao phải đợi tổn thương thật sâu thì mới BUÔNG?-1
Tại sao phải đợi tới khi bị tổn thương thì mới chịu buông tay?

Câu chuyện 2:

Một chàng trai đến tìm nhà sư, hỏi:

-Thưa thầy con muốn buông xuôi tất cả nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.

Nhà sư đưa anh ta một cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong. Chàng trai nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư từ tốn nói:

– Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp phía sau đó rồi!

Cuộc đời vốn không bằng phẳng. Đôi khi sẽ rất khó khăn để đưa ra quyết định phải BUÔNG hay NẮM điều gì. Và chỉ có bản thân ta mới là người biết rõ câu trả lời. Đôi khi, phải chịu đau đớn, tổn thương thì mới nếm được trái ngọt.

SỐNG CHẬM: Tại sao phải đợi tổn thương thật sâu thì mới BUÔNG?-2
Bạn là người duy nhất biết thời điểm nên BUÔNG hay NẮM. Bạn là người phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bản thân, mà không phải ai khác!


Video: Sống đẹp TV
Mộc (Sưu tầm)
Theo Vietnamnet